Vấn đề áp lực học hành lại được bàn luận nhiều trên một số trang tin Việt Nam sau khi xuất hiện trên mạng một đoạn video ghi cảnh hai học sinh nam dường như phải ăn cơm hộp khi được chở bằng xe máy trên đường đi học thêm.
Ít nhất hai báo mạng, Dân Trí và Phụ Nữ Online, đã đăng đoạn video dài hơn 20 giây được cho là của một người có tên Chu Chí Khanh ghi lại ở thành phố Hồ Chí Minh và đăng lên trên Facebook cá nhân của anh hôm 21/11.
Anh Khanh đặt tiêu đề cho đoạn video là “Thực trạng ‘ĂN - HỌC’ tại Việt Nam hiện nay!” và chú thích thêm: “Video được quay vào tầm 5h chiều khi tụi nhỏ vừa tan học về, không biết có phải vì bận ‘chạy show học thêm’ tiếp hay không mà ba mẹ lại để 2 đứa nhỏ ăn cơm hộp trong khi đường kẹt xe và bụi bặm như vậy...trông tội quá!”
Chị Hương Mai, 38 tuổi, một người dân ở tp. HCM, nói với VOA rằng cảnh học sinh phải “ăn cơm hay gặm bánh mỳ” trên xe sau lưng ba mẹ trên đường đi học thêm đã có ở thành phố cả 20 năm nay, kể từ khi bản thân chị là một học sinh. Chị cho rằng cả trẻ em lẫn người lớn đều chịu thiệt hại do những áp lực học hành:
“Cái này cho thấy một áp lực học hành quá lớn đối với trẻ em. Ở đây, ở Việt Nam, phải học rất là nặng từ nhỏ, và nhiều em không có thời gian để ăn như đã thấy trong hình. Nhiều em còn không có thời gian để ngủ. Còn cái áp lực học hành, chương trình học quá nặng về toán, lý, hóa và các môn chủ yếu sử dụng não trái. Những đứa trẻ có thiên hướng về não phải không chịu được áp lực học hành đó, dẫn tới phải căng sức hơn bình thường. Cha mẹ cũng phải lo lắng rất là nhiều. Họ cũng mất rất nhiều thời gian thay vì là dùng thời gian đó để nghỉ ngơi hay tái tạo sức lao động”.
Một mặt cho rằng các bậc phụ huynh có một phần lỗi khi luôn muốn con mình giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, nữ nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cũng chỉ ra rằng các giáo viên có một phần vai trò khi học sinh bị quá tải trong việc học.
Từ tp. HCM, nhà giáo 49 tuổi nói với VOA:
“Tất cả những thầy cô giáo đang làm trong ngành giáo dục cũng cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, cũng một phần lỗi trong đó. Vì làm sao để các em đạt điểm thi tốt cho nên là nhiều thày cô giáo cũng tìm cách này cách nọ để dạy luyện thi thêm cho các em nữa. Chúng ta phải xác định lại mục tiêu của giáo dục, thì lúc bấy giờ mới có thể giảm bớt được cái cảnh chạy đua với nhau để mà học tập. Rất đơn giản đó là mục tiêu học để làm người và học để lao động. Còn hiện giờ, chúng ta đang học để giải quyết lượng kiến thức. Khi mà thay đổi mục tiêu giáo dục như vậy, nó phải đi kèm theo là thay đổi cách đánh giá”.
Về cách thức thay đổi phương pháp giáo dục, chị Hương Mai - hiện làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhưng trước đây được đào tạo để trở thành giáo viên ngoại ngữ - nêu ra các gợi ý:
“Nếu mà muốn cải tổ, làm cho tốt hơn, cần phải ngồi lại để tạo ra những chương trình học phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng nhóm tuổi. Ví dụ như tuổi nhỏ, các em không nên học nhiều mà các em nên chơi nhiều để có thời gian ngủ để tăng trưởng chiều cao. Cái thứ hai là chương trình phải phù hợp với từng năng lực, từng khả năng trí não của từng nhóm. Nhóm nào thích tự nhiên phải có chương trình riêng của các em, các chương trình phù hợp với các em có thiên hướng về xã hội, và chương trình học phù hợp với các em có thiên hướng về nghệ thuật. Bộ não của con người không có cân bằng mà thường là sẽ phát triển lệch, thì chúng ta tạo ra một chương trình chống học lệch thì nó rất là phản khoa học”.
Nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên cho biết không chỉ riêng học sinh Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới, vẫn còn tình trạng các em cùng một lứa tuổi vào học cùng một lớp với cùng một cách giảng dạy, cùng một bài kiểm tra, đánh giá, và cùng một yêu cầu đầu ra. Bà cho rằng điều này là phản khoa học.
Ở cương vị hiện nay là chuyên viên của Sở Giáo dục tp. HCM, bà Quyên cho VOA biết thành phố đang tiến hành những thay đổi trong công tác giáo dục để giảm bớt tình trạng kể trên:
“Hiện giờ là đã thay đổi được rồi, mặc dù là chưa hoàn toàn đồng bộ. Bởi vì vẫn còn phải có những quy trình thi cử, đánh giá vẫn có đi theo nếp cũ. Nhưng ở tp. HCM rất nhiều phụ huynh đã hiểu ra mục tiêu giáo dục thực sự tốt nhất cho con mình là gì”.
Từng là một trong 250 người được Microsoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu, bà Quyên lưu ý rằng “trong thế kỷ 21 kỹ năng tư duy sẽ quan trọng hơn kiến thức chúng ta nhận được”.
Bà cho biết tp. HCM sắp tổ chức một cuộc thi để các giáo viên nêu ra hàng nghìn ý tưởng về giảng dạy một cách sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin. Theo bà, sự kiện này cũng là một dịp tốt để các phụ huynh đến và “nhìn thấy con họ bây giờ cần phải học điều gì”.
Your browser doesn’t support HTML5