Người đầu tiên thú nhận giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa Thượng thẩm Berlin. (Ảnh chụp màn hình Thoibao.de)

Một người gốc Việt đã khai nhận trước tòa án Đức rằng ông đã giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh giữa ban ngày tại Berlin và đưa về Hà Nội nơi cựu lãnh đạo ngành dầu khí sau đó bị xét xử và nhận hai án chung thân với tội danh tham nhũng.

Đây là người đầu tiên dính líu vào vụ bắt cóc ông Thanh, mà Đức cho là vi phạm luật pháp của họ, nhận tội trước tòa, theo Reuters.

Bị can có danh tính Nguyễn Hải Long bất ngờ nhận tội hôm 17/7 sau gần ba tháng xét xử. Theo luật pháp Đức, nếu bị cáo Long thú nhận tội thì sẽ được khoan hồng và mức án sẽ được giảm bớt, theo nhà báo Lê Trung Khoa, người dự các phiên tòa xử ông Long tại tòa Thượng thẩm Berlin.

Nguyễn Hải Long thú nhận đã biết rõ mình tham gia vào một âm mưu và kế hoạch của mật vụ Việt Nam nhằm bắt “một người Việt Nam bị truy nã đang trốn ở Đức, người này biển thủ nhiều tiền và hẹn gặp người tình tại Berlin.”

Ông Long, một công dân Czech gốc Việt, bắt đầu bị đưa ra tòa xét xử hôm 24/4 về tội hoạt động gián điệp vì bị cho là có can dự vào vụ bắt cóc ông Thanh, người mà Việt Nam lúc đó đang truy tìm với cáo buộc làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian làm lãnh đạo cho một công ty của tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Có 21 phiên tòa được lên lịch đến ngày 29/8 cho vụ xét xử ông Long, người bị bắt giữ tại Cộng hòa Czech vào tháng 8/2017 và sau đó bị dẫn độ sang Đức. Viện công tố Đức cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ vụ bắt cóc ông Thanh.

Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin nhưng Hà Nội nói ông Thanh tự ra đầu thú. Cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị kết án tù trung thân 2 lần vì tội tham nhũng.

Theo một người phát ngôn của tòa án ở Berlin cho Reuters biết hôm 18/7, ông Long nói trong bản thú tội rằng “ông ấy biết về vụ bắt cóc và đã tham gia vào và rằng ông ấy làm việc cho mật vụ Việt Nam.” Người phát ngôn này từ chối không cho biết thêm chi tiết.

Trong bản thú tội trước đó, ông Long nói đã “vì mối quan hệ thân thuộc (với ông Đào Quốc Oai mà ông Long gọi là cậu) nên đã tin tưởng và nghe lời ông Oai mà lần lượt đi thuê 3 chiếc xe ở cửa hàng của Bùi Hiếu trong chợ Sapa nhưng bị cáo không hề biết trước đây là một vụ bắt cóc,” theo nhà báo Khoa, chủ bút Thoibao.de.

Tuy nhiên, trong lời nhận tội bổ sung được Thoibao.de trích dẫn, ông Long nói đã biết rõ mình tham gia vào một âm mưu và kế hoạch của mật vụ Việt Nam nhằm bắt “một người Việt Nam bị truy nã đang trốn ở Đức, người này biển thủ nhiều tiền và hẹn gặp người tình tại Berlin.”

Vụ bắt cóc ông Thanh đã gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Đức và Việt Nam.

Ông Long cho biết đã nhận lời làm những công việc hỗ trợ trong vụ bắt cóc mặc dù biết rằng Việt Nam không phải là một nhà nước pháp quyền. Bị cáo 47 tuổi cũng cho biết về vai trò chỉ huy của Trung tướng Công an Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc.

Nếu bị kết án, ông Long có thể đối diện với mức án từ 3 năm rưỡi đến 5 năm tù giam, so với mức án 7 năm rưỡi nếu bị cáo không nhận tội, theo một người phát ngôn của tòa án được Reuters trích dẫn.

Một phiên tòa bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 23/7 để các bên đề xuất mức án cho bị cáo Long, theo nhà báo Khoa.

Vụ bắt cóc ông Thanh đã gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Đức và Việt Nam khi Berlin quyết định “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam hơn 2 tháng sau khi diễn ra vụ bắt cóc.

Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt ông Thanh ở Berlin hôm 23/7/2017 trong một vụ bắt cóc mà Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel gọi là “giống phim gián điệp thời chiến tranh lạnh.” Tuy nhiên Hà Nội khẳng định người đàn ông 52 tuổi tự trở về và ra đầu thú với công an.