Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội

Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội

Tôi biết vì sao anh vẽ ly thủy tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn

Là lời ghi khi nghe khúc réquiem buồn anh làm khóc bạn, nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, mất vào một ngày giáp tết, cũng là thời gian anh vẽ những phác họa chân dung bạn bè bằng bút chì rất tới. Rồi tháng vừa qua chúng tôi có cuộc bày tranh chung (phòng tranh mùa xuân Đinh Cường - Nguyễn Trọng Khôi- Trương Vũ tại Arlington Gallery, Virginia từ 1 đến 24-4-2011 )

có thời gian gần gũi nhau hơn, ôn lại nhiều kỷ niệm và hiểu thêm nhiều tâm tư khi vẽ tranh...tôi đặc biệt yêu thích những viên đá cuội trong tranh anh.

Trước bức tranh, dù chỉ là những viên đá cuội vô tri, có thể gọi là tĩnh vật, yếu tố nghệ thuật là trên hết trong đó có sự xúc động. Mỗi người đều có xúc động riêng, riêng xúc động thẩm mỹ đòi hỏi ở chuyên môn, những kinh nghiệm gần gũi với thế giới nghệ thuật tạo hình, như người sành về đồ cổ có thể sờ mó vào chất men mà nghiệm ra đồ giả hay đồ thật. Và như vậy tôi nhìn ra những viên đá cuội là thật trong cảm xúc nghệ thuật, như mang một

linh hồn trong tranh Khôi. Bức tranh tự nó hoàn chỉnh với tất cả ý tưởng…

Ý tưởng đẹp mà vẽ không tới chỉ để người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng của anh mà thôi” Répine đã phát biểu như vậy (Thái Bá Vân- Rêpin 1884-1930, Hội hoạ sĩ triển lãm lưu động Nga, Nhà xuất bản mỹ thuật Hà Nội 1988, trang 75).

Khôi kể có hai ý kiến mà Khôi nhớ mãi, một của Nguyễn Trung nhận xét về tranh anh: không có không khí từ khi anh quen Nguyễn Trung vào năm 1967 và một của Văn Cao: mang tính văn học quá khi Văn Cao đứng trước tranh anh trong cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc ở Hà Nội sau năm 1975. Cái không khí trong tranh Nguyễn Trung thấp thoáng trong tranh Nguyễn Trọng Khôi ở những năm đầu sáng tác của anh để rồi… “Thú thật tôi phải mất hơn sáu năm để thoát ra khỏi Nguyễn Trung. Những nét loé sáng trong tranh Nguyễn Trung, những khe những kẹt trong tâm thức trong tranh Nguyễn Trung quả đã là những phát giác lớn… Tôi nói phải mất sáu bẩy năm mới thoát khỏi bởi lúc vẽ ngay từ dáng người phụ nữ, hay nói chi tiết hơn cái móng tay thôi, khi nhìn lại bỗng thấy Nguyễn Trung lấp ló ở đâu đó.” (Đối diện với họa sĩ Nguyễn trọng Khôi: Vẽ là hạnh phúc - Hoa Thịnh Đốn Việt Báo số 874, ngày 31 tháng 5 năm 2002 ). Ý kiến của Văn Cao cũng rất chính xác, làm nhớ câu phát biểu của Tô Thùy Yên: “Hội họa như các ngành nghệ thuật khác có nhiệm vụ biểu hiện đời sống nhưng khác văn chương ở chỗ không trở lại đời sống, bao trùm nó và sửa đổi nó. Hội họa mang đời sống được biểu hiện lên một siêu-đời-sống (surmonde)… Phải coi hội họa là một thực thể tự nó, nó đã có đầy đủ ý nghĩa, đừng gán cho nó ý nghĩa nào khác và biến nó một cách oan uổng thành một minh họa cho triết học, một tùy thuộc của triết học …” (Thảo luận - Ngôn ngữ mới trong hội họa - trang 84, nhà xuất bản Sáng Tạo 1965)

Kể từ Cánh đồng, sơn dầu trên bố 33x39 in, 1983 tham dự triển lãm Mỹ thuật đương đại Việt Nam ở Hoa Kỳ ở Việt Nam, cuộc triển lãm lớn qua

nhiều tiểu bang trên nước Mỹ mang tên An Ocean Apart (Nghìn trùng xa cách) Nguyễn Trọng Khôi đã có nhiều tìm tòi mới trong đề tài và bút pháp,

những uớc lệ thời cũ đã mất dần để đến gần với hội họa thế giới hiện đại hơn. Hỏi Khôi về những suy nghiệm mới, Khôi nói là sáng tác thấy dễ dàng hơn xưa, không còn băn khoăn quá lắm, vì như anh đã chợt tìm ra cho mình một hướng đi: “Tôi chợt nghiệm ra rằng, trường phái chẳng qua là một sự định đặt của các nhà phê bình. Tôi tin rằng khi Picasso, Chagall, Salvado Dali, Braque và gần đây là Bacon… khi vẽ họ không định rằng họ sẽ vẽ theo một ước lệ nào đó… sự chọn lựa của tôi về cái gọi là Trường phái Hiện thực Huyền Ảo - Réalisme Fantastique - chẳng qua là một quá trình làm việc, tôi có một cái nhìn ở một góc độ riêng tư thành ra một đặc tính thế thôi. Cái đặc tính đó là nhìn nhận Vô thể trong Hữu thể”. Những viên cuội, những quyển sách cũ, ly thuỷ tinh, những lọ gốm Lý Trần… từ vật vô tri đã được

Nguyễn Trọng Khôi phà lên hơi ấm nồng nàn cũng như Cézanne (hoạ sĩ Pháp 1839-1906) đã làm cho những quả táo, những tách trà trở nên bất tử trong tranh tĩnh vật như ông đã nhìn thấy chúng từ bên trong. Và còn gì mê hoặc hơn khi nhìn những tranh tĩnh vật của Giorgio Morandi (họa sĩ Ý 1890-1964) tưởng chừng như rất giản dị với chai lọ, những chiếc phễu, những viên gạch quanh ông nơi gian bếp, mà rất thơ mộng, rất mới …

Tôi mang giày từ chín giờ sáng đến chín giờ tối mới cởi ra, Khôi hay nói vậy, có nghĩa là loay hoay làm việc này việc khác không ngưng nghỉ trong ngày, không kể những ngày đi làm. Khôi nhiều tài, viết nhiều ca khúc, hát hay, rành về computer …và là người ngoan đạo cùng chị Mai, người vợ mà Khôi yêu quý. Biết đâu, Boston, cái thành phố cổ kính có nhiều tượng đồng của nhà điêu khắc người Anh nổi tiếng Henry Moore, sẽ nuôi dưỡng người họa sĩ Việt Nam bền gan trì chí làm việc, sau này sẽ được nhắc nhở tới như Yves Tanguy, họa sĩ Pháp, đã lang bạt qua đất Mỹ, cũng trôi dạt về vùng này, thành công dân Mỹ những năm 1940, sống biệt lập trong một nông trại tại Connecticut, trở thành một họa sĩ siêu thực có tên trong lịch sử hội họa thế giới hiện đại. Với Nguyễn Trọng Khôi vẽ là hạnh phúc, trong đó có những viên cuội anh tìm thấy, mà khi ngắm nhìn chúng, tôi như nhớ lại cả tuổi ấu thơ tôi, ngồi lượm chơi những viên sỏi trắng trong sân nhà thờ.

Virginia, 12 May 2011
ĐINH CƯỜNG