Chuyện một… ‘anh hùng’

Hình minh hoạ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra Khối Văn hóa – Xã hội (Vụ 3) vẫn tiếp tục khuấy động dư luận. “Cuộc chiến” mà ông Mẫn khẳng định sẽ đeo đuổi tới cùng vẫn đang tiếp diễn…


***


Ông Mẫn nổi như cồn từ năm ngoái. Hồi tháng 9 năm 2016, khi từ Hà Nội vào Sài Gòn, công bố quyết định thanh tra Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Mẫn nói riêng với giới lãnh đạo trường này rằng phải đoạn giao với báo giới, đừng dại vạch áo cho người xem lưng. Ông Mẫn khẳng định như đinh đóng đóng cột là bất kỳ phóng viên nào “quấy nhiễu” Đại học Quốc gia TP.HCM, ông “sẵn sàng phối kết hợp” với Đại học Quốc gia TP.HCM “đuổi nhà báo đó ngay”. Trước cử tọa, ông Mẫn gọi báo giới là “chúng nó” và bày tỏ mong muốn không để chúng nó gây “nhiễu”…

Clip ghi lại phát biểu vừa kể của ông Mẫn được đưa lên Internet đã làm công chúng sững sờ, báo giới phẫn nộ. Hội Nhà báo Việt Nam không thể đứng ngoài nên đành gửi công văn, yêu cầu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xem xét và có ý kiến.

Đúng một năm sau, khoảng đầu tháng 9 năm 2017, Thanh tra Chính phủ mới xác định, ông Mẫn phải xin lỗi báo giới vì “phát ngôn thiếu chuẩn mực”. Lần này, ông Mẫn chủ động liên lạc với báo giới, khẳng định sẽ không xin lỗi. Theo ông Mẫn, yêu cầu xin lỗi là “trái pháp luật”. Ông Mẫn nhấn mạnh, nội dung cuộc họp giữa đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ với Đại học Quốc gia TP.HCM là “thông tin mật”, thành ra hành động ghi âm – phát tán clip ghi lại phát biểu của ông trên Internet là một âm mưu có tổ chức của những kẻ xấu, câu kết với nhau để bôi nhọ, hạ bệ ông và phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ đoàn thanh tra.

Có một điểm đáng chú ý là khi trao đổi với báo giới, ông Mẫn liên tục lặp đi, lặp lại một cách hết sức tự tin rằng ông rất “sạch” không bao giờ đụng đến “cây kim, sợi chỉ” của ai, sống rất thanh bạch, rất “có tâm, có đức”, luôn “vì dân, vì nước”, “kiên trung trong việc đấu tranh chống tiêu cực”.

Ông Mẫn nói thêm rằng, phát biểu của ông hồi tháng 9 năm ngoái khoảng 30 phút, rất “hay”, rất “chân chính”, rất “đúng trách nhiệm”, rất “đúng pháp luật” và với phát biểu đó, lẽ ra phải phong ông là “anh hùng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới về chống tham nhũng, tiêu cực”.

Ông Mẫn không quên nhấn mạnh, việc “cắt xén” phát biểu của ông và đưa lên Internet, không chỉ là ác ý với cá nhân ông mà còn “gây rối tình hình chính trị của Việt Nam nói chung và ngành thanh tra nói riêng”. Do đó ông sẽ báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm sáng tỏ vụ này vì đó là “trách nhiệm trước Đảng, nhân dân”, cũng như “uy tín của ngành thanh tra”…

Thế rồi ông Mẫn tổ chức họp báo. Phải đến lần thứ ba, Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hà Nội mới cấp giấy phép cho ông Mẫn họp báo. Những nội dung mà ông Mẫn công bố tại cuộc cuộc họp báo diễn ra vào ngày 15 tháng 10 ở khách sạn Daewoo được xem là không có gì mới. Ông Mẫn tiếp tục lập đi, lập lại yếu tố ông là một “cán bộ gương mẫu”, chưa bao giờ có “thiếu sót, sai sót nào” thành ra sẽ không xin lỗi bất kỳ ai.

Qua Internet, không ít người bảo rằng, dường như ông Mẫn không bình thường về mặt nhận thức. Ví dụ, ngoài chuyện cho rằng mình đáng được phong “anh hùng” qua phát biểu hồi tháng 9 năm ngoái ở Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Mẫn còn gây hoang mang: Song song với chuyện là Thanh tra cao cấp, ông Mẫn nhận ông là “luật sư”. Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp Việt Nam nghiêm cấm việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho công chức.


***


Trong chuỗi sự kiện liên quan đến ông Mẫn, ai cũng thấy Thanh tra Chính phủ hành xử rất thận trọng.

