Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo Israel chớ nên tái chiếm đóng Gaza, cho dù thừa nhận cần có “giai đoạn chuyển tiếp” sau cuộc chiến của Israel chống lại các phần tử hiếu chiến Hamas ở Gaza.
Tại cuộc họp báo ngày 8/11 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước ở Tokyo, ông Blinken tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nỗ lực của Israel nhằm lật đổ Hamas, phe đã giết chết 1.400 người và bắt cóc hơn 200 con tin trong cuộc đột kích vào miền Nam Israel vào tháng trước.
Nhưng ông Blinken cũng nói “rõ ràng là Israel không thể chiếm đóng Gaza”.
“Bây giờ, thực tế là có thể cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp nào đó khi xung đột kết thúc. Nhưng điều bắt buộc là người dân Palestine phải là trung tâm của sự quản lý ở Gaza và Bờ Tây,” ông nói thêm.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 7/11 với ABC News, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gợi ý rằng nước ông sẽ đóng vai trò an ninh ở Gaza trong “một thời gian vô hạn định” sau khi xung đột kết thúc.
Theo các quan chức Palestine, hơn 10.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có hơn 4.000 trẻ em, trong lúc Israel tăng cường hoạt động trên bộ và trên không ở Gaza.
Ông Netanyahu khẳng định sẽ không có lệnh ngừng bắn cho đến khi các con tin được Hamas phóng thích. Nhưng hôm 7/11, ông ngỏ ý rằng “những đợt ngưng bắn ngắn mang tính chiến thuật – một giờ ở đây, một giờ ở kia” là có thể thực hiện được.
Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 8/11, các ngoại trưởng G7 đã kêu gọi tạo ra các đợt tạm ngừng bắn nhân đạo và các hành lang nhân đạo để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo và thả con tin.
Tuyên bố của G7 cũng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine phòng thủ chống Nga “cho tới cùng”, lên án các giao dịch vũ khí giữa Nga và Triều Tiên bị cáo giác và chỉ trích một loạt hành động của Trung Quốc.
Chú trọng vào Trung Đông
Nhưng cuộc họp bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng Israel-Hamas, trong bối cảnh quốc tế ngày càng kêu gọi ngừng bắn.
Tuần trước, phần lớn các quốc gia trong Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi một “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo” ngay lập tức và lâu dài ở Gaza.
Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống lại đề nghị này, cảnh báo rằng lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Hamas tập hợp lại và tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn.
Pháp, một thành viên khác của G7, ủng hộ nghị quyết, cho thấy quan điểm khác biệt về xung đột ở Trung Đông ngay cả giữa các nước phát triển, giàu có.
Ông Jeffrey J. Hall, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, cho biết, nước chủ nhà G7, Nhật Bản cũng không mạnh mẽ ủng hộ Israel như các đồng minh khác của Mỹ.
Ông Hall nói: “Nhật Bản đang phải đối mặt với việc chọc giận Washington hoặc chọc giận các quốc gia Ả Rập cung cấp dầu cho họ”.
Ông nói thêm: “G7 thực sự không thể đưa ra quan điểm thống nhất mạnh mẽ về vấn đề này”.
Tại cuộc họp báo của mình, ông Blinken đã bác bỏ mọi gợi ý về xích mích, nói rằng “sự đoàn kết của G7 mạnh mẽ và quan trọng hơn bao giờ hết”.
Nhấn mạnh mối quan ngại toàn cầu
Trong tuyên bố chung sau hai ngày họp, các ngoại trưởng G7 đã đề cập đến một loạt vấn đề toàn cầu khác.
Về vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cam kết rằng “cam kết kiên định” của chính phủ họ đối với việc bảo vệ Ukraine “sẽ không bao giờ lay chuyển”.
Tuyên bố nói: “Chúng tôi cam kết sát cánh bên Ukraine cho đến cùng”.
Một số nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng xung đột Israel-Gaza có thể chuyển sự chú ý của quốc tế ra khỏi cuộc chiến Ukraine-Nga.
Theo ông Sebastian Maslow, người giảng dạy quan hệ quốc tế tại Trường đại học Phụ nữ Sendai Shirayuri ở Nhật Bản, những lo ngại như vậy là có cơ sở.
Ông Maslow nói các chính phủ G7 biết rằng nếu họ giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine, “sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Nga - và cả Trung Quốc nữa - rằng G7 không có khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng cơ bản trong khu vực”.
Tập trung vào châu Á
Tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh điều quan trọng là Mỹ phải tiếp tục tập trung vào châu Á, ngay cả khi Mỹ đang giải quyết các vấn đề cấp bách ở châu Âu và Trung Đông.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi quyết tâm và như chúng tôi thường nói, chúng tôi có khả năng đối phó với hai việc cùng một lúc.” “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng cho tương lai của chúng tôi.”
Bình luận của ông được đưa ra trước cuộc gặp dự kiến vào tuần tới tại California giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Ông Blinken nói ông không thể bình luận về các chủ đề cụ thể mà hai ông Biden và Tập sẽ thảo luận, nhưng cả hai bên đều “thừa nhận tầm quan trọng của các kênh cấp lãnh đạo trong việc quản lý mối quan hệ”.
Các nhà phân tích không mong đợi bất kỳ đột phá nào tại cuộc gặp Tập-Biden nhưng cho rằng những cuộc gặp như vậy có thể giúp ngăn chặn căng thẳng Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tuyên bố ngày 8/11 của G7 lặp lại nhiều mối quan ngại lâu nay của Mỹ và nhiều đồng minh về Trung Quốc.
Tuyên bố bày tỏ sự phản đối “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuyên bố cũng liên kết hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan với “an ninh và thịnh vượng” của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa quân sự chống lại Đài Loan tự trị và từ chối loại trừ việc chiếm hòn đảo này bằng vũ lực. Bắc Kinh coi vấn đề này là vấn đề nội bộ chứ không phải quốc tế và thường xuyên chỉ trích bình luận của các nước khác về vấn đề này.
Ngoài ra, tuyên bố của G7 còn bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương và Tây Tạng.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G7 nói thêm: “Chúng tôi sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, thừa nhận tầm quan trọng của việc tham gia một cách thẳng thắn và bày tỏ mối quan ngại trực tiếp với Trung Quốc”.
Ông Blinken đến Seoul
Sau cuộc họp G7, ông Blinken khởi hành đến Seoul, nơi ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc. Theo các quan chức Mỹ, hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga sẽ được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ tại Hàn Quốc lần này.
Washington và Seoul đã cam kết tăng cường khả năng răn đe chung trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng khi Triều Tiên tiếp tục các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân cũng như chuẩn bị cho nỗ lực phóng vệ tinh do thám lần thứ ba.
Tuyên bố của G7 lên án mạnh mẽ các vụ thử vũ khí gần đây của Triều Tiên cũng như các cuộc chuyển giao vũ khí từ Triều Tiên sang Nga theo cáo giác, điều mà G7 cho rằng vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.