Không lâu sau khi cảnh báo dừng hoạt động kéo dài vì “khó khăn tài chính”, Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn cho biết đã đạt được một thoả thuận tài trợ ngắn hạn để duy trì việc sản xuất bình thường.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Việt Nam đã phải đối mặt với khả năng đóng cửa do bất đồng giữa các cổ đông về việc cấp vốn cho việc nhập dầu thô và trước đó đã cắt giảm sản lượng còn 80% công suất.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 30/1, công ty này cho biết đã “tìm kiếm sự chấp thuận liên quan từ các nhà tài trợ về một đề xuất ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu tài trợ ngay tức thời.” Thông cáo báo chí bằng tiếng Anh còn nói rằng NSRP, tức Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn, chính thức thông báo việc đề xuất ngắn hạn đã được các nhà tài trợ thông qua để giúp công ty này duy trì hoạt động.
Tuần trước, hãng lọc dầu lớn nhất Việt Nam thông báo với một số cơ quan quản lý của nhà nước rằng công ty đang “đối mặt với khó khăn tài chính” nên phải huỷ nhập dầu thô, cũng như có nguy cơ “dừng hoàn toàn hoạt động” của nhà máy Nghi Sơn ở Thanh Hoá từ giữa tháng 2. Trước đó một tuần, hãng đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%.
Petro Vietnam (PVN), một trong 4 bên góp vốn chính cho dự án liên doanh đứng sau nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, lúc đó được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng tổng công ty dầu khí nhà nước Việt Nam đang “nỗ lực đàm phán”, “thuyết phục” và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN.
Nói với VnExpress, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết PVN đã họp và đưa ra một số quyết sách tháo gỡ tài chính để Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được tiếp tục hoạt động thời gian tới.
PVN, nắm 25% cổ phần của NSRP, hôm 28/1 cho biết tập đoàn này đã đồng ý thanh toán sớm theo thoả thuận bao tiêu nhiên liệu, đồng thời nói thêm rằng khoản tài chính này sẽ giúp NSRP cải thiện tính thanh khoản và tiếp tục sản xuất trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc.
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nằm trong khu kinh tế mở Nghi Sơn ở huyện Tĩnh Gia của Thanh Hoá, với công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Được biết, công suất này gần gấp đôi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi.
Giống như Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng đã đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Tháng 9 năm ngoái, Dung Quất phải cắt giảm sản lượng lần thứ 2 trong vòng một tháng, điều chưa từng xảy ra trong suốt 12 năm kể từ khi nhà máy lọc dầu đầu tiên này của Việt Nam đi vào hoạt động. Nhà máy này lúc đó đứng trước nguy cơ đóng cửa do nhu cầu về nhiên liệu trong nước sụt giảm mạnh từ tình trạng phong toả chống dịch.