Nguyễn Văn Hóa đứng đầu danh sách nhà báo ‘khẩn cấp nhất’ toàn cầu

Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ngày 27/11/2017.

Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, hiện đang thụ án tù tại Việt Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu trong danh sách “10 trường hợp khẩn cấp nhất” của tổ chức One Free Press Alliance về các trường hợp tự do báo chí tháng 2/2022.

Danh sách “10 trường hợp khẩn cấp nhất”, được đưa ra trong tuần này bởi một nhóm thống nhất gồm các biên tập viên và nhà xuất bản hàng đầu, làm nổi bật những nhà báo đang bị chính quyền đàn áp hoặc những trường hợp đang tìm kiếm công lý.

10 trường hợp nhà báo toàn cầu đang tìm công lý khẩn cấp nhất, danh sách tháng 2/2022. Photo: One Free Press Coalition.

Trước thềm kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới 13/2, bảng xếp hạng của One Free Press Alliance trong tháng này nêu bật các trường hợp các nhà báo phát thanh trên toàn cầu đã phải đối mặt với sự trả thù vô cớ vì việc hành nghề của họ.

“Ông đã bị biệt giam và bị lạm dụng thể xác trong tù,” tổ chức One Free Press Alliance mô tả tình trạng giam cầm của nhà báo Nguyễn Văn Hóa.

Nguyễn Văn Hóa, nhà báo tự do và là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA), đang thụ án 7 năm tù, và tiếp theo sau đó là 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999. Ông từng quay phim và đưa tin về các cuộc biểu tình của ngư dân, phản đối thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra, làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016.

Nhà báo Nguyễn Văn Hóa, 27 tuổi, bị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh bắt giam vào tháng 1/2017.

XEM THÊM:

Nguyễn Văn Hóa được đề cử Giải Tự Do Báo chí của UNESCO

Vào tháng 1/2019, ông Nguyễn Văn Hóa được tổ chức Freedom Now, một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, đề cử cho Giải Tự Do Báo chí Thế giới Guillermo Cano của UNESCO.

Vào tháng 8/2018, Tổ chức Bảo vệ các Ký giả (CPJ) lên án những hành động tra tấn, bức cung nhà báo Nguyễn Văn Hóa, và kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngưng đánh đập và sách nhiễu các nhà báo.

One Free Press Alliance hợp tác với Tổ chức Bảo vệ các Ký giả (CPJ) và Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế (IWMF) lập danh sách cho các trường hợp khẩn cấp nhất này.

Tổ chức One Free Press Alliance gồm 32 thành viên là các cơ quan truyền thông quốc tế, trong đó có đài VOA và RFA. Tổ chức này dùng tiếng nói chung của các tổ chức truyền thông thành viên để làm nổi bật những nhà báo dũng cảm dám lên tiếng nhưng bị bịt miệng hoặc dám “đứng lên bênh vực các nhà báo bị tấn công vì theo đuổi sự thật”.