Ông Đỗ Công Đương, một người làm truyền thông độc lập, mới bị một tòa án ở tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt 4 năm tù vì “gây rối trật tự công cộng”, luật sư bào chữa Hà Huy Sơn cho VOA biết.
Cũng bị xét xử trong phiên tòa sơ thẩm hôm 17/9 về cùng tội danh với ông Đương, còn có các bị cáo Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Vui. Ba người dân không phải là các nhà hoạt động này phải chịu các mức án lần lượt là 3 năm, 2 năm 4 tháng và 2 năm rưỡi.
Thông tin tóm tắt về vụ án được đưa ra tại tòa cho hay, vào sáng 24/1, ông Đương, 54 tuổi, đã ghi hình một cuộc cưỡng chế đất ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông và 3 người dân phản đối cuộc cưỡng chế bị nhà chức trách bắt trong cùng ngày.
Người dân đã phản đối vì theo lý giải trong bản tóm tắt vụ án do luật sư Sơn lập ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định thu hồi đất “trái thẩm quyền” và “trái luật”.
Vị luật sư bào chữa nói với VOA rằng thân chủ của ông không phạm tội:
“Hành vi của ông chỉ là việc đi chụp ảnh, giám sát việc cơ quan công quyền thực hiện thu hồi đất thôi. Chứ ông không chống người thi hành công vụ, không đồng phạm với ai cả để mà gọi là gây rối trật tự công cộng. Và tại tòa tôi nói rằng là cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng minh hành vi đó của ông Đương”.
Luật sư cho biết thêm những người thuộc phía chính quyền lập luận về bản án dành cho ông Đương “không chỉ căn cứ vào hành vi xảy ra ngày hôm đó” mà còn vì họ cho rằng trước đây ông Đương “hay lên Facebook nói về việc thu hồi đất, gây ảnh hưởng đến nhận thức của người dân”.
Với cách lập luận như vậy, phía chính quyền “cho rằng ông ấy đóng vai trò chính trong vụ án”, theo lời tường thuật lại của luật sư Sơn về phiên tòa.
Giới hoạt động chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho thấy, trong vòng ít nhất từ tháng 1/2017 đến nay, ông Đương đã sử dụng Facebook và một số trang mạng khác để nói về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là ở thị xã Từ Sơn.
Trong khi đó, những trang web của những người thân chính quyền lại cho rằng các bài viết hoặc các đoạn video của ông truyền đi nội dung “không đúng sự thật”, “đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính sách” của đảng và nhà nước, hoặc “kích động quần chúng”.
Luật sư Sơn nhận định về mục đích mà chính quyền nhắm đến khi tuyên bản án 4 năm tù đối với một người làm truyền thông độc lập như ông Đương:
“Theo cách hiểu của tôi, người ta muốn răn đe những người dân người ta cho rằng có ý kiến phản đối lại các chính sách của chính quyền địa phương”.
Thời gian gần đây, tòa án trong tay chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên những bản án nặng dành cho giới đấu tranh.
Chỉ từ tháng 7 đến nay, các tòa án ở các địa phương khác nhau kết án hoặc tuyên y án các ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mục sư Đinh Diêm 16 năm tù, Nguyễn Trung Trực 12 năm tù, và Nguyễn Văn Túc 13 năm tù.