Mgười Mỹ gốc Hoa nghĩ gì về cuộc tranh luận Obama-Romney?

  • Kate Woodsome

Tổng thống Obama (phải) và ông Mitt Romney trong cuộc tranh luận lần ba

Các quan hệ Mỹ-Trung là yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, nhưng cả hai ứng cử viên đang tranh giành chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc và giới cử tri Mỹ gốc Hoa đã bỏ nhiều thời giờ trong cuộc tranh luận chót giữa 2 ứng cử viên Tổng Thống, để bàn về các quan tâm kinh tế nội địa hơn là về thế mạnh đang lên của Trung Quốc.

Trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy một cuộc chạy đua rất khít khao sau nhiều tháng vận động, dự kiến kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ có thể được quyết định bởi cử tri tại một số bang mà thôi.

Một trong những thước đo chính là bang Ohio ở trung bộ nước Mỹ, nơi Deborah Wang, một ủng hộ viên của Tổng Thống Barack Obama, có mặt trong một nhóm theo dõi cuộc tranh luận tại Trung tâm Dịch vụ Hành động Á Châu, một nhóm cổ vũ cho quyền của người di dân, nơi cô làm việc tại Cleveland. Cô Wang nói chuyện với nhà báo:

“Chị có biết điều gì đã làm tôi ngạc nhiên không? Trong một giây, tôi cảm thấy như ông Romney rất có lý, ít nhất khi ông tuyên bố Trung Quốc muốn thế giới được ổn định. Họ không muốn chiến tranh. Họ muốn có một thị trường ổn định để có thể xuất khẩu hàng hóa của họ. Tôi gật gù. Tôi nghĩ, đúng, đó là điều mà Trung Quốc muốn.”

Cô Wang, một người Mỹ gốc Hoa, nằm trong thành phần cử tri Mỹ gốc Á ngày càng được coi là quan trọng hơn, vì là một trong những thành phần dân số tăng trưởng nhanh nhất tại Hoa Kỳ, và theo một cuộc nghiên cứu mới, cũng là một trong các khối cử tri chưa ngả hẳn về phe nào.

Karthick Ramakrishnan, người tiếp tay thực hiện cuộc khảo sát toàn quốc về người Mỹ gốc Á, nói rằng cử tri thuộc thành phần này có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ tháng 11:

“Trong các dữ kiện mới nhất mà chúng tôi thu thập vào trung tuần tháng 10, chúng tôi phát hiện ra rằng hơn 1/4 cử tri Mỹ gốc Á vẫn chưa quyết định sẽ trao lá phiếu của họ cho ai. Tỷ lệ đó cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình trên toàn quốc.”

Ông cho hay, đối với những người đã quyết định, thì họ thường nghiêng về Đảng Dân Chủ hơn so với Đảng Cộng Hòa.

Các vấn đề xã hội và kinh tế cấp thông tin cho quyết định chọn lựa, nhưng bên cạnh đó, còn có những phát biểu hùng hồn về chính trị. Ông Ramakrishnan nhận định:

“Có rất nhiều quan tâm trong cộng đồng Mỹ gốc Á về đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ được thảo luận như thế nào. Liệu vấn đề này được thảo luận một cách tinh tế và nói tới những khía cạnh phức tạp của nó, hay đề tài này được dùng như một ngõ tắt để khiêu khích những căng thẳng, không những với Trung Quốc mà còn đối với người Mỹ gốc Hoa.”

Đối thủ của Tổng Thống Obama, Thống đốc Mitt Romney, đã gây tranh cãi vì một trong những khác biệt về chính sách chủ yếu giữa ông với ông Obama, khi tỏ ý muốn áp lực Trung Quốc phải tăng giá trị đồng nguyên. Ông Mitt Romney phát biểu:

“Đó là lý do vì sao trong ngày đầu tiên lên nắm quyền, tôi sẽ xếp loại Trung Quốc như một nước dùng mánh khóe để vận dụng đơn vị tiền tệ của họ, như thế sẽ cho phép chúng ta áp dụng các thuế quan tùy theo họ đưa công ăn việc làm tới nơi nào.”

Cô Wang nói Trung Quốc là một mục tiêu dễ bị tấn công trong các chiến dịch vận động, bởi vì đa số người Mỹ không hiểu tình hình ở Trung Quốc, và cảm thấy bực dọc với nền kinh tế Mỹ:

“Điều rất dễ, rất dễ làm, là chỉ vào một mục tiêu bên ngoài và quy lỗi cho nó về sự thể đó, rồi tuyên bố tôi sẽ đứng lên trực diện cái cường quốc khổng lồ bất hảo đó, và theo cách nào đó sẽ cải thiện được tình hình. Theo tôi thì làm như thế là không thật thà.”

Một cử tri Mỹ gốc Hoa khác, ông Raymond Lee, thì có một hướng tiếp cận khác. Ông Lee nói các vấn đề kinh tế quan trọng hơn, so với chính sách đối ngoại. Ông Lee, một cư dân tại Ohio, nói ông ủng hộ ông Mitt Romney vì ông Romney hiểu những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt:

“Như Thống đốc Romney, tôi đã từng chứng kiến nhiều tình huống khác nhau khi cố vấn cho các thân chủ và các doanh nghiệp. Tôi đã từng trải qua những lúc lo lắng về vấn đề trả lương cho công nhân viên. Chúng tôi lo lắng về những tranh chấp hàng ngày với các quy định của chính phủ. Chúng ta phải sống với chúng ngay trong lúc này.”

Ông Lee, Giám Đốc điều hành của một công ty sản xuất nước ngọt, có một khởi đầu khiêm tốn. Ông lớn lên tại một khu láng giềng nghèo, nơi ông “bị kỳ thị bởi cả người da đen và da trắng” vì là người Á Châu.

Ông nói ông quan tâm về vấn đề kiến tạo công ăn việc làm và giảm mức nợ quốc gia, hơn là chính sách đối ngoại, hoặc về lối nhận thức về người Mỹ gốc Á. Ông Lee chống đối một số chương trình do chính quyền của Tổng Thống Obama, hỗ trợ giáo dục và xã hội, mà theo ông, mỗi người phải tự lo liệu lấy, như ông đã từng làm.

“Ông Obama nói về việc giúp đỡ giới trẻ ngày nay, tôi thì tôi nghĩ giới trẻ ngày nay phải tìm cách để trả lại tất cả các món nợ này. Đó là gia tài mà nước Mỹ sẽ để lại cho họ.”

Trong cuộc tranh luận, Tổng Thống Obama lập luận rằng về lâu về dài, Hoa Kỳ phải đầu tư vào chính nước mình để có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Tổng Thống Obama phát biểu:

“Nếu chúng ta không có một hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, nếu chúng ta không tiếp tục chi tiền vào các công trình nghiên cứu và công nghệ sẽ cho phép chúng ta thiết lập các doanh nghiệp tốt đẹp ngay trong nước, thì đó là cách chúng ta có thể bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh với những nước khác.”

Cách trả lời này tiêu biểu cho nhiều câu trả lời trong cuộc tranh luận vừa diễn ra đêm thứ Hai vừa rồi, khi những câu hỏi về chính sách đối ngoại khơi lên những câu trả lời về các kế hoạch kinh tế nội địa.

Điều đó phản ánh điều mà theo các cuộc khảo sát, là những quan tâm kinh tế chủ yếu của người Mỹ gốc Á và của giới cử tri Mỹ nói chung.

Các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ 2012