Đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, cũng là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, xuất hiện những ý kiến của một số nhà giáo và nhà nghiên cứu cho rằng nền giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt Điều 1 của Hiến chương. Họ cũng nhận định sẽ “cực khó” để thay đổi nền giáo dục này.
Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục, mà Việt Nam là một thành viên, đã thông qua bản Hiến chương các Nhà giáo được vào tháng 8/1954 trong một hội nghị ở Moscow.
Điều 1 của Hiến chương viết “Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển các năng lực, chăm lo việc giáo dục và đào tạo trẻ, nhắm mục tiêu không ngừng hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”.
Đánh giá về việc Việt Nam thực hiện điều này ra sao, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội cho rằng hàng chục năm qua, nền giáo dục trong nước vẫn rất “áp đặt”:
“Chỉ có thầy đúng, học sinh không được phép cãi lại. Học sinh không được phép đưa ra ý kiến trái chiều, nếu không thì bị phê bình, bị kỷ luật. Nếu là trẻ em thì còn bị ăn đòn. Đây là một thực trạng rất là phổ biến”.Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
“Chỉ có thầy đúng, học sinh không được phép cãi lại. Học sinh không được phép đưa ra ý kiến trái chiều, nếu không thì bị phê bình, bị kỷ luật. Nếu là trẻ em thì còn bị ăn đòn. Đây là một thực trạng rất là phổ biến”.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, chỉ ra thực tế rằng giảng dạy “theo kiểu một chiều” tồn tại trong suốt các cấp học phổ thông cho đến đại học:
“Thày cô giáo giảng bài, học sinh lắng nghe ghi chép, và học thuộc những bài thày cô đọc cho chép, hoặc là học thuộc trong sách giáo khoa hiện nay nó còn khá phổ biến. Cách học, cách dạy như vậy rõ ràng nó hạn chế sự sáng tạo của học sinh, và nó cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến tính cách của học sinh”.
Nhà giáo nổi tiếng về nhiều lần chống tiêu cực trong ngành giáo dục Đỗ Việt Khoa cho rằng vấn đề không tôn trọng tính cá nhân, độc lập của học sinh ở Việt Nam vừa có nguyên nhân sâu xa là văn hóa phong kiến nhiều đời, vừa do thể chế chính trị hiện tại. Ông nói:
“Mọi công dân Việt Nam cũng đều đang phải sống trong sự áp đặt về lý tưởng, về lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội. Đội ngũ thày cô, bộ máy lãnh đạo và những người quản lý họ không chấp nhận những em học sinh mà họ coi là bề dưới được phép cãi lại bề trên”.
CNXH mà thày Khoa nhắc đến được những người cộng sản Việt Nam du nhập từ Liên Xô thời những năm 1950, sau khi họ làm chủ miền bắc Việt Nam. Đất nước tiếp tục đi theo con đường XHCN kể từ năm 1975, khi hai miền thống nhất, cho đến nay.
Yếu tố thể chế chính trị-xã hội tác động đến giáo dục cũng được nhà xã hội học Khuất Thu Hồng xem là một trong những nguyên nhân chính. Bà phân tích thêm:
“Việc chúng ta học tập, vận dụng những lý thuyết phát triển xã hội của nước ngoài nhiều khi nó còn khá là giáo điều. Chính vì giáo điều nên nó được áp đặt một cách rất cứng nhắc. Thường là không có sự phát triển sáng tạo. Chính vì vậy nó ảnh hưởng rất nhiều đến lối tư duy của học sinh. Các thày cô cũng rất là sợ mình sẽ dạy sai đường lối, cho nên họ cứ áp dụng nguyên những gì họ được chỉ đạo vào trong việc giảng dạy của mình”.
Trong những năm gần đây, trên nhiều diễn đàn, kể cả tại Quốc hội, cũng như trên báo chí, nhiều nhà giáo, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề kể trên và thúc giục cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Nhưng theo thày Khoa, chưa có những cải thiện đáng kể. Nhà giáo này nhận định sẽ “cực khó” để thay đổi nền giáo dục Việt Nam:
“Kể cả giả sử có thay đổi thể chế đi chăng nữa thì cũng hết sức khó vì những tư duy cũ, những thói xấu cũ, cái quyền hành cũ khiến cho nhà giáo họ cũng thấy họ là người có quyền. Mà hễ có quyền thì lộng quyền, lạm quyền. Đấy là một tệ nạn chung, cho nên rất khó để có thể thay đổi được lúc này”.
Từ góc độ nhà nghiên cứu xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng lưu ý đến sức ỳ từ đội ngũ nhân lực ngành giáo dục. Bà nói họ được đào tạo trong rất nhiều thập kỷ theo công thức “giảng dạy một chiều, tầm chương trích cú, cho học sinh ‘học gạo’”, vì vậy, giờ đây không hề dễ dàng để thay đổi.
Nữ tiến sĩ nhận định nếu thay đổi được tư duy giáo dục ở Việt Nam, đó sẽ là một bước tiến rất quan trọng trong cách người Việt Nam nhận thức, nhìn nhận về dân chủ, cũng như về tham gia tranh luận, thảo luận trong xã hội về các ý tưởng, tư tưởng.
Your browser doesn’t support HTML5