04-HD/UBKTTW: Biệt lệ dành cho Nguyễn Bá Thanh

Ông Nguyễn Bá Thanh.

Dường như tình tiết “vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật” những đảng viên có “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” cho dù đảng viên ấy “đã qua đời”, được nêu trong văn bản mang số 04-HD/UBKTTW, do Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) ban hành hồi đầu tháng này, nhằm dọn đường cho việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Bá Thanh – cựu Ủy viên, cựu Trưởng Ban Nội chính, cựu Phó Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng của BCH TƯ Đảng CSVN, trước nữa từng là cựu Bí thư, cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.

Tiếng là hướng dẫn thực hiện Quy định mang số 102-QĐ/TW do BCH TƯ Đảng CSVN ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, với mục tiêu là xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên của Đảng CSVN nhưng văn bản số 04-HD/UBKTTW gây ấn tượng mạnh hơn, khiến công chúng chú ý nhiều hơn nhờ tình tiết, sẽ không tha những đảng viên đã chết trong trường hợp đảng viên ấy có “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” lúc còn sống.

Hai tuần sau khi văn bản số 04-HD/UBKTTW ra đời, ngoài ông Phan Hữu Tuấn – Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo của Bộ Công an tra tay vào còng, còn có hai cựu Chủ tịch, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc của Sở Tài nguyên Môi Trường, cựu Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư,… của thành phố Đà Nẵng bị bắt vì được xác định là tòng phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) trong hàng loạt vụ án: “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai”, “Cố ý làm trái, vi phạm quy định trong cho vay”.

Từ khi “Vũ Nhôm” – chủ một cơ sở chuyên gia công nhôm, kính – đột nhiên “đứng dậy sáng lòa”, trở thành “đại gia” khuynh đảo thị trường bất động sản, rồi hệ thống ngân hàng, hệ thống công quyền, hệ thống bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, người ta đã rỉ tai nhau về Nguyễn Bá Thanh như một ông trùm đứng phía sau “Vũ Nhôm”. Tuy nhiên “tiếng dữ” hết sức yếu ớt vì uy lực của ông trùm quá lớn, thậm chí, ông trùm còn là “thần tượng” được nhiều người ngưỡng mộ bởi họ tin rằng, chỉ ông trùm mới có thể “chống tham nhũng, lãng phí, lạm quyền” ở Việt Nam.

Cuối năm ngoái, sau khi “Vũ Nhôm” đào tẩu rồi bị Singapore giao trả cho Việt Nam, “tiếng dữ” của Nguyễn Bá Thanh bắt đầu gia tăng cường độ nhưng vẫn được xếp vào loại… phi chính thức. Phải đến giữa tuần này, sau khi các lệnh khởi tố những: Minh (Trần Văn Minh – cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011), Chiến (Văn Hữu Chiến - cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2011 đến 2014), Điểu (Nguyễn Điểu – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng), Toàn (Trần Văn Toàn - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng), Dương (Lê Cảnh Dương – cựu Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng),… được công bố, “tiếng dữ” mới trở thành chính thức”: Sở dĩ các viên chức mới bị khởi tố không tổ chức đấu giá, đem hết công sản này tới công sản khác bán cho “Vũ Nhôm” với giá rẻ như bèo, tạo điều kiện để “Vũ Nhôm” thụ hưởng những khoản chênh lệch từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng là vì phải thực hiện “chỉ đạo” của anh Nguyễn Bá Thanh – cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ 2003 đến 2013.

Tuy anh Thanh đã khuất nhưng những “bút phê” của anh thì vẫn còn nguyên. Sắp tới, tên anh Thanh chắc chắn sẽ được lặp đi, lặp lại trong nhiều Kết luận điều tra, Cáo trạng, phiên tòa và… bản án!

***

Giống như anh Thăng (Đinh La Thăng – cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy TP, HCM, cựu Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), anh Thanh được rất nhiều người ngưỡng mộ.

Giống như anh Thăng, anh Thanh cũng có đủ thứ điều tiếng.

Năm 2000, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng phát giác Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng rút ruột hai công trình: Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng. Ông Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng bị khởi tố, bị truy tố, bị đưa ra tòa hai lần và bị phạt tổng cộng 16 năm 4 tháng tù. Đáng chú ý là cả Công an lẫn Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cùng nhận định, có dấu hiệu ông Nguyễn Bá Thanh – lúc đó là Chủ tịch thành phố nhận hối lộ 4,4 tỉ đồng để phê duyệt, thanh toán vốn cho Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng. Cả hai cơ quan này cùng cho rằng, nếu chỉ xử lý ông Thông, không điều tra - xử lý Nguyễn Bá Thanh thì nhân dân không đồng tình, vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng...

Giống như anh Thăng, anh Thanh vẫn vô sự, còn lãnh đạo Viện Kiểm sát và lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng – những người đề nghị điều tra, xử lý anh Thanh đều ngậm ngùi đi chỗ khác chơi.

