Cộng đồng người Việt quanh vùng thủ đô Washington đang vận động chống lại một kế hoạch phát triển kinh tế giữa chính quyền bang Virginia với sáu tỉnh thành của Việt Nam, và nỗ lực này có thể gia tăng cường độ vào lúc các chính trị gia Virginia bước vào chặng cuối của mùa bầu cử trong những tháng tới.
Thống đốc Virginia, Terry McAuliffe, hôm 11 tháng 7 loan báo đã ký Bản Ghi nhớ với các nhà lãnh đạo của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Trị và Thái Nguyên về việc thành lập một nhóm công tác chung nhằm “mở rộng thương mại và hợp tác đầu tư, củng cố trao đổi liên lạc, tăng cường niềm tin, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm.”
"Virginia có mối quan hệ thương mại tuyệt vời với Việt Nam, và với số lượng dân nhập cư người Việt đông đảo sinh sống trong Khối thịnh vượng chung Virginia, đây là một bước quan trọng hướng tới việc phát triển quan hệ đối tác,” ông McAuliffe nói trong một bữa trưa giao lưu với doanh nghiệp do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức hồi tháng 7.
“Khi chúng ta tiếp tục những nỗ lực này, tôi trông đợi thiết lập những cơ hội phát triển kinh tế mới tạo nên đầu tư mới và công ăn việc làm, bắc những cây cầu giữa Virginia và Việt Nam," Thống đốc bang Virginia nói.
Nhưng phát biểu của ông McAuliffe nhắc tới người nhập cư gốc Việt khiến nhiều người Việt ở vùng thủ đô Washington, Virginia và Maryland bất bình vì nó ngụ ý rằng thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng ở đây, điều mà Chủ tịch Cộng đồng Đinh Hùng Cường phủ nhận.
“Ông ấy không hề tham khảo một khối người Việt đông đảo ở đây tới năm sáu chục ngàn người,” ông Cường nói với VOA. “Tôi không nghĩ là ai ở đây lại đồng ý để mà thương thảo với một đất nước hiện giờ không có tự do, không có dân chủ, không bảo vệ quyền lợi của người làm ăn ở bên đó. Nhưng mà nếu những người ở bên đó mà sang đây làm ăn thì nước Mỹ và chính quyền Virginia họ bảo vệ đầy đủ.”
Ông Cường dẫn ra trường hợp của doanh nhân người Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình, người hai lần đệ đơn kiện chính phủ Việt Nam chiếm đoạt tài sản khi ông về nước đầu tư và làm ăn trong những năm 1990. Vụ kiện của ông Bình, với số tiền đòi bồi thường lên tới hơn 1 tỉ đôla, được đưa ra phân xử tại Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris hôm 21 tháng 8 và đang chờ phán quyết chung cuộc.
Trong một bức thư gửi cho Thống đốc McAuliffe vào cuối tháng 7, ông Cường nêu ra những “quan ngại sâu xa” về mặt pháp lý đối với cư dân Virginia trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và yêu cầu đình chỉ Bản ghi nhớ này cho đến khi những quan ngại đó được giải quyết. Đến giờ ông vẫn chưa nhận được hồi âm từ Văn phòng Thống đốc, ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ủy ban cứu Người vượt biển BPSOS chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam, cho biết tổ chức của ông đã gửi một thông cáo tới Văn phòng Thống đốc kêu gọi ngưng triển khai Bản ghi nhớ này, “để có thời gian tìm hiểu về các chính sách của chính quyền Việt Nam mà có ảnh hưởng trực tiếp tới cư dân của Virginia, mà đặc biệt là chính sách tịch thu nhà và đất của người dân Việt Nam mà bây giờ đã là công dân Mỹ.”
Ông Thắng nói:
“Một trường hợp rất điển hình là những người trước đây sống ở giáo sứ Cồn Dầu và sau này họ đã sang Mỹ và có quốc tịch Mỹ nhưng họ vẫn còn sở hữu tài sản, bất động sản ở Cồn Dầu. Năm 2010 chính quyền Đà Nẵng đã cướp trắng của họ mà không bồi thường gì hết, chưa kể đánh đập, tra tấn, bắt bớ thân nhân của họ nữa khi mà những người này bảo vệ cho đất đai của giáo xứ Cồn Dầu.
