Vụ án Hồ Duy Hải: Công lý XHCN đã có biểu tượng!

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 5/5/2020. Photo PLO

Trân Văn


Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao tại Việt Nam vừa công bố phán quyết phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản”...

12 năm trước – tháng 1 năm 2008, tại Bưu điện Cầu Voi, tọa lạc ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra án mạng: Hai nữ nhân viên của bưu điện này bị giết. Ba tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt với cáo buộc đã giết và cướp tài sản của hai nạn nhân. Cuối năm 2008, trong phiên xử sơ thẩm vụ án này, Tòa án tỉnh Long An tuyên bố dành cho Hải hình phạt tử hình. Thêm bốn tháng nữa, vào tháng 4 năm 2009, khi phúc thẩm vụ án, Tòa Tối cao bác kháng cáo của Hải, tuyên y án sơ thẩm…

Tuy nhiên hệ thống tư pháp Việt Nam không thể đóng hồ sơ vụ án này vì cả dư luận lẫn công luận đều không đồng tình bởi quá trình điều tra, truy tố có quá nhiều sai sót kỳ quái: Kết quả điều tra hiện trường thu được nhiều dấu tay nhưng không có dấu tay của Hải. Hiện trường có nhiều vết máu nhưng việc thu thập, phân tích những vết máu này cũng bị bỏ qua. Thời điểm mà cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xác định nạn nhân bị giết mâu thuẫn với kết quả giám định pháp y, nếu theo kết quả này thì rõ ràng Hải là ngoại phạm.

Đó là chưa kể song song với vô số mâu thuẫn của các tài liệu trong hồ sơ vụ án, việc sửa chữa nhiều tài liệu một cách tùy tiện để chứng minh Hải là hung thủ, còn có chuyện cơ quan điều tra không thu được hung khí (dao để cắt cổ, thớt để đập đầu các nạn nhân) nên đã cử người đi… mua các hung khí này về làm tang vật cho khớp với kết luận điều tra, cáo trạng. Người ta còn phát giác cơ quan điều tra đã bỏ đi nhiều tài liệu và làm ngơ không đào bới sâu hơn trong khi vụ án còn có nghi can khác…

Chẳng phải chỉ có công an, kiểm sát mắc những sai sót vừa phi lý, vừa phi pháp, không thể chấp nhận được khi điều tra, giám sát điều tra, truy tố, lúc xét xử, tòa án các cấp cũng tự biến hệ thống tài phán trở thành đáng ngờ khi bỏ qua tất cả những sai sót kỳ quái như đã kể, thậm chí bỏ luôn, không thèm triệu tập một số nhân chứng mà lời khai của họ có thể vô hiệu hóa Kết luận điều tra, Cáo trạng và Hội đồng xét xử khó mà thản nhiên xác định Hồ Duy Hải “giết người”, “cướp tài sản” để phạt tử hình…

Dư luận từ công chúng, báo giới, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý, một số viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã khiến hệ thống tư pháp chựng lại trong việc thi hành án tử hình Hồ Duy Hải nhưng đó chỉ là chựng lại. Tháng 5 năm 2011, Tòa án Tối cao tuyên bố không kháng nghị (không yêu cầu xem lại) bản án chung thẩm. Tháng 10 năm 2011, tới lượt Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra tuyên bố tương tự, mở đường cho Chủ tịch Nhà nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải vào tháng 5 năm 2012...

Tháng 11 năm 2014, Hội đồng Thi hành án tử hình của tỉnh Long An quyết đinh tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5 tháng 12 năm 2014. Thêm một lần nữa, dư luận, công luận lại dậy lên thành bão… Một ngày trước khi bản án được thi hành, Chủ tịch Nhà nước đề nghị Tòa án Tối cao tạm hoãn thi hành án. Hồ Duy Hải tạm thời thoát chết để chờ hệ thống tư pháp xem xét số phận của mình. Chẳng riêng thân nhân của Hải, nhiều người ở nhiều nơi đã tìm đủ cách để tác động đến việc xem lại bản án bằng nhiều cách…

