Đọc lời kêu gọi nhàm chán “chống dịch như chống giặc” trên VnExpress của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kèm theo thông tin rằng lần gần đây nhất ông cũng kêu gọi như thế là hồi tháng Ba/2020 khiến tôi bật cười. Vâng, quý vị không đọc nhầm đâu, cách đây gần năm rưỡi rồi.
Vậy là sau khi đã ngủ quên trong chiến thắng ăn may hồi đầu năm ngoái, tổng bí thư đã thức dậy dù có muộn màng vì cả thủ đô chính trị lẫn thủ đô thương mại đều đã bị trói tay trói chân cả rồi.
Và dù đã dậy nhưng ông tổng vẫn còn ngái ngủ và chưa tỉnh táo lắm đâu. Giờ còn “chống dịch như chống giặc” là sao? Giặc có phải là mấy người dân đi mua bánh mì và bị mất tự do vì mua mấy cái thứ ‘nhảm nhí’ đó không? Giặc có phải là những người đang khoẻ mạnh nhưng bị đi cách ly trong điều kiện chật hẹp không đảm bảo giãn cách xã hội nên bị nhiễm oan Covid? Giặc có phải là những nhân viên vận chuyển hàng hoá đáng ra phải được coi là nhân viên chủ lực nhưng lại bị bắt ngồi nhà?
Trong khi đó tình hình dịch bệnh ở một số nơi đã ngoài vòng kiểm soát của các chính trị gia. Chẳng hạn ở thành phố Hồ Chí Minh tổng số ca nhiễm đã vượt quá 80.000 và Bình Dương vừa lên quá 10.000.
Trong cả nước tổng số ca nhiễm trong ba tháng qua, theo VnExpress, là gần 125.000 trong đó hơn 860 người đã tử vong. Riêng hôm 29/7 số người tử vong đã là trên 230 người. Đó là con số chính thức. Có tin được không? Không thể biết được? Có cách nào kiểm tra không? Có. Các phóng viên có thể tìm số liệu tổng số người chết ở thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Sáu và tháng Bảy năm ngoái và so với số người chết năm nay trong cùng hai tháng đó. Nếu có tăng đột biến, có nhiều khả năng phần gia tăng đó chính là do Covid.
Còn số ca nhiễm có thể khẳng định không phải là tổng số ca nhiễm thực tế. Lý do là nhiều người nhiễm Covid mà chưa chắc biết mình nhiễm và nếu không xét nghiệm đa số dân thì không thể khẳng định được tổng số ca nhiễm là bao nhiêu. Thông thường con số thống kê chính thức thấp hơn con số thực thế từ hai tới ba lần.
Chuyện Covid làm các nước vỡ trận không có gì khó hiểu. Điều khó hiểu là dịch đã tồn tại hơn 18 tháng rồi mà cách ứng xử vẫn còn “lúng túng” theo cách nói giảm nhẹ của chính trị gia Việt. Nhìn cảnh người dân chen chúc xếp hàng để được xét nghiệm hay lấy giấy tờ để được di chuyển có thể thấy sự ngớ ngẩn trong cách xử lý tình huống nay không còn là mới. Đóng cửa để dập dịch là chuyện khó tránh nhưng cần có những chính sách giúp người dân, nhất là người nghèo có cái ăn và tránh lạm dụng mấy thứ chỉ thị để hành dân giữa mùa dịch.
Còn vắc-xin thì sao? Xin thưa hết ông ngoại xin cho người nhà lại đến ‘ông nội’ Vin mượn dùng trước các cụ già, vốn dễ tử vong hơn các cháu trẻ làm ở Vin group tới vài chục lần. Thật là quý hoá quá các cháu ạ! Cũng có người nhắc tới cảnh những quý ông lịch thiệp nhường thuyền cứu hộ cho phụ nữ và trẻ thơ trên tàu Titanic để nhắc người ta hãy hành xử cao thượng. Nhưng tại một đất nước thượng đã bất chính bấy lâu nay thì hạ mong gì khá hơn.
Tôi biết có những người già ở Việt Nam đã sang nước tư bản để tiêm vắc-xin vì xếp hàng tại một đất nước không có thói quen xếp hàng thì biết tới mùa quýt nào. Và trong khi các nước giàu như Anh quốc xét nghiệm Covid miễn phí cho người dân, ai thích hiện vẫn có thể yêu cầu chính quyền gửi các bộ xét nghiệm nhanh về nhà, Việt Nam lại móc túi dân sau khi đã móc túi lần trước bằng cách kêu gọi đóng tiền mua vắc-xin.
Vắc-xin tại Anh hiện cũng đang tiêm miễn phí, không còn ai phải xếp hàng nữa, thích là được tiêm. Nhiều người dân thực ra lại lãi vì dịch. Họ vẫn được trả lương để ngồi nhà trong nhiều tháng phong toả cho tới giữa năm nay, tiền đi lại không phải trả, tiền ăn cũng ít đi vì không phải mua đồ ăn ở ngoài. Và ngay cả trong những lúc dịch nặng nề nhất, chưa bao giờ người dân không được ra ngoài tập thể dục hay mua đồ ăn. Chính quyền không muốn người dân phát điên trước khi họ bị nhiễm Covid. Ấy là nói chính quyền.