Trong 5 tiểu ban được thành lập tại Hội nghị Trung ương 8 để chuẩn bị cho đại hội 13 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm 2021, Tiểu ban Nhân sự tuy được xếp ở vị trí cuối nhưng thực ra là quan trọng nhất, và luôn quan trọng nhất trong lịch sử lục đục và nhộn nhạo của chính thể một đảng cai trị này.
‘Tiểu ban Nhân sự’ quan trọng đến thế nào?
Còn hơn hai năm nữa mới đến đại hội 13, nhưng Tổng bí thư Trọng đã nắm luôn không chỉ Tiểu ban Nhân sự mà còn Tiểu ban Văn kiện - một tiểu ban chấp bút định hướng những đường lối đối nội và đối ngoại then chốt nhất của ‘đảng ta’. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban Kinh tế xã hội, còn Tiểu ban Điều lệ đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban.
Như vậy, một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại được làm trưởng tiểu ban Nhân sự.
Vào khoảng thời gian năm 2015 khi ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ và trong bầu không khí đua tranh quyết liệt cùng đủ thứ đơn thư tố cáo lẫn nhau được tung lên mạng xã hội, ông Trọng - trên cương vị tổng bí thư - cũng đã ‘chủ động’ làm trưởng tiểu ban Nhân sự.
Theo nguyên tắc của đảng cầm quyền, nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị Ban Bí thư, Tổng bí thư và kể cả Ban chấp hành trung ương sẽ được ‘chọn’ theo 3 phương án nhân sự: một danh sách do tổng bí thư đưa ra, một danh sách khác do ‘tập thể Bộ Chính trị’ đưa ra, và danh sách còn lại là phần của Ban chấp hành trung ương. Theo ‘thông lệ’, phương án nhân sự do tổng bí thư đưa ra là mang tính chi phối nhất, mà nhiều thông tin cho biết đó chính là phương án mang tính quyết định trước đại hội 12, sau đó mới tuần tự đến ‘tập thể Bộ Chính trị’ và Ban chấp hành trung ương.
Tại các hội nghị trung ương 13 và 14 diễn ra vào nửa cuối năm 2015, mặc dù đã nắm được vai trò trưởng tiểu ban Nhân sự, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn bị cạnh tranh và thách thức quyết liệt bởi Nguyễn Tấn Dũng - đối thủ mà mới chỉ vào đầu năm 2015 đã vọt lên xếp đầu bảng trong cuộc đua ‘bỏ phiếu thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’, trong lúc ông Trọng chỉ đứng thứ 8 - theo nhiều thông tin không chính thức nhưng cho tới giờ vẫn không được bất kỳ cơ quan nào của đảng hay khối chính phủ đính chính hoặc cải chính. Chỉ đến khi còn ít tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12, Thủ tướng Dũng mới phải làm một bản giải trình dài cho tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra trung ương về 12 vấn đề nhạy cảm liên quan đến con cái, phát ngôn và tài sản của ông. Hầu như ngay sau đó, bản giải trình này đã được chụp ảnh nguyên trạng và tung lên mạng xã hội, lan truyền với tốc độ chóng mặt nhưng không rõ nhằm dụng ý gì. Chính bản giải trình này, cùng với một quy định nội bộ đảng theo cách mà Thủ tướng Dũng không thể ngờ ‘đảng viên không được từ ứng cử’ đã khiến Nguyễn Tấn Dũng ‘một đi không trở lại’ và làm cho phương án nhân sự tổng bí thư tuyệt đối trống vắng cái tên ‘đồng chí X’.
Còn giờ đây, Nguyễn Phú Trọng đang ‘thừa thắng xông lên’, sau lời cảm thán ‘tôi bất ngờ’ khi ông Trọng bày tỏ nỗi ngạc nhiên vì nhận được đến 100% phiếu thuận của đại hội 12 cho ứng cử viên tổng bí thư duy nhất chính là ông ta.
