Hôm thứ Năm 2/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trên thế giới sau 36 năm cầm quyền, thông báo rằng ông ủng hộ con trai cả của mình là người kế nhiệm tiềm tàng. Động thái này bị nhà lãnh đạo của phe đối lập lớn nhất so với Triều Tiên.
Ông Hun Sen đã chỉ huy cuộc trấn áp trên diện rộng đối với phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông kéo dài từ giai đoạn trước cuộc bầu năm 2018 cho tới nay. Ông từng nói rằng ông dự định cầm quyền cho đến khi cảm thấy cần dừng lại.
Con trai của ông, Hun Manet, 44 tuổi, Phó tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và tham mưu trưởng liên quân, đã tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point năm 1999 và có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol của Anh.
Ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu tại tỉnh duyên hải Preah Sihanouk: “Tôi tuyên bố hôm nay rằng tôi ủng hộ con trai tôi tiếp tục làm thủ tướng, nhưng đó là thông qua một cuộc bầu cử”.
Ông Hun Sen bảo vệ ý tưởng thành lập một triều đại chính trị.
"Ngay cả Nhật Bản cũng có triều đại riêng của họ, như (cựu thủ tướng) Abe chẳng hạn. Ông nội của ông ấy là thủ tướng và ông ấy đã đến thăm Campuchia. Cha của ông Abe là ngoại trưởng và ông Abe là thủ tướng", ông Hun Sen nói.
Nhà lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy cho rằng quyết tâm của ông Hun Sun về việc đưa ông Hun Manet vào chức vụ cao hơn thể hiện nỗi sợ hãi của ông Hun Sen về việc bị mất đi quyền miễn tố khi ông ta không còn có thể lãnh đạo đất nước và nhiệm vụ của Hun Manet sẽ là bảo vệ cha mình.
Trong một email gửi tới Reuters, ông Sam Rainsy nói rằng kế hoạch về người kế vị của ông Hun Sen sẽ thất bại, bởi vì Campuchia không phải là "tài sản riêng" của gia đình nhà Hun, "và cũng không phải là Triều Tiên".
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen nắm quyền từ năm 1979, và hiện họ nắm mọi ghế trong cơ quan lập pháp gồm 125 thành viên sau khi phe đối lập lớn nhất bị giải tán trước cuộc bầu cử năm 2018, phe này bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ.
Các nước phương Tây và các nhóm nhân quyền lâu nay vẫn lên án ông Hun Sen về các cuộc trấn áp những người chống đối, các nhóm dân quyền và giới truyền thông. Vào tháng 6 năm ngoái, ông Hun Sen nói rằng đảng cầm quyền của ông sẽ là lực lượng thống trị nền chính trị trong một thế kỷ, đồng thời nói với phe đối lập rằng họ phải đợi đến kiếp sau nếu họ muốn nắm quyền.