Thuyền trưởng của một tàu cá Việt Nam bị chính quyền Indonesia giam cầm gần một năm nay kêu gọi truyền thông quốc tế lên tiếng để ông và hơn 50 thuyền viên khác sớm được trả tự do.
Từ trại giam của Hải quân Indonesia tại Ranai trên đảo Natuna, thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ, lên tiếng cầu cứu với VOA-Việt ngữ qua ứng dụng Messenger trên điện thoại di động:
Tôi xin nhắn nhủ với chính phủ (Việt Nam) rằng họ nên có một tiếng nói gì đó để bảo vệ và mang lại sự công bằng cho ngư dân của mình. Họ (Indonesia) vào vùng biển của mình và bắt ngư dân của mình. Họ phá hủy tàu thuyền, thiết bị định vị, phá hết các bằng chứng xác thực. Họ giam mình ở đây xem như vô thời hạn.Thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ, đang bị giam ở Natura, Indonesia.
“Tôi bị bắt ngày 3/5/2017 đến nay đã gần một năm. Tôi xin nhắn nhủ với chính phủ (Việt Nam) rằng họ nên có một tiếng nói gì đó để bảo vệ và mang lại sự công bằng cho ngư dân của mình. Họ (Indonesia) vào vùng biển của mình và bắt ngư dân của mình. Họ phá hủy tàu thuyền, thiết bị định vị, phá hết các bằng chứng xác thực. Họ giam mình ở đây xem như vô thời hạn.”
Ông Vĩ nói rằng nhiều thuyền viên như ông đã bị lực lượng Hải quân Indonesia bắt giam nhưng chưa được xét xử, và không được phía Việt Nam hỗ trợ, và có trường hợp ra tòa nhưng đại diện sứ quán Việt Nam không đến dự.
“Gửi thư, đơn từ bên mình (Việt Nam) thì không ai trả lời, ở bên này thì sứ quán (Việt Nam) không xuống. Nếu có ra tòa thì họ muốn xử sao thì xử. Các anh em có người gửi đơn thưa, mời luật sư qua đây, mướn cả luật sư bên này, nhưng mời sứ quán thì họ không tới.”
Ông Vĩ nói với VOA rằng ông và gia đình đã gửi đơn đến Văn phòng chính phủ, Cục lãnh sự Bộ ngoại giao Việt Nam, Cục Kiểm ngư và nhiều cơ quan khác, trong đó có cả Tòa Tổng Lãnh sự Indonesia ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng “tất cả đều im lặng”. Ông nhấn mạnh là “chưa hề nhận được sự trợ giúp nào từ đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia.”
Your browser doesn’t support HTML5
Trước đó, Lực lượng An ninh Biển thuộc Bộ Tư lệnh Hạm đội Miền Tây Indonesia (Guskamla Koarmabar) được trang Netralnews xác nhận đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Vĩ, thuyền trưởng tàu cá BT 97986 cùng với 12 thuyền viên Việt Nam vào tháng 5/2017, vì tàu của ông “xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.
Vào tháng 12 năm ngoái, báo Tuổi Trẻ có đăng tin dù có tàu cảnh sát biển và tàu Hải quân Việt Nam hỗ trợ, nhưng tàu cá do ông Vĩ làm thuyền trưởng vẫn bị phía Indonesia dùng vũ lực bắt từ vùng biển Việt Nam đưa sang Indonesia.
Theo ông Vĩ, khi bị phía Indonesia bắt, tàu cá Kim Phúc BT 97986 đang neo đậu tại tọa độ 7 độ 20’09" Bắc - 107 độ 54’56" Đông, cách Đông Bắc bãi cạn Đông Sơn khoảng 43 hải lý về phía bắc Việt Nam, tức là nằm sâu trong vùng biển Việt Nam.
Theo ông Vĩ thì trong gần một năm qua, có hơn 500 ngư phủ Việt Nam bị bắt và giam lỏng ở trại chung với ông. Phần lớn họ được thả sau vài tháng. Ông cho biết phía Indonesia chỉ giữ lại những thuyền trưởng như ông, và đến thời điểm này có tất cả 53 ngư phủ đang bị giam ở trại.
VOA đã liên lạc với Bộ Tư lệnh Hạm đội Miền Tây Indonesia, Văn phòng Công tố và Tòa án Ranai, cũng như Tòa đại sứ Việt Nam tại Jarkarta và Bộ Ngoại giao Việt Nam về trường hợp thuyền trưởng Nguyễn Văn Vĩ và những thuyền viên đi cùng, nhưng đến 25/4 vẫn chưa nhận được phản hồi.
