Nguyễn Đăng Thường và những bài thơ / nhạc chế

Nguyễn Ðăng Thường sinh tại Battambang, Cambodge (Campuchia). Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn khóa thứ nhất (1961) ban Pháp văn. Ông rời Việt Nam sang Campuchia (1973) rồi sang Pháp (1974), hiện sống ở Anh Quốc. Ông là người đa tài, ngòi bút (nay là bàn phím) của ông tung hoành trên nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhận định văn học, dịch thuật, hội họa… Ông nói về cái sự viết của mình: “Thích viết nhưng viết khó và lười và nên không có ước vọng trở thành nhà văn nhà thơ.” Có lần ông gọi những bài thơ của mình một cách hí lộng là những “tử thi” hay “thi hài”; có lẽ ý của ông là không cố tạo ra những “tác phẩm bất tử”, ông ý thức được đời sống ngắn hạn và sự giới hạn về mức độ phổ biến của tác phẩm, nên với ông thì cái gọi là “thơ” chỉ là một trò chơi khinh khoái trong phút chốc thôi chăng?

Viết về Nguyễn Ðăng Thường là việc khó khăn, trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một mảng nhỏ: thơ / nhạc chế của ông.

Chữ “nhạc chế” là do chúng tôi mạo muội gán đặt thêm; chúng tôi không dám chắc nó xác đáng và đúng với ý của tác giả, vì Nguyễn Đăng Thường đã viết lại lời của nhiều ca khúc và ông cho đăng những sáng tác này vào mục “thơ” của diễn đàn Tiền Vệ, mong rằng ông bỏ lỗi cho.

Nhạc chế là một hiện tượng khá phổ biến trong dân gian VN từ rất lâu rồi, ngày xưa người ta thường gọi là “nhạc sửa lời”. Chúng tôi còn nhớ trước năm 75 có những lời ca được sửa lại như: “Ai đang đi trên Cầu Bông rớt xuống sông ướt cái quần ni-lông…”, hay “Đưa em về dưới mưa, ép em vô gốc dừa…”, chẳng hạn. Đó là những ca khúc, thường là tình ca, được viết lại lời, thường mang tính giễu nhại (parody), đùa cợt chỉ để mang lại tiếng cười mà thôi.

Sau 75, một số nhạc đỏ được những người vô danh sửa lại lời nhưng khác với trước đó ở chỗ chúng được mang thông điệp giễu nhại xã hội, thậm chí chính trị. Ví dụ lời bài quốc ca “Tiến quân ca” thành “Đoàn quân Viêt Nam đi, sao mà ốm đói, bước chân phù lang thang trên đường còn xa…”, hay bài “Tình đất đỏ miền Đông” thành “Cây cuốc cong là cây cuốc gãy, cây cuốc gãy thì khỏi đi mần/ Tổ quốc ta từ khi thống nhất, năm mươi triệu con người chỉ nghĩ tới chuyện ăn…”, hay bài “Nối vòng tay lớn” thành “Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy…”.

Những sáng tác thuộc thể loại này của Nguyễn Đăng Thường thường theo sát với thời cuộc, thỉnh thoảng một người bạn của chúng tôi ôm guita nghêu ngao hát trong những bàn rượu ở Sài Gòn, nghe rất thấm. Vì sao thấm? Vì trong cái cười, cái hài hước, có nỗi trăn trở và đau đớn trước thời cuộc, rất thật. Quỡn, các bạn thử hát theo những bài dưới đây một lần xem.

Chúng tôi mời quý vị thưởng thức bài Torna A Surriento (“Come Back To Sorrento”) của Ernesto di Curtis, với lời ca mới, và những bài quen thuộc khác.

***

Trở về cái chuồng xưa?

Về quê khi tóc hết còn đen đen?

Về quê lúc đời vắng người thân quen?

Về quê có pháo hoa có lồng đèn?

Ôi lãng du quay về không hèn?


Về quê nghe gái gú gọi vô hang?

Về quê nếm lạc thú và truy hoan?

Về quê có máu tươi có thịt người?

Ôi lãng du quay về vui cười?


A cái nhà à con ma

Và a tiếng ta trong chiều tà

Về cười ha há

Há ha hí hì hu?

Về quê ăn bánh vú và xôi mông?

Về quê uống trà ấp và bia ôm?

Về quê có mắm tôm có thịt cầy?

Ôi lãng du quay về sum vầy?

Về quê coi đất nước mình văn minh?

Về quê ngó kiều nữ và ô-sin?

Về quê có gái trinh có nhạc tình?

Ôi lãng du quay về linh đình?

Ô cái mồ ồ con khô

Và ô cái ô bên bờ hồ

Về cười hô hố

Hố hô hố hồ hô?

Về quê lên phố núi đường xe tăng?

Về quê xuống lục tỉnh cầu dây văng?

Về quê có chó săn có cò mồi?

Ôi lãng du quay về cho rồi?


Về quê yêu Đảng, Bác, và Quê Hương?

Về quê chối từ những ngày tha phương?

Về quê sống bất công chẳng bận lòng?

Ôi lãng du quay về thuê phòng?

Không thấy nghèo ngoài hiên mưa

Và đâu bé thơ vui cùng mùa

Một mùa xuân sáng

Mắt êm nắng vàng xưa?

