Báo cáo mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói rằng Việt Nam đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự.
Thống kê công bố hôm 1/1/2020 cho biết con số kể trên bao gồm cả trường hợp nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người đã bị kết án 33 tháng tù giam nhưng hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ. 238 người còn lại đang bị giam giữ “trong điều kiện vô cùng tồi tệ ở nhiều nhà tù khắp đất nước và xa gia đình của họ.”
Việt Nam vẫn là quốc gia có số tù nhân lương tâm lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar, theo thông cáo của tổ chức.
Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa qua cho biết hiện tại Việt Nam có đến 130 tù nhân chính trị trong khi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói rằng có đến 12 phóng viên đang bị giam cầm. Còn theo The 88 Project, con số các nhà hoạt động nói chung đang bị chính quyền Việt Nam bỏ tù là 276 người.
Trong số 239 người đang bị giam giữ theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, có 48 tù nhân lương tâm bị kết tội hoặc đang bị giam để điều tra về cáo buộc “lật đổ,” 37 người về “tuyên truyền chống nhà nước,” 57 người thuộc nhiều sắc dân thiểu số về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc,” 7 người về “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” 13 người về “phá hoại an ninh,” 48 người về “gây rối trật tự công cộng” và 2 người “bị kết tội khủng bố”. Tội danh của 10 người không được công bố.
Trong năm 2019, Việt Nam bắt giữ 39 người hoạt động trong nước và công dân Australia Châu Văn Khảm, 32 trong số họ bị cáo buộc theo các tội danh thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS). Nạn nhân mới nhất của các vụ bắt giữ "độc đoán" này là nhà báo tự do Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và là blogger của VOA. Ông bị bắt giữ vào tháng 11 sau khi gửi thư cho Quốc hội Châu Âu kiến nghị không phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
21 Facebooker bị bắt trong năm 2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì viết và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ đa nguyên hay chỉ trích chính phủ hoặc đơn giản chỉ là nêu ra các vấn đề của xã hội như tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Họ bị bắt sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực, tuy nhiên, các cáo buộc chống lại họ không liên quan đến luật này.
Phần lớn tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án theo các cáo buộc của Điều 79, 87 và 88 của BLHS 1999 hoặc Điều 109, 117 và 331 trong BLHS 2015.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, người vừa được Bộ Ngoại giao Pháp-Đức trao giải nhân quyền 2019, nói với VOA rằng: “Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và mang tính thách thức. Đây là một năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Chế độ cộng sản Việt Nam không còn coi trọng và bị chùng bước trước những ý kiến, những chỉ trích của cộng đồng thế giới nói chung về đàn áp nhân quyền. Đó là một thái độ mang tính thách thức của chế độ cộng sản Việt Nam.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về phúc trình của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nhưng hồi tháng 5 năm ngoái phủ nhận việc giam giữ bất kỳ “tù nhân lương tâm” nào và phản bác một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng chính quyền Cộng sản ngày càng bỏ tù nhiều người là “không có căn cứ.” Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, không ai bị bắt giữ ở Việt Nam “vì bày tỏ chính kiến.”