Tướng Trần Văn Thanh – cựu Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng dù phải chuyển công tác ra Hà Nội làm Chánh Thanh tra Bộ Công an vẫn không bỏ cuộc vì anh Thanh tiếp tục có thêm nhiều vi phạm khác liên quan tới nhà, đất. Đó là lý do năm 2009, tướng Thanh và một số thân hữu tham gia tố cáo anh Thanh phải hầu tòa với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Vụ án liên quan đến tướng Thanh có rất nhiều tình tiết ly kỳ, giờ vẫn có thể tìm đọc lại trên Internet. Chưa kể vụ án này còn lập một kỷ lục đáng nể trong lịch sử tư pháp thế giới: Dẫu có tới hai bệnh viện của ngành công an xác nhận, tướng Trần Văn Thanh bị đột quỵ, não bị xuất huyết, tính mạng trong tình trạng nguy kịch nhưng Tòa vẫn ra lệnh đưa tướng Thanh đến Nhà hát Trưng Vương của Đà Nẵng cho Tòa xử. Ai cũng… kinh khi chứng kiến một kẻ đang hôn mê, sự sống được duy trì nhờ máy trợ thở và đủ thứ ống truyền dịch vẫn bị khiêng lên xe cứu thương để trình diện… công lý chỉ vì dám xúc phạm và đối đầu với anh Thanh.

Trong bối cảnh viên chức các cấp trong hệ thống công quyền hành xử càn rỡ, vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng tràn lan nhưng ngay cả Tổng Bí thư – người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam – cũng không giấu diếm nỗi lo “vỡ bình” thì những người như anh Thăng, anh Thanh đương nhiên được xem là “người hùng” vì “dám” đưa ra những tuyên bố kiểu như: “Phải chủ động chống tham nhũng, đừng nghĩ đó là việc của hàng xóm! Sẽ không có chỗ cho cán bộ cậy quyền lực, giỏi nói suông!...” (Đinh La Thăng). “Cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy. Đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng”… (Nguyễn Bá Thanh).

Chuyện anh Thăng hôm nay “trảm” tướng này, ngày mai “trảm” tướng khác, “đu” dây thừng xuống vực chỉ đạo tìm kiếm, cứu những người lâm nạn trong một vụ xe đò bị lật ở Lào Cai, cùng dân vớt lục bình, vớt rác, nghe nông dân than khổ, lập tức rút điện thoại gọi cho Tổng Giám đốc Vinamilk ra lệnh phải mua sữa của nông dân,… chuyện anh Thanh mạnh miệng nhận định: “Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế”, rồi thề: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”… làm thiên hạ rạo rực với hy vọng các anh sẽ giúp Đảng thành công trong chuyện “chỉnh đốn”.

Anh Thăng, anh Thanh khởi xướng, tạo ra nhiều công trình mà ai cũng có thể sờ mó để “hởi lòng, hởi dạ”. Dưới thời anh Thăng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Việt Nam có thêm nhiều đại dự án, kể cả đại dự án ở… Venezuela, dưới thời anh Thăng làm Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, Việt Nam có hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn, giấc mơ về đường cao tốc trở thành hiện thực. Dưới thời anh Thanh làm Chủ tịch rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố này rõ ràng là khang trang, hiện đại hơn. Với nhiều người, chừng đó đủ để cảm kích, ngưỡng mộ rồi.

Tiếc là giá phải trả cho sự cảm kích, ngưỡng mộ ấy quá cao. Các đại dự án của PVN trở thành đại thảm họa, kể cả đại dự án ở Venezuela. Hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn đã gieo xuống cho toàn dân gặt lấy vô số trạm thu phí BOT. Công thự, công thổ, kể cả những khu vực vốn liên quan mật thiết đến môi trường, sinh thái ở Đà Nẵng đã được bán gần như sạch sẽ. Cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, về một thành phố khang trang, hiện đại nhưng không có tương lai vì lệch lạc về định hướng phát triển.

Báo chí chính thức đã thôi bám sát gót anh Thăng, thôi “thổi” những tuyên bố của anh Thăng thành “lời vàng, ý ngọc” và có lẽ cũng sắp thôi tiếc thương anh Thanh, người được xem là “tài hoa nhưng bạc mệnh”, vừa nằm xuống là gia đình, thân nhân lập tức tự xuất tiền, xây dựng ngay một Khu lưu niệm với diện tích cả ngàn mét vuông có tính chất như “đền thờ” ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ngoài mộ, nhà trưng bày hình ảnh và những hiện vật mà anh Thanh sử dụng lúc sinh thời, còn có nhà bia khắc những “câu nói để đời” của anh

***

Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN không xem xét trách nhiệm của anh Thăng khi anh làm PVN tan nát? Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN không xem xét trách nhiệm của anh Thăng không xem xét trách nhiệm của anh Thanh ở thập niên 2000 khi các sai phạm của Thanh vốn đã rất rõ ràng?

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ của Đảng CSVN không trả lời.

Đầu năm nay, khi giới thiệu những “điểm mới” trong việc xử lý kỷ luật đảng viên, một viên chức cao cấp của Đảng CSVN từng bảo rằng, Qui định 102-QĐ/TW được soạn thảo và ban hành nhằm “bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội”. Chuyện anh Thăng, anh Thanh không những vô sự mà còn thăng tiến sau khi có nhiều “sai phạm nghiêm trọng”, rồi vụt sáng, trở thành “thần tượng” của nhiều người có thể cũng là để “bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội”. Giờ, anh Thăng xộ khám, anh Thanh khó mà thoát khỏi kỷ luật Đảng cũng để “bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội” thôi.

Trước, “nghiêm” vẫn nhìn “minh” cười khẩy, giờ cũng thế thôi!