Người dân Việt Nam xuống đường biểu tình vụ cá chết

Người biểu tình xuống đường tại Hà Nội với biểu ngữ phản đối công ty Đài Loan Formosa Plastic thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, ngày 1/5/2016.

Cả ngàn người đã xuống đường ở Hà Nội ngày hôm nay để phản đối điều mà họ cho là công ty thép của Tập Đoàn Formosa Plastics của Đài Loan tại Hà Tĩnh thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng tư.

Những người biểu tình cũng xuống đường ở Sài Gòn và một vài thành phố khác, mang theo những biểu ngữ như “Tôi yêu môi trường biển”, Toàn dân Việt Nam cứu biển”, “Dân Việt Nam rồi sẽ chết nếu không đứng lên đòi quyền sống” …

Hầu hết những cuộc biểu tình diễn một cách ôn hoà giữa lúc giới hữu trách huy động những lực lượng công an, cảnh sát rất đông đảo để ngăn ngừa rối loạn.

Hình ảnh phổ biến trên mạng xã hội cho thấy một vài vụ xô xát đã xảy ra, trong đó có một phụ nữ mang thai bị hành hung ở Sài Gòn.

Tờ Wall Street Journal trích lời ông Nguyễn Quang A, một nhà tranh đấu nổi tiếng ở Việt Nam, nói rằng những người biểu tình muốn chính quyền có thái độ thận trọng khi phê chuẩn những dự án công nghiệp nặng vì họ e rằng “Việt Nam có thể dễ dàng trở thành một nơi xả rác của các công ty nước ngoài.”

Theo ghi nhận của hãng thông tấn Reuters, truyền thông do nhà nước kiểm soát chưa loan tin gì về những cuộc biểu tình ngày hôm nay.

Cộng đồng người Việt sinh sống lao động, học tập tại Đài Loan ngày hôm nay cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Dinh Tổng thống ở thủ đô Đài Bắc để phản đối công ty Formosa Plastics.

Trong khi đó, báo chí Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã đến Hà Tĩnh và họp với các giới chức cao cấp để bàn về việc tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết và giúp đỡ và thu mua hải sản cho người dân.

Xem hình ảnh các cuộc biểu tình:

Dân Việt Nam xuống đường biểu tình vụ cá chết hàng loạt


Chính phủ Việt Nam bị chỉ trích ứng phó chậm vụ 'cá chết hàng loạt':

Your browser doesn’t support HTML5

VN bị chỉ trích ứng phó chậm trong thảm họa môi trường ở miền Trung