Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch tăng cường hiện diện Châu Á

A member of the artistic group Cirk La Putyka performs on a trampoline to entertain residents as the movement remains restricted to stem the spread of the novel coronavirus in Prague, Czech Republic.

Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch đầu tư gần 8 tỷ đô la để tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới bằng cách nâng cấp cơ sở quân sự, tiến hành thêm các cuộc diễn tập và điều động thêm lực lượng cũng như tàu bè.

Nỗ lực này được những người ủng hộ xem là một cách để gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn về cam kết của Mỹ với khu vực trong lúc Washington đang đối mặt với căng thẳng bán đảo Triều Tiên, quan ngại chủ yếu của Mỹ trong vùng, theo một bài phân tích đăng trên Wall Street Journal ngày 8/5.

Tác giả Gordon Lubold viết rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang phát họa chính sách Châu Á sau khi bỏ kế hoạch ‘Xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Obama.

Bài phân tích nói nhìn cách ông Trump ‘đàm phán’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể thấy rằng bất kỳ kế hoạch nào muốn mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á chung cuộc cũng đòi hỏi có các bước trấn an Bắc Kinh rằng các biện pháp quân sự mới không nhắm tới Trung Quốc.

Đề nghị đầu tư gần 8 tỷ đô la mang tên Sáng kiến Ổn định Châu Á-Thái Bình Dương thoạt tiên được nêu lên bởi Thượng nghị sĩ John McCain và sau đó được các nhà lập pháp khác ủng hộ, và trên nguyên tắc, cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Harry Harris tán thành. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể của kế hoạch 7,5 tỷ đô la tới nay chưa được phát triển.

Chính quyền của tân Tổng thống Trump đã yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa hiện nay và đang tìm cách tăng 54 tỷ đô la cho năm tài khóa 2018.

Giới chức và giới lập pháp Mỹ nói chưa rõ trong ngân khoản tăng chi tiêu quốc phòng ấy có bao nhiêu phần sẽ được dành cho Sáng kiến Châu Á vừa kể.

Bài viết trên Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ quan điểm của kế hoạch này, nói rằng “Tôi chưa hiểu rõ mọi chi tiết trong kế hoạch của Thượng nghị sĩ McCain, nhưng tôi ủng hộ trọng tâm ông ấy nêu bật tầm quan trọng dành cho khu vực đó.”

Vẫn theo bài báo, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Gary Ross, cho biết Bộ Quốc phòng ‘ủng hộ trên nguyên tắc’ đề nghị của ông McCain rằng “Châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, và Bộ Quốc phòng cam kết bảo đảm lực lương Mỹ có khả năng và sẵn sàng để đối diện với các thách thức liên tục trong vùng.”

Nỗ lực ‘Xoay trục’ của cựu Tổng thống Obama đã mang đến những thay đổi trông thấy. Hơn 1200 lính thủy quân lục chiến đồn trú luân phiên tại Darwin (Australia), Mỹ bắt đầu điều động các tàu tác chiến ven biển tới Singapore, và tiếp cận của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Philippines được phục hồi nằm trong số những thay đổi đó.

Vẫn theo tác giả bài báo, quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Obama áp lực Trung Quốc bằng các hoạt động thực thi ‘tự do hàng hải’, cho tàu hải quân đi quan một số vùng biển mà Trung Quốc nhận chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong buổi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, tuyên bố rằng Mỹ sẽ ‘tiến sâu’ hơn nữa, có thể tới chỗ không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo có tranh chấp và các khu vực khác.

Tuy nhiên, tới nay, bài báo nêu rõ, các bước đó chưa được thực hiện cũng như chưa có hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải nào được công bố kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức tới nay dù các giới chức trong chính quyền Trump đã loan báo rằng các hoạt động ấy sẽ tiếp diễn.

Nguồn WSJ