“Chúng tôi nêu ra những điều ấy để cho Văn phòng Thống đốc hiểu rằng có những quyền lợi của cư dân Virginia đã bị ảnh hưởng và Thống đốc nên tận dụng cơ hội để khi tiếp xúc với giới chức chính quyền Việt Nam thì hãy nêu lên vấn đề ấy và yêu cầu bồi thường trước khi nói đến vấn đề giao dịch, mậu dịch, Mỹ đầu tư thêm vào Việt Nam mà không có sự bảo vệ gì hết.”
Tiến sĩ Thắng cho VOA xem một email mà Bộ trưởng Mậu dịch và Thương Mại Virginia, Todd Haymore, gửi cho ông hồi đáp về yêu cầu gặp gỡ những người hữu trách tại văn phòng của ông Haymore nhằm thảo luận những cách thức mà Thống đốc có thể đạt được một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam để trả lại những tài sản của cư dân Virginia “bị tịch thu bất hợp pháp.”
Ông Haymore nói trong email đề ngày 11 tháng 8 rằng sau khi thảo luận với cố vấn pháp lý của Văn phòng Thống đốc, ông cảm thấy chính quyền Virginia khó lòng giải quyết được những yêu cầu này bởi vì điều này thuộc độc quyền của chính phủ liên bang Hoa Kỳ tiến hành chính sách đối ngoại, và chính quyền tiểu bang chỉ có thể theo đuổi những cơ hội phát triển kinh tế mà thôi.
Ông Haymore cũng tái khẳng định Bản ghi nhớ sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho đầu tư nước ngoài và cơ hội mậu dịch giữa Việt Nam và Virginia trong khi ca ngợi cộng đồng Việt Nam ở Virginia là “năng động.”
Văn phòng Thống đốc Virginia không hồi đáp ngay tức thì những câu hỏi của VOA về sự phản đối của cộng đồng người Việt đối với Bản nghi nhớ này.
Cho rằng phản hồi của chính quyền Virginia là thiếu thỏa đáng, Chủ tịch Cộng đồng Đinh Hùng Cường và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói họ đã quay sang vận động sự ủng hộ của các chính trị gia dân cử địa phương để lên tiếng cho những lo ngại của họ. Họ tin rằng vấn đề này sẽ được chú ý đặc biệt vào lúc mùa vận động tranh cử ở Virginia đang bước vào chặng cuối.
“Một người đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc mạnh nhất là ông [Ed] Gillespie,” ông Cường nói, nhắc tới ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang tranh ghế Thống đốc trong cuộc bầu cử toàn bang vào tháng 11 này. “Ông ấy có viết cho tôi một cái thư nói rằng khi ông ấy đắc cử ông ấy sẽ là Thống đốc của cả tiểu bang Virginia. Và ông ấy coi [vấn đề] này là quan trọng mà ông ấy có thể gặp và giúp đỡ.”
“Những lời hứa hẹn đó làm chúng tôi rất phấn khởi,” ông Cường nói thêm.
Ông Thắng cho biết dân biểu viện lập pháp bang, Bob Marshall, đã chính thức yêu cầu Văn phòng Thống đốc công khai những giấy tờ, hồ sơ và danh sách của những người đã họp trước đây giữa Văn phòng với phía Việt Nam, và đã được hồi đáp là Văn phòng sẽ cung cấp những tài liệu đó.
Hai nhà lãnh đạo cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh họ không phản đối mở rộng thương mại để mang tới sự thịnh vượng cho cư dân Virginia, nhưng điều này phải được thực hiện với cam kết rõ ràng từ chính phủ Việt Nam về thương mại công bằng và tự do cũng như tôn trọng nhân quyền và pháp trị.
Năm 2016, Việt Nam là một trong 15 điểm đến hàng đầu cho nông sản và lâm sản xuất khẩu của bang Virginia với kim ngạch gần 65,5 triệu đôla, theo thông cáo của Văn phòng Thống đốc.
Thống kê của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010 xếp Virginia ở vị trí thứ năm trong số những bang có người gốc Việt tập trung đông nhất với gần 54.000 người.
Thống đốc Dân chủ Terry McAuliffe, một trong những người thân tín nhất của cựu ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, sẽ mãn nhiệm vào tháng 1 năm 2018. Thông tấn xã Việt Nam, trong một bản tin về sự kiện ký bản ghi nhớ này, cho hay ông sẽ sang thăm Việt Nam vào “mùa thu tới.”