Hàng trăm người biểu tình vì dân chủ ở Thái Lan xuống đường hôm thứ Năm 24/6, kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha từ chức và đề nghị có những sửa đổi hiến pháp theo đó sẽ kiềm chế tầm ảnh hưởng của nền quân chủ hùng mạnh ở Thái Lan.
Bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng do đại dịch, cuộc biểu tình vẫn diễn ra, giữa lúc chính phủ của ông Prayuth phải đối mặt với những lời chỉ trích của công chúng về việc phòng chống dịch, tình hình kinh tế phục hồi chậm chạp, và chính sách về vắc-xin liên quan đến một công ty thuộc sở hữu của Nhà vua Maha Vajiralongkorn.
"Hiến pháp phải xuất phát từ người dân", nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, Jatupat "Pai Daudin" Boonpattararaksa, nói với đám đông ở thủ đô Bangkok.
Các cuộc biểu tình do giới trẻ đi đầu hồi năm ngoái đã thu hút hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước, nhưng phong trào bị khựng lại sau khi lực lượng an ninh bắt đầu trấn áp các cuộc biểu tình, bắt giam các thủ lĩnh biểu tình, ngoài ra còn bị ảnh hưởng sau khi xảy ra những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Người biểu tình đã phá bỏ những điều cấm kỵ truyền thống khi họ chỉ trích nhà vua, có nguy cơ bị truy tố theo luật khi quân hà khắc mà theo đó nếu người nào xúc phạm hoặc phỉ báng nhà vua, nữ hoàng, người thừa kế ngai vàng và người nhiếp chính, có thể bị trừng phạt tới 15 năm tù. Hầu hết các thủ lĩnh biểu tình đều đã được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Hồi tháng 3, vài chục người đã bị thương khi cảnh sát phun vòi rồng, bắn đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán một cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình hôm 24/6 - cũng có cả những người từng ủng hộ ông Prayuth - đánh dấu ngày mà Thái Lan tuyên bố chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối vào ngày 24/6/1932.
"Trong 89 năm kể từ khi chấm dứt nền quân chủ tuyệt đối, chúng ta chưa đi đến đâu cả", thủ lĩnh biểu tình Jatupat phát biểu.
Khoảng 2.500 cảnh sát viên đã được triển khai để duy trì trật tự, Phó Cảnh sát trưởng Bangkok Piya Tavichai cho biết.
"Tập họp vào thời điểm này thật không phù hợp vì nó có thể dẫn đến tình trạng virus lây lan thêm”, quan chức cảnh sát này nói.