Bộ trưởng Quốc phòng Israel hôm 11/5 kêu gọi Tổng Thống Syria Bashar al-Assad hãy “loại trừ” các lực lượng Iran ra khỏi Syria, và cảnh cáo sự hiện diện của lực lượng này chỉ mang lại rắc rối cho Syria mà thôi.
Trong phản ứng chính thức đầu tiên sau các cuộc tấn công do Israel thực hiện nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria, Iran nói Damascus có quyền chính đáng để trả đũa những hành động mà theo Iran, là những vụ “vi phạm chủ quyền của Syria”, rồi biện minh cho hành động của mình dựa trên “những lý do bịa đặt và vô căn cứ”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, ông Braham Ghasemi, còn nói rằng sự im lặng của quốc tế trước những hành động hung hăng đó, không khác nào là “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Một giáo sĩ cực đoan người Iran đe dọa nước ông sẽ trả đũa nếu Israel “làm điều gì điên rồ”.
Israel tấn công hàng chục mục tiêu nghi là của Iran tại Syria trong các cuộc đột kích qua đêm mà Tel Aviv nói là để đáp lại một loạt cuộc tấn công bằng đạn rocket đến từ người Iran. Đây là vụ đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất từ trước tới giờ giữa hai kẻ thù cay đắng của nhau. Cuộc đối đầu quân sự xuyên biên giới tại đây đã nhường bước cho một cuộc đấu khẩu.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi hãy “ngưng ngay mọi hành động thù nghịch” để “tránh đổ dầu thêm vào ngọn lửa” ở Trung Đông.
Bị chia rẽ trầm trọng trong nội bộ về vấn đề Syria, Hội đồng Bảo an LHQ khó có thể ra một tuyên bố chung, và cho tới sáng ngày 11/5, chưa có thành viên nào trong Hội đồng kêu gọi tổ chức một buổi họp để bàn về tình hình Syria.
Iran có nhiều cố vấn và chuyên gia, và trong thời gian qua đã hậu thuẫn hàng chục ngàn dân quân đang sát cánh chiến đấu với các lực lượng của ông Assad trong cuộc nội chiến tại Syria. Israel cảnh cáo họ sẽ không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Iran, một nước thù nghịch, ngay tại sân nhà của họ.
Từ lâu, Iran và Israel đã đối đầu nhau thông qua các bên thứ ba.
Quy mô các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria, mà Israel cho là các cuộc tấn công lớn nhất tính từ chiến tranh Trung Đông năm 1973, có thể là một dấu hiệu báo trước nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ toàn diện giữa hai nước trên lãnh thổ Syria, một cuộc xung đột có nguy cơ lôi kéo nhóm chủ chiến nhóm chủ chiến Hezbollah và Lebanon, với hậu quả khó lường.
Căng thẳng leo thang ở Syria giữa lúc Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi hiệp định hạt nhân ký với Iran vào năm 2015, để áp đặt các biện pháp chế tài mới hầu tăng áp lực đối với chính quyền Iran.
Tại Teheran, Giáo sĩ Ayatollah Ahmad Khatami khuyến cáo rằng áp lực từ các nước Phương Tây có thể phản tác dụng. Ông Khatami đe dọa Israel có thể phải trả giá đắt cho các hành động của mình.