“Thật quá là khốn nạn. Tôi được biết nhiều nhân viên y tế hiện nay còn bị chậm lương, không có tiền mà trả cho họ. Trong khi đó thì tiền phòng chống dịch, tiền xương máu của người dân trong lúc khó khăn lại được đem ra chia chác như thế. Đúng là tận cùng của sự thối nát và mục ruỗng.” Anh Đặng Thành Trung, một cư dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nói với VOA về vụ Việt Á.
Scandal Việt Á đang trở thành tin hàng đầu tại Việt Nam trong những ngày qua, liên quan đến công ty Việt Á nâng khống giá thành bộ xét nghiệm Covid (Kit test) và lãnh đạo CDC một số địa phương bị cáo buộc nhận “lại quả” lên tới hàng chục tỷ đồng, thậm chí có thể hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thông tin sai sự thật từ Bộ Khoa Học - Công Nghệ rằng bộ xét nghiệm của Việt Á đã được WHO chấp thuận cho sử dụng, thậm chí có thể xuất cảng; hay Bộ Y tế là nơi đưa ra giá tham khảo vốn cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của các bộ xét nghiệm của Việt Á. Dư luận đang đặt câu hỏi, quan chức ở cấp cao đến cỡ nào, từ trung ương đến địa phương, tham gia trong vụ gian lận và tham nhũng này.
Cho dầu tin tức vụ Việt Á gây “sốc” nặng trong dư luận quần chúng, nhiều người vẫn nói họ “không bất ngờ” trước tin này. Lý do, theo họ, “làm ăn gian dối, chạy chọt, đút lót, tham nhũng để hưởng lợi là chuyện thường ngày tại Việt Nam” từ nhiều thập niên nay, chứ không phải bây giờ.
“Việt Á mới được nguyên Chủ Tịch, đương kiêm Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng ký trao tặng huân chương lao động hạng 3, giờ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt bị bắt và đang phải đối mặt với những tội danh nặng nề không phải chuyện hiếm.” Theo lời một cư dân Hà Nội.
“Tình trạng dùng tiền chạy chọt để được bơm thổi, có được cái danh từ đó có thể dễ dàng làm ăn và thu lợi bất chính đã có rất nhiều tiền lệ. Một anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, bằng khen vừa trao mấy ngày trước thì hôm nay đã ‘xộ khám’ vì buôn lậu, làm hàng giả hay thực hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật khác là chuyện ‘thường ngày ở huyện’.”
Ông Nguyễn Hoàng Long, một cư dân sinh sống ở quận Cầu Giấy Hà Nội, bày tỏ với VOA: “Ối giời, ăn trên xương máu của người khác là táng tận lương tâm nhất rồi. Nhưng ở Việt Nam thì cũng bình thường thôi.”
Ông Long nói tiếp, “Đến thuốc điều trị ung thư mà bà Kim Tiến (cựu Bộ trưởng Y tế) còn làm được trong bao nhiêu năm thì mấy chuyện này có đáng là cái gì!”
Chung quan điểm với ông Long, ông Nguyễn Đình Thắng, một cán bộ về hưu sinh sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ: “Thật ra những vụ như thế này nó phải từ trên xuống. Toàn bộ hệ thống chính trị nó thối nát từ lâu rồi nên mới bao che và để cho những kẻ như Phan Quốc Việt hoành hành được như thế. Bằng chứng là bao nhiêu cơ quan báo Đảng và website của Chính phủ trước đây cũng ca ngợi, tung hô công ty Việt Á này mà.”
Ông Thắng kết luận: “Cứ chịu chi là mua được hết thôi, không có gì là lạ cả.”
Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, mặc dù nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ký huân chương lao động hạng 3 cho Việt Á nhưng ông không nghĩ rằng lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam có ăn hay được tiền đút lót trong vụ việc này, mà nhiều khả năng là do giáo điều, duy ý chí, muốn thực hiện thành công các chiến dịch phòng chống dịch nên bị cấp dưới vốn ăn tiền của Việt Á bịt mắt mà thôi.
Chính vì sự lừa lọc, gian dối phổ biến, diễn ra hàng ngày, theo ông Thắng, từ lâu nay ông đã có thái độ riêng đối với xã hội và cuộc sống xung quanh mình: “Từ lâu rồi tôi có xem ti vi, nghe đài hay đọc báo Nhà nước đâu. Vì tôi biết là toàn những chuyện nhảm nhí, nếu không thì cũng không trung thực được đưa lên đó mà thôi. Từ lâu tôi đã chẳng còn niềm tin gì nữa, chẳng thể tin bất cứ vị nào trong cái xã hội và thể chế này!”