Người gốc Việt thắng lớn, bắt đầu cuộc ‘đổ bộ’ của thế hệ thứ 2 vào chính trường Mỹ

Từ trái sang phải: Dân biểu Trâm Nguyễn, Dân biểu Tyler Diệp và Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn.

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 cho thấy rất nhiều ứng viên gốc Việt đã giành chiến thắng ở nghị trường Quốc hội các tiểu bang Hoa Kỳ, phác họa một tương lai “nhiều hy vọng” của thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ qua những gương mặt nghị viên trẻ tuổi và nổi trội, theo nhận định của người đứng đầu Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt ở thủ đô Washington, một tổ chức bất vụ lợi với chủ trương giúp tăng sức mạnh của người Việt ở Hoa Kỳ.

California-thủ phủ của người Việt ở Mỹ

Tập trung và có số lượng ứng cử viên gốc Việt tham gia tranh cử đông nhất trong đợt bầu cử giữa kỳ vẫn là bang California, nơi có đông người Việt nhất nước Mỹ.

Sau đêm bầu cử căng thẳng và sôi động 6/11, bang này đã lập nên kỳ tích là lần đầu tiên có hai nghị sĩ vào Quốc hội. Trong đó, bà Janet Nguyễn tái đắc cử chức Thượng nghị sĩ ở Địa hạt 34 và ông Tyler Diệp lần đầu tiên đắc cử chức Dân biểu tiểu bang ở Địa hạt 72.

Ngoài hai vị trí trên, nhiều người gốc Việt khác cũng giành chiến thắng ở các chức vụ cấp khu vực, thành phố như Thị trưởng Westminter Trí Tạ, Thị Trưởng Milpitas Rich Trần, các nghị viên Phát Bùi, Thu-Hà Nguyễn cũng được dự đoán sẽ chiến thắng ở Garden Grove.

Theo báo Người Việt, có 13 người trong số 24 ứng viên gốc Việt ở California thắng cử trong đợt bầu cử giữa kỳ này nếu kết quả cuối cùng không thay đổi.

Truyền thông Mỹ hồi cuối tháng trước nhận định rằng có một “làn sóng” người Việt, với tên họ phổ biến là “Nguyễn”, đang ra tranh cử trong đợt này.

“Họ là ứng cử viên cho chức thượng nghị sĩ tiểu bang, thành viên Hội đồng thành phố, Quốc hội bang California, cảnh sát trưởng và thị trưởng Westminster”, tờ Los Angeles viết, đồng thời mô tả chiến dịch vận động của những ứng viên gốc Việt “thống lĩnh các góc phố ở khu Little Saigon”.

Trẻ tuổi và nổi trội

Ở các tiểu bang khác, nhiều gương mặt ứng viên gốc Việt cũng lập nên các kỳ tích khiến cộng đồng người Mỹ gốc Việt tự hào.

Joe Nguyễn, một quản lý cấp cao của tập đoàn Microsoft, vừa vượt qua đối thủ Shannon Braddock với tỷ lệ số phiếu ủng hộ là 57,4% và trở thành Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của Địa hạt 34, bang Washington.

Dân biểu Hubert Võ của tiểu bang Texas tái đắc cử với số phiếu gần 88%.

Thượng Nghị Sĩ Dean Trần tái đắc cử ở bang Massachusetts với số phiếu 53.5%.

Bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt ở thủ đô Washington, người từng nhiều năm theo dõi việc tham gia của các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt qua các đợt bầu cử, nói với VOA rằng những ứng viên đắc cử lần này “nổi trội” hơn nhiều so với trước đây.

“Vì họ là những người trẻ, rất có khả năng và lòng tin. Đặc biệt, cả hai đảng đều có những người [gốc Việt] giỏi”.

Bà Genie cũng lưu ý đến khuynh hướng gia tăng những gương mặt nữ gốc Việt trong chính trường Mỹ. Họ đều thuộc thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ, trẻ tuổi và gặt hái thành công nhanh khi chỉ mới bước vào sự nghiệp chính trị, như trường hợp của Dân biểu Stephanie Murphy, người vừa tái đắc cử ở Địa hạt 7, bang Florida; Dân biểu Kathy Trần ở Virginia; hay cô Trâm Nguyễn, nữ luật sư vừa đắc cử chức Dân biểu ở Địa Hạt 18, bang Massachusetts hôm 6/11 và trở thành Dân biểu người Mỹ gốc Việt đầu tiên ở Hạ viện tiểu bang.

Trả lời VOA trước ngày bầu cử, nữ luật sư Trâm Nguyễn, người đã rời khỏi Việt Nam khi mới 5 tuổi, cho biết cô muốn trở thành một dân biểu “dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng gặp mặt tất cả các cử tri”, và cô sẽ nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng 3 sọc đỏ được công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts.

Nói về thành công của nữ dân biểu 31 tuổi, bà Genie cho đây là một chiến thắng không dễ dàng, “vì tiểu bang Massachuset là một tiểu bang khá chọn lọc, có rất nhiều người trí thức”, bà Genie nói.

Cả Cộng hòa lẫn Dân chủ

Nếu như trước đây người Việt ở Mỹ đa số ủng hộ và tham gia vào đảng Cộng hòa, thì điều này đang thay đổi ở cả thành phần cử tri lẫn những người ra tranh cử trong các cộng đồng người Việt.

Trong số những gương mặt đắc cử kỳ này, có thể thấy họ thuộc cả hai đảng: Dân chủ và Cộng hòa. Một số ứng cử viên trẻ thuộc đảng Dân chủ, qua các cuộc trả lời phỏng vấn với VOA, tỏ ra không hề lo ngại về việc phải “lội ngược dòng” với thế hệ trước, vốn đa số ủng hộ cho đảng Cộng hòa.

Theo bà Genie, dù là thuộc đảng phái nào, những người trẻ gốc Việt ra tranh cử kỳ này đều có các điểm chung như: theo cha mẹ tị nạn sang Mỹ từ lúc nhỏ, từng “đồng cam cộng khổ” với cha mẹ vượt qua khó khăn trong những ngày đầu trên đất Mỹ, đều có lý tưởng, muốn đóng góp cho xã hội và có một “tâm thức Việt Nam”.

“Họ có động lực rất mạnh”, bà Genie nhận xét về quá khứ “tị nạn” của nhiều ứng cử viên.

“Khi họ đã đi qua bước đường đó, họ hiểu về nhu cầu phúc lợi, vai trò của chính quyền Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Chiến thắng của “làn sóng” người Việt tại các nghị trường tiểu bang ở Mỹ cho thấy người Việt có quyền hy vọng một thế hệ tiếp nối đầy nhiệt huyết, năng động và trẻ tuổi sẽ góp sức bảo vệ cho các giá trị cao đẹp của nền dân chủ lớn nhất thế giới mà họ đã được hấp thụ, bà Genie nói.