Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ hối thúc Trung Quốc tạo áp lực nhiều hơn nữa để đòi Bắc Triều Tiên ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân gây nhiều tranh cãi khi ông gặp gỡ với các giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA có bài tường trình sau đây.
Trung Quốc là chặng dừng cuối trong chuyến đi thăm ba quốc gia Á Châu của Ngoại trưởng Kerry. Trước đó ông đã đi thăm Lào và Campuchia.
Chuyến công du của ông Kerry diễn ra vài tuần lễ sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công điều họ gọi là một cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch; một động thái bị Nam Triều Tiên và các cường cường thế giới kịch liệt lên án.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken đã đến Á Châu trước chuyến thăm của ông Kerry để thảo luận với các giới chức Nhật Bản và Nam Triều Tiên về hành động này Bắc Triều Tiên. Ông Blinken cho biết các nước này tán thành quan điểm cho rằng phải có thái độ cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên.
"Chúng tôi nhất trí với nhau là phải mạnh mẽ phản đối vụ thử nghiệm hạt nhân này, và chúng tôi nhất quyết buộc Bắc Triều Tiên phải gánh chịu hậu quả của hành động coi thường nghĩa vụ quốc tế của họ."
Điểm then chốt của nỗ lực đó là Trung Quốc, chiếc phao cứu sinh kinh tế của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng là nước bị chỉ trích là đã sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
"Vào lúc này tình hình trên bán đảo Triều Tiên là hết sức nhạy cảm. Tôi hy vọng các nước liên hệ có hành động theo một cách thức phù hợp với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực."
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc còn phải cân bằng những lợi ích trái ngược nhau.
Ông Scott Snyder, một chuyên gia của Hội đồng Đối ngoại, nhận định như sau.
"Đối với Trung Quốc, điều khó khăn là phải cân bằng giữa sự cần thiết phải trừng phạt Bắc Triều Tiên với những lo ngại về sự ổn định ở Bắc Triều Tiên. Do đó họ muốn gây áp lực, nhưng họ không muốn gây áp lực quá mạnh."
Ông Scott Snyder nói rằng thách thức đối với Mỹ là làm thế nào để thuyết phục Bắc Kinh để họ tin rằng việc trừng phạt Bắc Triều Tiên sẽ không gây phương hại cho quyền lợi của Trung Quốc.