Sẽ sửa đổi hiến pháp?
Tháng Mười năm 2018 và như cách thức vận động của giới chuyên gia và quan chức cận thần của đảng về ‘thời điểm chín muồi để hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’, ngay sau cái chết của Trần Đại Quang là sự kiện Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị và một lần nữa ‘100% Ban chấp hành trung ương’ đề cử trở thành chủ tịch nước, để chẳng bao lâu sau đó sẽ có một quốc hội quen ‘gật’ chẳng hề khó khăn chấp thuận cái chức danh vừa cũ vừa mới ấy.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ sau đại hội 12, ước vọng và tương lai chính trị của ông Trọng đã hiện rõ hơn nhiều: không chỉ quá cần đến tính ‘chính danh’ của chủ tịch nước trong những đợt công du đối ngoại, ông Trọng còn được xem là tập trung và thâu tóm quyền lực chưa từng có kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn - một hiện tượng đặc biệt mà đã trở thành đầu đề của cả báo chí quốc tế.
Nhưng vẫn chưa hết, và có lẽ còn lâu mới hết. Điều cốt yếu hơn cả và có thể khiến giới quan sát chính trị thêm một lần nữa cảm thấy sốc là dường như thâm tâm ông Trọng còn đang tính đến khả năng ông sẽ tiếp tục làm tổng bí thư, và tất nhiên ‘kiêm chủ tịch nước’ - thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13, dù hiến pháp và điều lệ đảng hiện thời chỉ giới hạn tổng bí thư và chủ tịch nước tối đa là hai nhiệm kỳ.
Việc ‘chủ động’ nhận lãnh trách nhiệm phụ trách trưởng hai tiểu ban nhân sự và văn kiện cho đại hội 13 của ông Trọng là một chỉ dấu mạnh mẽ và lộ liễu cho thấy nếu muốn và khi sức khỏe còn cho phép, chính ông sẽ ngồi vào ghế tổng bí thư - chủ tịch nước vào năm 2021 ở tuổi 77. Còn từ đây đến đó sẽ là công việc… sửa hiến pháp.
Một tham khảo rất gần gũi là hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - được hầu như toàn bộ quốc hội nước này ‘gật’ - đã được sửa ngay tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, trong đó đã chính thức bãi bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, dọn đường cho Tập Cận Bình trở thành ‘hoàng đế’ suốt đời’ hoặc có thể nắm quyền lực tối cao cho tới lúc chết.
Nếu ngay cả một chuyên gia quốc tế được xem là rất am hiểu về chính trị nội bộ của Việt Nam như giáo sư Carl Thayer còn phải thừa nhận rằng ông đã bất ngờ trước kịch bản Tổng bí thư Trọng ngồi ngay vào cái ghế chủ tịch nước ngay sau cái chết của Trần Đại Quang, chẳng có đột biến nào là quá khó khăn để không xảy ra trong những năm tới.
Với đà vận động thần tốc tại ‘thời điểm chín muồi’ mà những gương mặt cận thần không thay đổi như Nguyễn Đình Hương, Vũ Mão… cùng những cây viết truyền thông quen mặt như Huy Đức, có lẽ sẽ chẳng có lực cản nào đủ lớn để khiến công cuộc vận động sửa đổi hiến pháp về thay đổi nhiệm kỳ tổng bí thư và chủ tịch nước - sẽ được đặt trên bàn Ủy ban Thường vụ quốc hội vào một thời điểm chín muồi - bị tổn thương mà không thể trót lọt.
Khi đó và ngược hẳn với thời Nguyễn Tấn Dũng bất thần ngã ngựa, một đảng viên thậm chí còn có thể tự ứng cử hay nhận đề cử nếu không được ‘tập thể đề nghị’, hoặc chẳng cần sự chấp thuận của bất kỳ thể đảng viên nào - nếu điều lệ đảng được sửa đổi theo hướng ‘cách mạng’ như thế.