Rồng là một linh vật được người Trung Hoa tưởng tượng hàng ngàn năm qua. Hình ảnh của nó được các chế độ phong kiến lấy làm biểu tượng cho vua chúa và sau khi các triều đại phong kiến sụp đổ rồng lại được ước lệ hóa thành hình ảnh của một nền kinh tế thành đạt đến cực điểm khiến cho các nước khác lấy đó làm thang giá trị để noi theo áp dụng vào đất nước của mình.
Rồng vốn bản chất là một con vật không có thật, nó được các họa sĩ Trung Hoa cổ xưa diễn đạt như một con vật không cánh nhưng lại biết bay, chỉ xuất hiện khi thời điểm quan trọng của xứ sở đặt niềm tin vào nó. Rồng luôn xuất hiện khi ẩn khi hiện và điều chắc chắn là nó không bao giờ…đi bộ ở cõi phàm trần này dẫu cho quân vương của nước ấy có đem lễ vật to lớn cách mấy để dụ dỗ nó.
Đó là rồng phương Bắc, riêng con rồng Việt Nam thì có khác. Rồng Việt hơn hẳn các nước tôn thờ nó ở chỗ không những biết bay, nó còn biết đi bộ nữa, đặc biệt khi nó được ẩn dụ cho một nền kinh tế hóa rồng.
Có lẽ sau khi ước mơ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đẩy nền kinh tế Việt Nam hóa rồng bằng những quả đấm thép là các tập đoàn kinh tế quốc doanh như Vinashin, Vinaline, EVN, Than-Khoáng sản….thì những con rồng ấy sau hơn 10 năm đã trụi cả vảy lẫn sức bay bổng của một con rồng kinh tế. Tuy nhiên ước mơ hóa rồng ấy chưa khi nào biến mất trong thời khóa biểu làm việc của lãnh đạo nhà nước vì họ nhận ra một điều: người dân Việt Nam vốn mê tín, tin tưởng vào những câu chuyện không có thật để làm lực đẩy cho cuộc sống đầy vất vả của họ. Từ nhận thực ấy, nhà nước Việt Nam xem việc tuyên truyền nền kinh tế Việt Nam “hóa rồng” là điều tất yếu để dẹp yên nỗi thất vọng về những bất cập mà giới chức làm kinh tế thất bại. Cứ mỗi lần đánh hơi sức đề kháng của quần chúng sắp đến chỗ nguy hiểm thì cụm từ “hóa rồng” lại hiện ra.
Mới nhất là sau khi giá điện tăng phi mã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Thông tin-Truyền thông chủ trì cuộc họp nhằm bàn đến việc “hóa rồng”.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin-Truyển thông tổ chức hôm 9 tháng 5 đã quy tụ gần 1.000 đại biểu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn đến các start-up công nghệ.
Theo báo Thanh Niên Online, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới là làm sao để có một bước tiến dài đến năm 2045, VN trở thành nước công nghiệp thịnh vượng, với trên 50% dân số ở tầng lớp trung lưu. Câu trả lời phải có một cuộc cách mạng về công nghệ với sự góp sức của các doanh nhân công nghệ. Ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, xây dựng sứ mệnh lịch sử, quyết không để đất nước vào bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp công nghệ thành công. Theo Thủ tướng, hiện nay thương mại trên nền tảng số của VN mới đạt khoảng 3,5 tỉ USD, chiếm khoảng 1,7% GDP Hiện nay, Việt Nam có hơn 50.000 DN công nghệ đang hoạt động mang lại tổng doanh thu khoảng 100 triệu USD.”
Những ý tưởng làm cho Việt Nam hóa rồng thông qua phát triển nền công nghệ thông tin của Việt Nam xem ra khó thể trở thành hiện thực vì những rào cản của chính Việt Nam trong nổ lực thúc đẩy nền công nghệ này. Sau hơn 30 năm Việt Nam vẫn loay hoay trong lĩnh vực gia công cho nước ngoài mà chưa có một thành tựu nào đáng kể trong lĩnh vực sáng tạo, vốn là chìa khóa nâng nền công nghiệp này vượt qua giới hạn của lắp ráp. Những nhà máy Intel, IBM, Sam sung, Evolable Asia Vietnam. NTT communication, Softbank Telecom Vietnam, Fujitsu Vietnam, DTC sotfware, Ricoh…và những công ty khác của Âu châu đã góp phần tạo nên khuôn mặt của nền công nghệ IT lắp ráp Việt Nam. Với công nhân được công ty huấn luyện bài bản họ có quyền hãnh diện là những công nhân có thể làm việc chính xác và đầy trách nhiệm trước một sản phẩm mà công ty giao phó, nhưng những sản phẩm ấy không có một chút kiến thức nào của họ góp vào, vì đơn giản họ chỉ là những con robot không thể sáng tạo.
Công nghệ thông tin trong vài chục năm gần đây đã biến thế giới thành một hành tinh hoàn toàn khác với trước đây không lâu. Microsoft, Apple, Intel, IBM… đã làm nước Mỹ vĩ đại chứ không phải công nhân lắp ráp IT của họ làm cho đất nước này giàu có.
Việt Nam muốn thành rồng không thể phát triển từ mô hình đầy lãng mạn của một vài người có tư tưởng bay bổng vượt qua thực tế của đất nước, vốn đang chìm ngập trong nợ công, môi trường kinh doanh đầy bất trắc, dân oan vẫn đang vất vưởng vì chính sách đất đai. Y tế, giáo dục chìm đắm trong cơn lốc hoảng loạn của bài toán chính sách, và nhất là mơ tưởng đào tạo người làm nên lực thúc đẩy thành rồng phải là những kỹ sư tài năng của Việt Nam, những người mơ ước biến đất nước này mang một bộ mặt khác.
Điều dễ hiểu là nền giáo dục Việt Nam không tạo ra được những kỹ sư thực chất mà công nghệ IT thế giới yêu cầu.
Thủ tướng Phúc có thể đang được tư vấn lầm về vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực IT nên hết sức tin tưởng vào “cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân VN phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng khát vọng vì một VN hùng cường, xây dựng sứ mệnh lịch sử, quyết không để đất nước vào bẫy thu nhập trung bình.”
Một sự thật khó tranh cãi là doanh nghiệp chỉ yêu tiền, yêu sự phát triển vô giới hạn của công ty mà họ làm chủ và khái niệm yêu nước trong thời buổi hiện nay không khác gì một tấm bích chương kêu gọi “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”.
Vậy thì nếu chủ trương “hóa rồng” chỉ trông cậy vào phát triển công nghệ IT không khác nào một con rồng không biết bay. Mặc dù nó có nanh, có vuốt nhưng không biết bay thì hóa rồng để làm gì?
Nó chỉ có giá trị ngang với một con gà được thả rông thay vì nhốt chuồng, nó có cái tên mới cho những ý tưởng vượt bậc: Rồng đi bộ.