***

Ngày thường trên quê hương


Một người nghèo trông dưa leo

Một người treo trông thần chết

Một thằng chệt trông nham nhở

Một thằng khờ mơ tô phở


Một người chờ bao nhiêu phen

Nhìn đảng đen thêm đểu cáng

Đàn trẻ nhỏ quen tai nạn

Người Việt nằm đếm tháng năm


Một người mù đi trên mây

Một người ngu tin lời bác

Một thằng khạc ra trăm bãi

Một thằng dài hơn biên ải

Một ngày dài mong tin ai

Rồi từng đêm sao vàng chói

Người Việt thầm trao câu hỏi

Người Việt nhìn nhau kêu gọi


Một ngày thường trên quê hương

Ngày Việt Nam đương chuyển hướng

Một ngục tù đông blogger

Một ngục tù nuôi da vàng


Một ngày nào không bao xa

Ngày Việt Nam ta toả sáng

Một ngục tù không lãnh tụ

Một ngục tù quên căm thù

(Từ ca khúc Ngày dài trên quê hương – Trịnh Công Sơn)


Diễm nay

Mưa bẩn mưa tuôn trên tầng tháp đổ

Dài chưn em cố nổ máy hông đa

Nghe máy xe hư không buồn rổ rổ

Đường về hun hút không xế thêm xa

Mưa bẩn mưa sa trên hàng quán nhỏ

Buổi chiều ngồi ngó những cái mông to

Trên bước chưn co trơ vài vết đỏ

Chợt hồn xanh mét như người ốm ho

Chiều nay còn say em không nên lại

Uống mãi trong cơn say dài

Mình ta tới khi trời khuya trở mai

Quán ơi cho thêm vài chai

Mưa vẫn mưa điên cho đường biển động

Làm sao em nhớ thuở mới cu si

Xin hãy đưa ta qua miền đất mộng

Để thành cu mĩ quên mình củ chi

Mưa vẫn mưa đen tiêu đời bảng hiệu

Làm sao em biết bia đá tan mau

Xin hãy cho ta thêm vài cốc riệu

Ngày sau sỏi đá cũng cần ném nhau

(Từ ca khúc Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn)

Biển mớ

Ngày mai công an

sẽ tới thăm em gọi về

gọi về tra khảo lê thê

nện đầu cho tới hôn mê


Ngày mai công an

ngồi đứng bên xe đợi chờ

mũi súng lăm le phòng hờ

nghe lòng nghẹn muôn câu thơ


Ngày mai công an

chở nhóm sinh viên về đồn

gọi thằng kia tới liệu hồn

mày nghe chớ có chơi khôn


Ngày mai công an

thành phố trấn chia từng phường

cả toán luân phiên chận đường

nghe đời biển động ngàn phương


Hôm kia ta về

bàn chân trên lối cũ

tìm em qua xóm mù

hờn lên đây hoang vu


Ngày mai công an

bỏ xác em trên ruộng đồng

chiều hoang súng nổ mênh mông

trời cao có thấu hay không


Ngày mai công an

còn đá dân đen dập vùi

hàng xóm trông nhau bùi ngùi

nghe ngoài trời mưa không vui


Ngày mai công an

chỉa súng vô tai họng kề

từng đêm canh gác bộn bề

từng đêm say máu đê mê


Ngày mai công an

từng toán xuống lên cặp kè

lũ chó nanh nhe gầm ghè

trông hình bác mập mà ghê

(Từ ca khúc Biển Nhớ - Trịnh Công Sơn)

Đêm khuya

Chiều chưa đi thì đêm chưa xuống

Ðâu đấy buông hãi hùng tiếng chuông

Cô gái quê bâng khuâng cởi truồng

Chùi chân dép rồi leo lên giưòng

Thời gian như ngừng trong đau đớn

Cây trút lá cuốn theo đời hoa

Ai giương mắt, mắt nhung chưa nhòa

Sương gió hay công an chờ ta

Ðêm khuya, ai ra quán bia ngồi nhìn giai nhân

Ðêm khuya, ai không ngẩn ngơ vì đôi mông tròn

Ðêm khuya, thi nhân lắng nghe tâm hồn ung thư

Ðêm khuya, ca nhi khóc rên đôi bài ca sến

Có đô thì vô

Có vô thì ôm

Có ôm thì bia

Có bia là trai

Có trai là say

Có say là sưa

Ðêm xưa, ai trông cố mông

Ðường tròn mênh mông

Ðêm nay, ai mơ giấc mơ tiên ngày, tiên đêm

Ðêm mai, ai lê bước chân chơi bời tha phương

Có ai thấu tình thôn nữ đêm khuya trên giường

(Từ ca khúc Đêm Đông - Nguyễn Văn Thương)

Hư âm

Đêm qua mơ thấy ông râu ria nằm thịt da ướp tươi

Bao nhiêu người ngắm riêng tôi đứng xa trên sân nắng trưa

Gió thoảng nhẹ đưa, bay qua đường phố

Thương dân tôi chắp thêm vần đầy vơi ánh mắt xa vời


Tôi yêu đất nước quê hương muôn đời dệt bao ước mơ

Tôi như đồi vắng dân như nắng xuân reo muôn ý thơ

Biết nói cùng ai, trăm ngàn mộng ước

Tim chưa băng giá không ngại ngùng bao năm tháng mong chờ


Hận ông từ muôn kiếp trước

Oán ông tới thuở bạc đầu

Tôi chẳng ưu phiền vì đường tơ vương vấn

Nên để cung đàn tiêu hao sầu đau


Hư âm tiếng khóc tan trong mưa chiều đẹp bao ước mơ

Đê mê còn nhớ đêm qua giấc mơ ai vung nắm tay

Tôi muốn cùng dân, nương theo làn sóng

Đưa nhau tới cõi thiên đường tự do không có cha già

(Từ ca khúc Dư Âm – Nguyễn Văn Tí)

Thận Nhiên, Dallas 08/2015

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.