Hợp nhất cơ quan ‘xương sống’: Ông Phúc làm khó ông Trọng?

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Chính phủ “kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc đã hành động nhanh đến không ngờ đối với chủ trương “tinh gọn bộ máy” và “nhất thể hóa” của đảng.


Trọng hay Phúc “nắm”?


Chỉ 5 ngày sau khi Hội nghị trung ương 6 kết thúc từ ngày 11/10/2017, trong một báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, phía chính phủ đã đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.

Vào những năm trước, cơ chế sáp nhập hai văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được đặt ra và được thực hiện ở một số tỉnh thành. Do đó, nếu khối văn phòng này được sáp nhập thêm với văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội thì không phải là chuyện bất khả thi đối với đảng.

Nhưng những chi tiết đáng chú ý là báo cáo của Chính phủ chỉ đề nghị Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan, mà không đề cập đến các cơ quan khác như kinh tế, tài chính, tuyên giáo - văn hóa thông tin, nội chính - công an…

Bản báo cáo được xem là “nhạy cảm chính trị” trên của chính phủ lại được chủ động tung ra cho báo chí đăng tải - một động tác hiếm hoi trong thời buổi đảng và chính phủ vẫn còn bung bít rất nhiều tin tức liên quan đến đời sống xã hội.

Bản báo cáo trên chỉ đề cập những khái niệm rất chung chung như “tổ chức”, nội vụ”, “thanh tra”, “kiểm tra”, mà không nêu rõ có phải là hợp nhất giữa Ban Tổ chức trung ương bên đảng với Bộ Nội vụ bên chính phủ hay không; tương tự với Ủy ban kiểm tra trung ương của đảng với Thanh tra chính phủ…

Bởi nếu hợp nhất thì hẳn phải là sáp nhập những cơ quan trên, do khối chính phủ khộng có cơ quan “tổ chức” và cũng chẳng có cơ quan “kiểm tra” nào ngang cấp bộ.

Vậy nếu thực hiện hợp nhất của Ban Tổ chức trung ương với Bộ Nội vụ, Ủy ban kiểm tra trung ương với Thanh tra chính phủ, tên gọi của những cơ quan mới là gì và sẽ thuộc đảng hay chính phủ, sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Nguyễn Xuân Phúc “nắm”? Câu hỏi này lại không được báo cáo của Chính phủ đề cập.

Ban Tổ chức trung ương và Ủy ban kiểm tra trung ương lại là hai cơ quan tham mưu đắc lực của đảng hiện thời, với hai nhân sự được xem là “cánh tay mặt” của Tổng bí thư Trọng là Phạm Minh Chính và Trần Quốc Vượng - đều là ủy viên bộ chính trị. Vai trò của Phạm Minh Chính hiện thời là làm tiếp vai trò của Trưởng ban tổ chức trung ương đời trước là Tô Huy Rứa để giúp ông Trọng tiến hành chiến dịch “luân chuyển cán bộ”, có ý nghĩa “thay máu nhân sự” trong năm nay và ít nhất trong năm 2018. Còn Trần Quốc Vượng vừa là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, vừa được bổ nhiệm một chức vụ chưa có trong từ điển chính trị học của đảng - “thành viên thường trực ban bí thư”, có nhiệm vụ đặc biệt giúp ông Trọng trong chiến dịch “chống tham nhũng” và “kiểm tra tài sản quan chức”.

Thật khó hình dung rằng ông Trọng sẽ chịu để hai cơ quan này rơi vào tầm kiểm soát của chính phủ.

Còn nếu việc sáp nhập những cơ quan trên là để chuyển thẩm quyền kiểm soát về phía đảng, coi như phía chính phủ “mất ghế” và mất luôn cả những quyền lực đặc biệt.


Vì sao “né” những cơ quan khác?


