Chiến đấu chống khủng bố sẽ là một chủ đề hàng đầu trong nghị trình khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Bangladesh. Đất nước này vẫn còn choáng váng vì vụ tấn công một quán cà phê ở Dhaka hôm 1/7. Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ này, trong đó 20 con tin đã thiệt mạng, 17 người trong số họ là người nước ngoài.
Cả Dhaka và nước ngoài sẽ xem xét kỹ lưỡng những gì ông Kerry phát biểu công khai ở Dhaka hôm 29/8 để đánh giá liệu chuyến thăm này có thành công hay không trong việc tăng cường hợp tác song phương về chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Bangladesh, Ấn Độ, Mỹ và các nước khác thường xuyên trao đổi thông tin tình báo về các hoạt động liên quan đến khủng bố. Và sự hợp tác đó được ghi nhận góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng ngay từ giai đoạn chúng được lên kế hoạch.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, đại sứ Bangladesh ở Mỹ Mohammad Ziauddin nói với đài VOA rằng "Thông qua trao đổi thông tin, chúng tôi đã có thể loại bỏ những thành phần nằm vùng".
Đại sứ Ziauddin nói một chủ đề quan trọng trong nghị trình của Dhaka trong các cuộc hội đàm với ông Kerry là Bangladesh đề nghị Mỹ nối lại việc cho phép các sản phẩm dệt may của Bangladesh được miễn thuế nhập khẩu.
Ông nói: "Chúng tôi cảm thấy rằng Mỹ thật công bằng và có cái nhìn tử tế về Bangladesh, và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ làm điều này như một vấn đề về công lý và công bằng ".
Bangladesh bị mất đặc quyền GSP hay còn gọi là Hệ thống Ưu đãi Phổ cập vào năm 2013 trong bối cảnh có những quan ngại về các điều kiện nguy hiểm trong các nhà máy dệt may của nước này.
Bangladesh là nước xuất khẩu lớn thứ ba về hàng dệt may sang Mỹ.