Thế rồi tháng 11 năm ngoái – sau năm năm im lặng từ lúc án tử hình được tạm hoãn, Viện Kiểm sát Tối cao đột nhiên loan báo kháng nghị bản án tử hình Hồ Duy Hải theo hình thức giám đốc thẩm. Cơ quan này khẳng định, có đủ căn cứ để kháng nghị hai bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) nhằm làm rõ những mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng và điều tra lại là thật sự cần thiết (1). Tòa án Tối cao đã tổ chức phiên xét xử theo hình thức giám đốc thẩm trong ba ngày và bác kháng nghị, tuyên y án (2)!

***

Tin Tòa án Tối cao xem lại vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” theo hình thức giám đốc thẩm đã từng tạo ra sự hứng khởi nơi nhiều giới. Trong mắt nhiều người, diện mạo công lý tại Việt Nam tuy nhơ nhuốc nhưng ít nhất lần này cũng sẽ được tẩy rửa một phần để trong chừng mực nào đó còn có thể yên tâm vì tư pháp xã hội chủ nghĩa không man rợ tới mức, thản nhiên giết một cá nhân mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử từng bộc lộ vô số dấu hiệu cho thấy hết sức vô nhân.

Đó cũng là lý do phán quyết của Hội đồng Thẩm phán với 17 thành viên của Tòa án Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải làm người ta chưng hửng, phẫn nộ. Nguyễn Lân Thắng mỉa mai: Có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất khốn nạn của nền tư pháp xứ Đông Lào... Y án tử hình Hồ Duy Hải! Đồng bào đã sáng mắt chưa (3). Nghiêm Việt Anh ngao ngán nhận xét về phiên giám đốc thẩm là “trò hề” (4). Còn Phùng Chí Kiên thì vừa thấy tên mình trong danh sách tử tù dự bị nếu vẫn tuân theo nền tư pháp mọi rợ này (5).

Trương Huy San nhận xét: Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất? “Y án” không đơn giản chỉ để cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình (khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao ông đã từ chối kháng nghị). Bằng phán quyết này, thành tích “phá trọng án” của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ, nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan vào sổ đen…

Trong lịch sử tố tụng của nước ta, hung thủ của các vụ án mạng nghiêm trọng gần như đều nhanh chóng bị bắt. Tiền thưởng, huân chương, sao gạch… nhanh chóng được ban phát. Oan sai gần như chỉ được phát hiện khi “nạn nhân” từ “cõi chết trở về” (trường hợp em Tỏ ở Tiền Giang) hoặc hung thủ thật ra đầu thú ([như trong vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và “bảy thanh niên nhận tội giết người ở Sóc Trăng” gần mười năm trước).

Chúng ta không biết rõ ai là thủ phạm nhưng 17 vị tối cao thẩm phán biết rõ bằng chứng để buộc tội Hồ Duy Hải có rất nhiều điểm khá mù mờ. Nhiều bằng chứng được thu thập theo cách vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Một khi có thể mua một con dao ngoài chợ thay thế tang vật, việc khiến cho một bị can cung khai trôi chảy một kịch bản giết người chẳng phải khó khăn gì.

Giá như các vị đừng ngồi trên cái ghế có nhiều hệ lụy như thế mà thử đặt mình trong vị trí của các dự thẩm, tôi nghĩ, các vị sẽ không dám tuyên như vậy. Các vị đã đưa ra một phán quyết rất có giá trị chính trị nội bộ nhưng đêm nay, nếu không đi uống rượu, các vị thử gác tay lên trán, tự hỏi xem đó có phải là một phán quyết dựa trên pháp luật và niềm tin nội tâm của quý vị không?

Chúng tôi không đủ cơ sở để nói Hồ Duy Hải là vô tội. Nhưng chúng tôi cần được chứng kiến một phiên tòa công khai, nơi, công tố viên thuyết phục hội đồng xét xử bằng những chứng cứ thuyết phục. Thuyết phục trong trường hợp Hải được tuyên vô tội, thuyết phục ngay cả trong trường hợp Hải bị tuyên có tội.