Một câu hỏi khác đặt ra: vì sao báo cáo của chính phủ không đề cập đến việc hợp nhất Ban Kinh tế trung ương với cơ quan kinh tế bên chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Bởi nhiều người đã biết rằng Ban Kinh tế trung ương là cơ quan dễ sáp nhập nhất, do trong lịch sử cơ quan này đã từng bị “nâng lên đặt xuống” nhiều lần và đã từng giải thể, còn lâu nay bị xem là một cơ quan hoàn toàn chẳng có thực quyền gì, chỉ “định hướng” và bị xem là “trà lá nhậu nhẹt”. Huống chi vào thời gian này, Ban Kinh tế trung ương còn bị xem là “lồng nhốt quyền lực” cả Nguyễn Văn Bình trưởng ban lẫn Đinh La Thăng phó ban…

Báo cáo của Chính phủ cũng không đề cập đến việc hợp nhất Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông - nơi mà Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn đã trở thành phó ban Tuyên giáo trung ương từ nửa cuối năm 2016 và do đó hoàn toàn có điều kiện để hợp nhất hai cơ quan làm một.

Hoặc chẳng đề cập gì đến việc hợp nhất Ban Nội chính trung ương - nơi có trưởng ban Phan Đình Trạc xuất thân từ trường C500 chuyên ngành đào tạo an ninh của ngành công an, với Bộ Công an…

Và tại sao không đề nghị hợp nhất Ban Tài chính quản trị trung ương với Bộ Tài chính?


Ông Phúc làm khó ông Trọng?


Cũng trong báo cáo của Chính phủ, có một nội dung khác hẳn với ý đồ của Tổng bí thư Trọng: Chính phủ yêu cầu “hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức lại các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các Đảng ủy Khối: Doanh nghiệp TƯ; cơ quan TƯ và địa phương”.

Trước và trong Hội nghị trung ương 6, nhiều tin tức từ ngoài lề đến công khai cho biết khả năng “chấm dứt vai trò lịch sử” của Ban chỉ đạo “Ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) là cao, đặc biệt trong tình hình các ban chỉ đạo này “ít tác dụng” và bắt ngân sách phải gánh kinh phí quá lớn, thậm chí tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ còn phát sinh nhiều tiêu cực. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6, Tổng bí thư Trọng cũng đề cập đến việc “dẹp” 3 ban chỉ đạo này.

Vậy tại sao phía chính phủ của Thủ tướng Phúc lại đề xuất gần như ngược lại? Mà nếu vậy có nghĩa là chẳng giảm được cơ quan nào. Nếu thực hiện theo đề xuất này, chủ trương “tinh gọn bộ máy” của ông Trọng sẽ bị nguy cơ bị phá sản ngay từ đầu.

Có nhiều dấu hỏi đặc biệt về không chỉ động thái mà còn cả những tính toán nào đó của phía chính phủ khi nêu ra những dề nghị về hợp nhất trong bản báo cáo trên.

Những dấu hỏi trên lại dẫn đến vài câu hỏi không thể tránh khỏi: Thủ tướng Phúc đồng thuận hay khác biệt với Tổng bí thư Trọng về đường hướng tinh gọn bộ máy và nhất thể hóa? Liệu với báo cáo trên, ông Phúc có phải muốn “nắn gân” hay làm khó ông Trọng?

Bối cảnh ra đời bản báo cáo “hành động và kiến tạo” trên của Chính phủ lại là lúc mà Ban bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng liên tục phóng ra hàng loạt quy định về tiêu chuẩn lãnh đạo cao cấp, công khai tài sản quan chức, luân chuyển cán bộ và đặc biệt là nhất thể hóa bí thư và chủ tịch.

Hiện thời, rất nhiều dư luận đang ồn ã về việc nếu cơ chế nhất thể hóa được phóng vào quỹ đạo, sẽ diễn ra một làn sóng theo kiểu “đảng tràn sang chính phủ”. Theo đó, sẽ có nhiều quan chức chính quyền “bỗng dưng” bị luân chuyển đi chỗ khác thấp hơn hoặc “có tiếng không có miếng”, nhường lại ghế cho những quan chức đảng mới tinh khôi đang hừng hực khí thế chiếm quyền và “được cả tiếng lẫn miếng”.

Ngay cả cái ghế thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể bị đe dọa…