Cơ quan chuyên thực hiện các cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật, tiếp nhận – giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân, chỉ đạo - tổ chức phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam, mất tới một năm để xác minh – xác định đúng là ông Mẫn đã “phát ngôn thiếu chuẩn mực” nên cần xin lỗi báo giới.

Thêm sáu tuần tính từ ngày ông Mẫn khẳng định “không xin lỗi”, kể cả tổ chức họp báo để minh định quyết tâm đó và sau khi báo giới đòi Thanh tra Chính phủ phải trả lời về “kỷ cương” khi quyết định của cơ quan này bị một cán bộ cao cấp của chính nó công khai phủ nhận, Phát ngôn viên của Thanh tra Chính phủ mới lên tiếng, hứa rằng, “tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ nghiêm túc triển khai theo đúng kết luận đã ban hành”.

Cho dù bị xem là không bình thường về nhận thức nhưng ông Mẫn tự tin hơn nhiều so với Thanh tra Chính phủ, nơi ông Ngô Văn Khánh vẫn đang là Phó Tổng Thanh tra.

Cách nay ba năm, tờ Người Cao Tuổi tiết lộ, năm 2011, khi kê khai tài sản, ông Khánh cho biết, song song với việc sở hữu hai căn nhà năm tầng ở Hà Nội, ông còn có 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh và là cổ đông với vài trăm ngàn cổ phiếu ở bốn ngân hàng (Quân Đội, Nam Á, Đông Á, Liên Việt), hai công ty (Xi măng Công Thanh, Thiết bị Bưu điện). Ngoài khối tài sản trị giá vài chục tỉ này, ông Khánh còn hàng chục tỉ khác gửi ở VIB và mua trái phiếu Chính phủ. Bởi không có ai bận tâm về nguồn gốc khối tài sản khổng lồ mà ông Khánh thủ đắc nên từ vị trí Vụ trưởng Vụ Thanh tra Khối Nội chính và Kinh tế tổng hợp (Vụ 2), ông Khánh được nhấc lên, đặt vào ghế Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Dẫu nguồn gốc tài sản của ông Khánh trở thành thắc mắc chung của công chúng, thậm chí là một trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội Việt Nam đòi Thanh tra Chính phủ phải trả lời nhưng ông Khánh vô sự vì ông “đã kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật”. Tháng 12 năm 2016, Ban Cán sự Đảng của chính phủ Việt Nam loan báo “kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ của ông Khánh”. Ông Khánh tiếp tục là người chỉ đạo hoạt động thanh tra khối nội chính, khối kinh tế ngành và kinh tế tổng hợp. Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Theo dõi, đề xuất chỉ đạo, điều phối, tổng hợp công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Sự tương phản giữa thái độ tự tin của ông Mẫn với cách hành xử hết sức thận trọng của Thanh tra Chính Phủ liệu có liên quan gì với di sản của những lãnh đạo tiền nhiệm: Một Huỳnh Phong Tranh – cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, chỉ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu đã ký quyết định bổ nhiệm ồ ạt 35 cá nhân làm lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng “gây hoài nghi, tạo dư luận không tốt”? Một Trần Văn Truyền - cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, ngoài việc bổ nhiệm hàng loạt cá nhân khác làm lãnh đạo trong Thanh tra Chính phủ như ông Tranh còn bị vạch mặt vì đã lạm dụng chức vụ để sở hữu hàng chục căn nhà, thửa đất ở Bến Tre, Sài Gòn, Hà Nội nhưng chỉ bị Đảng “cảnh cáo”?

Ông Mẫn bị cho là không bình thường nhưng liệu có nên xem hoạt động của Thanh tra Chính phủ là bình thường khi năm nào, báo cáo về hoạt động phòng chống tham nhũng của cơ quan này cũng giống như báo cáo sáu tháng đầu năm nay? Theo đó, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng. Hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm tra 1.800 cơ quan nhưng chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các qui định về phòng chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 46 vụ, liên quan đến 66 viên chức.

Nếu đúng là ông Mẫn rất “sạch” không bao giờ đụng đến “cây kim, sợi chỉ” của ai, sống rất thanh bạch, rất “có tâm, có đức”, luôn “vì dân, vì nước”, “kiên trung trong việc đấu tranh chống tiêu cực” thì dù cách hành xử, các tuyên bố của ông không bình thường, sự tự tin của ông lại rất đúng… lẽ thường.

Không bình thường, đúng lẽ thường, khác thường… Chẳng phải đã có nhiều người từng nói, không khác thường thì không phải là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó sao?