Hủy án khi không đủ bằng chứng để kết tội ai đó không phải là sự thất bại của một nền tư pháp mà là sự chiến thắng của công lý. Ngay cả trong các nền tư pháp trưởng thành không phải mọi trọng án đều tìm ra được hung thủ. Tuyên bố vô tội cho một nghi phạm không có có nghĩa là các cơ quan tố tụng tuyên bố đầu hàng. Bởi tuyên bố đó xác nhận hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật và các cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục thi hành phận sự.

Mười năm ngồi tù oan của những bị án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn là 10 năm tự do có thể gây án của những hung thủ thật. Các vị có còn để cho niềm tin nội tâm của mình vận hành không. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải, nếu oan, không chỉ làm tan nát một gia đình mà còn cấp thủ tục pháp lý cho hung thủ thật (nếu có) tự do gây án ngoài xã hội. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải không những không có khả năng chấm dứt tranh cãi mà còn xói mòn hơn niềm tin của dân chúng vào khả năng cung cấp công lý của nền tư pháp vốn có rất nhiều khiếm khuyết này (6).

***

Trước khi tiến hành xét xử vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” theo hình thức giám đốc thẩm, Tòa án Tối cao từng giới thiệu rộng rãi kế hoạch dựng “biểu tượng công lý” ở trụ sở các tòa án trên toàn Việt Nam và tạc tượng các Chánh án Tòa Tối cao. “Sáng kiến” này đã bị công chúng chỉ trích kịch liệt và có thể sẽ phải xếp xó. Tuy nhiên, dù muốn hay không, tuyên bố bác kháng nghị, y án đối với Hồ Duy Hải đã tạo ra một biểu tượng cho công lý ở Việt Nam.

Hao-Nhien Q. Vu vừa gọi 17 Thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao vừa nhất trí đưa ra phán quyết đã kể là 17 bù nhìn giống như các bù nhìn khác của chế độ. Theo facebooker này, điểm khác biệt của 17 bù nhìn đó, khiến cho họ có thành tích đặc biệtthí mạng người dân để bảo toàn thành tích bù nhìn của mình, nên có bị nguyền rủa đặc biệt nhiều hơn các bù nhìn khác thì cũng đáng đời (7). Bên cạnh sự khinh miệt đang được bày tỏ rộng rãi trên mạng xã hội như Hao-Nhien Q. Vu, còn có sự căm phẫn.

Đang có không ít người như Thùy Linh, công khai khẳng định về sự nguyền rủa đời đời dành cho Nguyễn Hoà Bình cùng đồng đảng của ông ta. Một lũ khát máu người vô tội. Quyền lực và sự giàu có của bọn họ xây trên sự nghèo đói, oan khuất của dân đen... Thùy Linh nhấn mạnh: Hãy nhớ ngày này. Máu kêu trả máu (8). Sáu năm trước, một số viên chức hữu trách ở Long An từng công khai càm ràm về việc chần chừ tử hình Hồ Duy Hải nguy hại cho “ổn định chính trị”. Nay, số phận nghiệt ngã của Hồ Duy Hải góp thêm lý do khiến nhiều người như Quách Gia sực tỉnh: Cộng sản sống bằng dối trá và bạo lực. Đó là điều chắc chắn (9).

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vien-kiem-sat-de-nghi-dieu-tra-lai-6-van-de-vu-an-ho-duy-hai-20200508152512439.htm

(2) https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bac-khang-nghi-vu-an-ho-duy-hai-20200508144802024.htm
(3) https://www.facebook.com/nkmh2011/posts/10158303995153808

(4) https://www.facebook.com/vietanh.nghiem/posts/3096489830428484

(5) https://www.facebook.com/phungchikien2012/posts/10158756846914095

(6) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/2829313317103831
(7) https://www.facebook.com/haonhien/posts/10158146153795132

(8) https://www.facebook.com/linh.thuy.75873708/posts/2014878418656741

(9) https://www.facebook.com/hdquachgia/posts/2638807739777266