Vừa làm ‘Tổng – Chủ’, nay lại là ‘đồng thủ tướng’

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP.

Quên và nhớ

Chỉ có thể là thâm ý của Nguyễn Phú Trọng - một ‘người Bắc, có lý luận’ và không thiếu chất thâm nho. Trừ ra những phát ngôn trên trời về ‘đất nước ta có bao giờ được như thế này không’ mà hầu như chẳng đoái hoài gì đến ngày càng nhiều người dân bị bần cùng hóa như thời thực dân - một sự thật chứng minh rằng ông ta đã quên hẳn dân chúng, Trọng lại chẳng hề bỏ ngoài trí nhớ những chuyện vặt vãnh, tiểu xảo và lục đục quyền lực trong nội bộ đảng của mình.

Ngày 28 tháng 12 năm 2018, người vừa trở thành ‘tổng chủ’ đã nghiễm nhiên dự hội nghị của chính phủ với các địa phương và lãnh luôn trách nhiệm ‘phát biểu chỉ đạo’, mà không phải là vai trò của Thủ tướng Phúc được nói lời cuối cùng. Đó là cách mà Nguyễn Phú Trọng đã kỷ niệm tròn một năm kể từ lần đầu tiên ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ vào cuối năm 2017.

Hình ảnh trên cũng rất giống với thế ngồi ngay chính giữa - vị trí chủ tọa - của Ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng, trong khi bí thư cơ quan này là Bộ trưởng công an Tô Lâm thì chỉ ngồi kế bên như thể ‘chầu rìa’.

Sau khi giải pháp ‘tình huống’ liên quan đến việc Tổng bí thư Trọng ngay lập tức kế vị người vừa chết là Trần Đại Quang chính thức ập tới với một tốc độ nhanh chưa từng thấy để nghiễm nhiên nảy bật danh vọng ‘tổng - chủ’ của cơ chế ‘hai trong một’, dân gian thậm chí còn bắt đầu nghĩ đến một cách gọi khác cho thể chế ‘ba trong một’: chẳng hạn như tổng - chủ - thủ…

Còn nhớ vào tháng Mười Hai năm 2018, người đứng đầu bên đảng - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã làm được một việc mà các đời tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 cho đến khi chết cũng không thể làm được: ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’.

Sự kiện Tổng bí thư Trọng ‘dự và chỉ đạo họp chính phủ’ diễn ra sau Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017 với một nội dung cốt tủy của hội nghị này: nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước.

Ông Trọng đã có ý muốn làm…tổng thống?

Khi đó, Hội nghị trung ương 6 đã ‘định hướng’ một số giải pháp như: phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính. Hay các đảng ủy khối từ trung ương đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian, nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển. Hoặc Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước…

Chủ trương nhất thể hóa trên lại được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về ‘luân chuyển cán bộ’ do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017.

Trong khi đó, ‘đảng tràn sang chính quyền’ là một cụm từ mà dân gian ví von với chiến dịch nhất thể hóa. Theo bản phác họa này, nếu đà nhất thể hóa thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ ‘nắm’ hết. Mô hình ‘đảng quản lý’ thay cho ‘đảng lãnh đạo’ sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.

Khó mà hiểu khác hơn, logic của phương án ‘bí thư kiêm chủ tịch tỉnh’ sẽ hầu như phải dẫn đến đến kết quả vai trò của tổng bí thư được ‘nâng lên một tầm cao mới’, cao đến mức mà hiểu theo cách nào đó có thể so sánh với mô hình “cộng hòa tổng thống” của phương Tây, tức tổng thống mới là người có quyền lực thực sự và cất tiếng nói cuối cùng để giải quyết các vấn đề quốc gia, chứ không phải thủ tướng.

Khi đó và về thực chất, nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư ở Việt Nam có thể chỉ một bước là nhảy sang mô hình cộng hòa phương Tây, nghĩa là trở thành tổng thống.

Đó cũng có thể là cách để ông Nguyễn Phú Trọng trở thành một ‘hành pháp Obama’ như ở Hoa Kỳ, sẽ điều hành một nước Việt hỗn loạn ở độ tuổi gần tám chục mà chẳng cần đến vai trò của bất cứ thủ tướng nào.

