Cũng như mọi năm, chị Huỳnh Lê Mai Khanh sắp sửa đón một cái tết giản dị cùng gia đình. Trên hòn đảo heo hút nơi chị sinh sống ở bang Alaska của Mỹ, gần như không có gì có thể gợi nhớ tới không khí Tết rộn ràng mà chị từng biết, chỉ có cái lạnh cắt da của mùa đông ở miền cực bắc xa thẳm của nước Mỹ.
Tết nguyên đán là một khái niệm xa lạ đối với tuyệt đại đa số cư dân tại đây, mà trong đó chị là một trong những người gốc Á vô cùng ít ỏi. Từ nhiều năm nay, những ngày Tết đã trở thành những ngày bình thường như bao ngày khác kể từ sau khi chị theo chồng rời Việt Nam đến đây định cư vào năm 2008. Nhưng chị vẫn nhắc mình nhớ về dịp đặc biệt này theo cách của riêng mình.
“Chỗ em có một mình em, chồng em thì là người Mỹ, với có một bé Việt Nam mới qua cũng lấy chồng Mỹ bên đây, chỉ có hai người Việt Nam chính cống thôi,” chị nói từ Petersburg, một thị trấn chỉ có hơn 3.000 người nằm ở rìa phía nam của Alaska. “Nên nói chung là tụi em cũng chỉ ở nhà thôi. Cũng cúng kiến trong nhà rồi cũng mua áo dài, trang trí nhà cửa, mặc áo dài cho mấy đứa nhỏ để chụp hình, cũng làm thịt kho tàu đón giao thừa.”
Và chị cũng không quên phong tục lì xì đầu năm cho các con của chị. “Chắc năm nay cũng sẽ lì xì cho bé con nhà Việt Nam bên kia,” chị nói thêm.
Tết nguyên đán là một trong những dịp lễ không chính thức lớn nhất của người gốc Á ở Mỹ. Các hoạt động đón mừng năm mới âm lịch diễn ra đặc biệt tưng bừng trong các cộng đồng có đông sắc dân người Hoa, người Hàn Quốc, người Nhật Bản và người Việt Nam.
Một cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2012 cho thấy tới 93% người Mỹ gốc Việt đón mừng dịp lễ này, cao nhất trong bốn nhóm sắc dân vừa kể.
Ở những nơi người Việt tập trung đông đảo như bang California, không khó để nhận thấy không khí Tết nhộn nhịp như ở Việt Nam, với những trung tâm thương mại tấp nập người mua sắm, những trang trí đầy màu sắc, và những sự kiện cộng đồng như xe hoa diễn hành trên đường phố.
Trong hai năm gần đây, các hoạt động đón Tết có phần kém tưng bừng hơn do những quy định hạn chế tụ tập vì đại dịch virus corona. Dù vậy nhiều người Việt vẫn tìm cách duy trì những hoạt động này với quy mô nhỏ hơn.
Đối với những người Việt sống ở những nơi xa xôi và hẻo lánh của nước Mỹ, các hoạt động đón mừng nơi công cộng gần như không có do số người ít ỏi và do nguồn nguyên vật liệu hạn chế. Thay vào đó, họ đón mừng trong khuôn khổ gia đình với các thành viên chung tay trang hoàng nhà cửa và nấu những món đặc trưng của ngày Tết.
Your browser doesn’t support HTML5
Gần 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đón Tết cùng với gia đình trong một cộng đồng thưa dân ven biển thuộc bang Maine ở vùng cực đông của Mỹ. Vì không có chợ Việt Nam ở nơi sinh sống nên tất cả thực phẩm bà đều phải mua ở thành phố Portland cách đó một tiếng rưỡi lái xe. Bà cho biết mọi thứ đều đã mua xong để nấu những món mà hàng năm vẫn nấu.
“Ba tôi chỉ nấu bánh tét với thịt kho hột vịt và giò kho măng vậy thôi, tại vì mấy anh rể đi làm hãng nên nấu nhẹ thôi chứ không nấu đồ mặn nhiều,” bà nói từ Boothbay Harbor. “Ba thì đạo Chúa, mẹ thì đạo Phật nên cũng có cúng chút chút.”
Cũng như mọi năm, một truyền thống vẫn được gia đình bà duy trì trong năm nay là lì xì, bà cho biết.
Tại thành phố Wichita thuộc bang Kansas ở miền Trung của Mỹ, nơi cộng đồng người Việt xấp xỉ khoảng 10.000 người, các sự kiện mừng Tết dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tuần đầu tiên của tháng 2 với các hoạt động như múa lân và văn nghệ. Nhiều hoạt động nằm dưới sự bảo trợ của các cơ sở tôn giáo của người Việt tại địa phương.
Bà Nguyễn Kim Khánh, một thành viên ban tổ chức sinh hoạt Tết của Giáo xứ Thánh Anthony, cho biết một hội chợ Tết diễn ra vào tuần trước “rất thành công” với số lượng người tham dự đông gần bằng số người hai năm trước đại dịch. Những hoạt động mừng Tết khác nữa sẽ diễn ra vào Chủ nhật tuần sau với các chương trình văn nghệ, xổ số và liên hoan sau thánh lễ.
Bà cho biết Tết luôn là một dịp để mọi người trong gia đình lớn của bà tề tựu sum họp.
“Tôi là chị lớn trong gia đình, với lại là người đầu tiên trong dòng họ đến nước Mỹ rồi sau đó bảo lãnh em út rồi các cháu, nên thành ra mọi người sẽ tập trung ở nhà tôi,” bà nói. “Nhà tôi thì có bàn thờ cha mẹ của tôi. Các em tập trung về rồi lì xì chúc Tết nhau. Rồi cũng có đốt pháo điện.”
“Đối với tôi Tết rất là quan trọng tại vì mình nhớ, đó là kỉ niệm của mình. Nhưng mà các cháu nhỏ bên đây thì mình chỉ còn nhắc nhở tụi nó thôi, chứ tụi nó không có nhớ và không có biết đến điều đó.”
Ở quần đảo Hawaii xa xôi ngoài Thái Bình Dương, bà Kim Lệ Richardson cho biết không khí Tết hai năm nay kém tưng bừng hơn những năm trước vì chợ Tết không được tổ chức do những quy định về COVID-19. Tuy nhiên nhiều cư dân người Việt ở đây vẫn đến chùa và nhà thờ để tham dự những sinh hoạt Tết nhỏ nhưng đầm ấm.
Là chủ một cửa hàng bán sỉ các mặt hàng gia dụng, bà Kim Lệ cho biết năm nay bà vẫn sẽ trang trí những cành mai, cành đào cắm trong bình để đem lên chùa cúng và để cho khách đến chùa nhìn ngắm.
“Ước muốn thì chỉ muốn hết dịch cho dân chúng đỡ khổ, đỡ bệnh hoạn, thấy nước Việt Nam của mình vẫn còn ảnh hưởng nhiều quá,” bà chia sẻ từ thành phố Honolulu. “Mình cũng chỉ ước làm sao cho hết cái dịch này để đi tới đi lui thăm viếng gia đình. Chỉ có ước nguyện như vậy chứ bây giờ làm ăn thì mình cũng có phước lắm rồi, hơn biết bao nhiêu người.”