Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 13/12 quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vì vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng trong động thái mới nhất của chiến dịch ‘đốt lò’ sâu rộng vốn đã đưa hàng trăm quan chức chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp ra trước vành móng ngựa.
Truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng ông Phúc, người được cho là bị buộc phải thôi chức chủ tịch nước cách đây gần 2 năm, đã “vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”
Bộ Chính trị đưa ra kết luận này sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó xác định rằng ông Phúc vi phạm các quy định trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Ban cán sự đảng và thủ tướng, theo ghi nhận của VnExpress và Tuổi Trẻ.
Ông Phúc giữ chức thủ tướng chính phủ toàn bộ nhiệm kỳ 2016-2021 trước khi được bầu làm chủ tịch nước cho nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên vào tháng 1/2023, ông “xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu” trong bối cảnh các phó thủ tướng dưới thời ông bị cho thôi chức vì trách nhiệm liên quan đến các đại án tham nhũng trong đại dịch COVID-19.
Quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị hôm 13/12 còn xác định ông Phúc, 70 tuổi, “vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước,” theo VnExpress và Tuổi Trẻ.
Ông Phúc từ nhiệm và ra khỏi Trung ương Đảng ngay trước Tết Nguyên đán 2023 với lý do được công bố là “chịu trách nhiệm chính trị với tư cách là người đứng đầu với các sai phạm của cấp dưới” trong vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID của công ty Việt Á.
Hai phó thủ tướng dưới thời ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, trước đó cũng phải từ nhiệm vì trách nhiệm đối với vi phạm của cấp dưới, lần lượt trong các vụ án chuyến bay giải cứu và kit xét nghiệm.
Ngoài ông Phúc, Bộ Chính trị hôm 13/12 còn kỷ luật cảnh cáo cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, người kế nhiệm ông Phúc khi ông lên làm thủ tướng chính phủ vào năm 2016, cũng vì những vi phạm tương tự như ông Phúc, gồm “thiếu trách nhiệm” trong phòng chống tham nhũng và “vi phạm những điều đảng viên không được làm”.
Ông Bình, theo truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết, đã thôi giữ chức phó thủ tướng thường trực chính phủ vào tháng 7/2021 và nghỉ hưu theo chế độ.
Động thái “cảnh cáo” của Bộ Chính trị đối với ông Phúc và ông Bình diễn ra chỉ vài tuần sau khi cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị hình thức kỷ luật tương tự. Ông Huệ trở thành người đầu tiên trong các lãnh đạo ‘tứ trụ’ của Việt Nam bị kỷ luật công khai bằng hình thức này.
Vẫn theo các bản tin tương tự nhau của VnExpress và Tuổi Trẻ, Bộ Chính trị hôm 13/12 còn “khiển trách” bà Trương Thị Mai, một ủy viên của Bộ từng giữ chức bí thư Trung ương Đảng và trưởng ban Dân vận Trung ương, do đã “vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực” và “vi phạm những điều đảng viên không được làm.”
Bà Mai, từng là nhân vật lãnh đạo cao thứ 5 sau ‘tứ trụ’, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho “thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác” theo nguyện vọng hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục được mở rộng sau khi ông Tô Lâm tiếp quản chức tổng bí thư Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo chiến dịch đốt lò trong nhiều năm qua nhưng đã qua đời hồi tháng 7.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng được báo chí trong nước mô tả là một phần quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường sức hấp dẫn như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc chiến sâu rộng tới nhiều bộ ngành và quan chức cao nhất của chính phủ đã dẫn đến tình trạng tê liệt của bộ máy quan liêu.Còn theo một số nhà quan sát, đây là cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng để loại bỏ các đối thủ chính trị trong bối cảnh tranh giành quyền lực hậu trường trước kỳ Đại hội Đảng khóa 14.
Theo một tuyên bố trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng của Bộ Chính trị, cơ quan này đã kỷ luật ít nhất 52 quan chức cấp cao trong năm nay.
Your browser doesn’t support HTML5