Dù khả năng trên có thể làm hại đến sức khỏe của một người cần đến sự an dưỡng ngủ nghê hơn là nháo nhào quần quật với cái chính trường đến phát đau dạ dày với nhiều trò đâm dao sau lưng và thanh trừng nội bộ, nhưng sau vụ ‘tổng - chủ’ vào tháng Mười năm 2018 thì không có gì là không thể.

Sẽ có hai thủ tướng ở Việt Nam?

Thể chế ‘tổng - chủ - thủ’ hay ‘đồng thủ tướng’ hoàn toàn có thể xuất phát từ lý do ông Trọng sốt ruột trước tình trạng ‘đốt lò’ bên khối chính phủ vẫn lạnh như băng, hoặc có nhúc nhích thì cũng chỉ cho có và do vậy sẽ phải khiến đảng nhúng tay vào công tác ‘làm nhân sự’ của khối chính phủ; hoặc tiến độ thu thuế của chính phủ ngày càng trì trệ và bất lực mà khiến ảnh hưởng trầm trọng đến hàng chục ngàn miệng ăn của khối đảng và văn phòng chủ tịch nước; hoặc một số vấn nạn kinh tế - xã hội khác mà thủ tướng đương nhiệm, không biết vì những nguyên do ẩn giấu hay đủ ‘nhạy cảm chính trị’ nào, đã không thể giải quyết hay xử lý một cách rốt ráo khiến vai trò ‘tổng - chủ’ trở nên mất uy tín trong mắt bàn dân thiên hạ; chưa kể đến việc chính phủ thực thi những điều ước quốc tế ra sao sẽ liên đới trực tiếp đến uy tín và trách nhiệm ký kết của ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng’…

Với phương châm bám sát thực tế, triển vọng ‘đảng không làm thay mà đảng làm luôn’ là rất gần gũi và hấp dẫn. Khó mà hình dung khác hơn là từ đây đến đại hội 13 vào năm 2021, chỉ cần điều kiện sức khỏe không đến nỗi tệ, Chủ tịch Trọng sẽ tăng cường ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ một cách thường xuyên và kể cả đột xuất.

Ngay trước mắt, trong tương lai hết sức ngắn hạn và hết sức tranh thủ thời gian, sẽ là những chuyến công du nước ngoài, đặc biệt là tham vọng xuất hiện ngay giữa thủ đô của quốc gia đã từng bị Việt Nam coi là ‘kẻ thù số một’, Hoa Kỳ, của ‘tân chủ tịch nước’ - người mà trước đó đã chỉ bị quốc tế nhìn như một ‘đảng trưởng’ và chẳng có nội lực đáng kể nào để có thể quyết định những chương trình, dự án lớn về kinh tế.

Nếu trong những chuyến công du quốc tế từ năm 2017 đến nay ở Trung Quốc, Pháp, Nga, Hungary, Tổng bí thư Trọng chỉ mang theo bầu đoàn chủ yếu là các quan chức khối đảng, thì gần như không thể nghi ngờ rằng ông ta sẽ tái cấu trúc lại đội hình mang theo trong những chuyến công du đối ngoại trong năm 2019, bao gồm các bộ trưởng khối kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước… Nhưng tiêu biểu hơn sẽ là hình ảnh ‘tân chủ tịch nước’ cùng với quan khách nước chủ nhà chứng kiến những buổi lễ ký kết các hợp đồng chi tiết về làm ăn kiếm tiền giữa Việt Nam và thế giới - y hệt hoạt động người thực việc thực của Nguyễn Tấn Dũng trong các chuyến đi Mỹ và châu Âu vào thời ông ta còn chưa phải ‘trở về làm người tử tế’.

Khi đó và một cách nào đó, Việt Nam sẽ tồn tại song song hai thủ tướng.

Cuối cùng khi hiện ra kịch bản ‘tổng - chủ’ sẽ ‘kiêm thủ tướng’ theo một cách nào đó trong tương lai không xa - mà cơ chế ‘dự và chỉ đạo họp chính phủ’ và hoạt động công du đối ngoại có thể là những dấu hiệu đầu tiên của ‘nhất thể hóa đảng và chính phủ’ - thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc sẽ ‘về’ đâu?