Hình ảnh người họa sĩ ấy tôi còn nhớ, dáng gầy cao, hay mặc bộ veston trắng, thắt cravate, tay ôm chiếc cặp đen, đôi khi cầm thêm cây dù hay chiếc tẩu, ung dung ngồi tréo chân trên cyclo, đến điểm hẹn…Những năm đầu 1960, với những sinh hoạt nghệ thuật phong phú, những Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân, và đáng ghi nhớ là cuộc Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế lần thứ nhất tại công viên Tao Đàn Sài Gòn năm 1962. Nhân dịp này quyển sách khổ lớn Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại của Nguyễn Văn Phương do Nha Mỹ Thuật Học Vụ Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hoà ấn hành. Cách nay đã nửa thế kỷ, tuy chưa được đầy đủ, nhưng quyển sách ấy đã đóng góp ít nhiều về tư liệu cho những nhà nghiên cứu Nghệ Thuật Tạo Hình Miền Nam những năm 1960.
Ông vẽ nhiều tranh khổ lớn, bố cục nhiều người, thường dùng màu nguyên chất với hai gam màu nóng chủ đạo là vàng cam và đỏ son, luôn có đường viền đen. Bắt gặp ở đó, ở thế giới hội họa Nguyễn văn Phương, là niềm vui hưng phấn của lễ hội mà ông cho là thời đại mùa xuân vĩnh cửu. Thật vậy chăng, tôi thấy ra cả một nỗi hoài nhớ khôn cùng: Hà Nội. Hà Nội của những năm 50 nền nã, thanh lịch, ông mang theo ở dấu mốc 54. Trong cùng thời gian, với Mai Thảo là Phượng nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy (Đêm giã từ Hà Nội), với Thanh Tâm Tuyền là Liên - có thể là một cái tên riêng cho Hà Nội của thi sĩ: Liên đêm mặt trời tìm thấy.
nắng tháng ba mưa tháng bảy sương tháng chín
cho thơm đường hôm nay đến sớm mai
hay với Tạ Tỵ: Tôi đứng bên này vĩ tuyến. Thương về năm cửa ô xưa…
Tất cả là tiếng vọng về một nơi chốn thân yêu, để ra đi: Chúng ta đi mang theo quê hương, như tựa đề một bức tranh của Phạm Tăng vẽ đôi trai gái đu dây ngày vui Quan Họ, có cờ phướng ngũ sắc, in trên bìa báo Xuân Tự Do năm xưa nào…
Nguyễn Văn Phương
|
Nguyễn Văn Phương, theo nhà phê bình nghệ thuật trẻ, tài hoa, Long Nghi (hiện ở San Francisco, tiếc là chị rất ít có bài viết sau này) nhận xét: Màu sắc cũng chính là một trong những đặc trưng nổi bật trong tranh Nguyễn văn Phương. Ông sử dụng lão luyện năm màu sắc cơ bản mà triết học phương Đông thường gọi là ngũ sắc (bao gồm cả trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) một khái niệm rất gần gũi với triết lý ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ). Các yếu tố của ngũ hành có mối quan hệ hỗ tương và biện chứng với nhau, theo đó, mỗi yếu tố không ngừng biến đổi ….Vì vậy ngũ hành có thể giải thích nguồn gốc cũng như các dạng thức của mọi hiện tượng tự nhiên. Chỉ khi nắm vững triết lý này, ta mới khám phá thế giới màu sắc của Nguyễn văn Phương.(Hoạ sĩ Nguyễn văn Phương và ”mùa xuân vĩnh cửu“– Long Nghi – Tài Hoa Trẻ, số 66 ngày 25-1-1999)
Ngoài màu sắc nồng ấm, tranh ông đẹp ở những đường viền. Những đường viền đen không ray rứt như trong tranh Rouault (Georges Rouault - họa sĩ Pháp 1871-1958) mà hiền hòa như những nét chạm đình làng hay tranh khắc gỗ truyền thống Việt Nam. Ông đã làm sống dậy, làm mới hơn, tạo được cho mình một sắc thái riêng, là điều đáng quý. Mục đích của nghệ thuật là kiến thiết tâm hồn con người và hạnh phúc trái đất. Hiểu thấu rằng nghệ thuật là một hành động vô tư, gần như lơ đãng, là cái hiểu cần thiết để có sự đồng cảm sâu xa với bạn bè, đồng loại qua tác phẩm của họ, trong cái biện chứng lịch sử nghệ thuật của họ... (Thái Bá Vân - Tiếp Xúc Với Nghệ Thuật, trang 6, Viện Mỹ Thuật Việt Nam 1997)
Thật vậy, biện chứng trong nghệ thuật Nguyễn Văn Phương là biện chứng của sự cô đơn, cho dù không khí lễ hội như ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Ông luôn hoài nhớ xa xăm về một nơi chốn thân yêu là Hà Nội, nhưng là một nghệ sĩ đích thực, tôi nghĩ, cho dù ông đang sống ở quê hương, ông vẫn nhớ quê hương. Lễ hội hay nỗi hoài nhớ có khi chỉ là một.
Tôi gặp ông lần cuối năm 2005 tại gallery Tự Do, đường Hồ Tùng Mậu, Sài Gòn, năm sau đó hay tin ông mất tại Đà Lạt. Ông có tranh bày thường xuyên kể từ năm 1990 cho đến nay tại gallery này, gallery còn giành cho ông một nơi sáng tác, hàng ngày ông ghé qua ngồi vẽ trên lầu 3. Những tác phẩm điêu khắc của ông cũng đáng kể. Tôi còn nhớ hình ảnh ông luôn thong dong trong bộ veston màu xám đậm, cả trong khi ngồi vẽ…
Virginia, 10 Fév, 2012
Đinh Cường