Từ Bến Tre, bà Huỳnh Thị Kim Phượng, chủ tàu Kim Phúc, nói với VOA rằng bà có gửi đơn nhờ chính quyền Việt Nam can thiệp nhưng vẫn không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào:
Tôi có gửi đơn kêu cứu lên nhà nước Việt Nam nhưng không được trả lời. Ngư dân chúng tôi bức xúc nhưng không biết kêu với ai.Bà Huỳnh Thị Kim Phượng, chủ tàu cá bị phía Indonedia phá hủy.
“Tôi có gửi đơn kêu cứu lên nhà nước Việt Nam nhưng không được trả lời. Ngư dân chúng tôi bức xúc nhưng không biết kêu với ai. Tôi cũng có trình báo với địa phương và các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết gì hết. Mình chỉ biết chấp nhận mất của. Còn phía Indonesia thì tôi không biết liên lạc với ai, thỉnh thoảng tôi có nói chuyện với anh Nguyễn Văn Vĩ qua Messenger, nhưng ảnh bị tịch thu máy điện thoại hoài nên mấy tháng nay tôi mất liên lạc với ảnh.”
Từ trại giam ở Ranai, ông Vĩ kể về cuộc sống của những thuyền viên và ngư dân Việt Nam bị giam lỏng ở Indonesia:
“Sáng sớm chúng tôi đi quét dọn lau nhà, lau cửa, và làm những việc họ sai mình làm. Sáng 7 giờ họ điểm danh và cho đi chợ một tiếng đồng hồ, sau đó về nấu ăn, ăn xong thì họ lùa vô nhốt lại. Đến 3 giờ họ mở cửa ra, đi xuống gần mé biển có che láng để nấu ăn. Ăn xong thì phải lên nhà để họ nhốt lại.”
Bà Lê Thị Sầu Riêng, vợ của ông Vĩ, hiện đang sinh sống ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói rằng gia đình phải chu cấp tiền cho ông Vĩ để ông trang trải cuộc sống hằng ngày trong suốt năm qua. Bà Riêng nói thêm rằng qua trao đổi với chồng, bà biết rằng có viên chức ở trại giam Ranai khuyên chồng bà nên chạy án bằng cách chi tiền:
“Họ nhốt chồng tôi cả năm nay mà chưa đưa ra tòa xử. Có người phiên dịch nói với ảnh nên chạy án đi, kể như mình chấp nhận mình có lỗi và đã qua nước của họ để đánh bắt cá. Mình sẽ trả tiền chuộc khoảng 300 đến 400 triệu đồng để được trả về.”
Bà Riêng cho biết là sau khi ông Vĩ kêu cứu với VOA, viên chức trại giam đã tịch thu điện thoại của ông:
“Gọi điện thoại thì gọi lén thôi. Có khi trong một tháng họ lấy 3 cái điện thoại của ảnh. Họ lấy để làm tiền. Gia đình phải gửi tiền qua để ảnh mua đồ ăn, chứ họ cũng không nuôi ngày nào. Mà gửi qua nhiều tiền thì họ cũng lấy.”
Gia đình phải gửi tiền qua để ảnh mua đồ ăn, chứ họ cũng không nuôi ngày nào. Mà gửi qua nhiều tiền thì họ cũng lấy.Bà Lê Thị Sầu Riêng, vợ của ông Vĩ.
Qua cuộc trao đổi ngắn trước đó với VOA, ông Vĩ nói ông thường xuyên bị tịch thu điện thoại, nhưng vì phải liên lạc với gia đình ở Việt Nam nên ông phải sử dụng một cách lén lút.
Từ trước đến nay chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn áp dụng chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài khi các tàu này đánh bắt trái phép trên vùng biển của Indonesia.
Tuần trước, trong chuyến thăm đến Hà Nội, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh cam kết thống nhất giải quyết các vướng mắc nảy sinh ảnh hưởng đến hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc vi phạm đánh bắt trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân và tàu cá.
Tuy nhiên, hôm 25/4, hãng tin AFP đưa tin chính quyền Indonesia vừa bắt giữ hai tàu cá Việt Nam cùng với thủy thủ đoàn ở gần đảo Natuna, tịch thu 300 kg cá và bắt giam tất cả 21 thuyền viên trên tàu.
Your browser doesn’t support HTML5