Nhà nước Hồi giáo vẫn mạnh dù chịu nhiều áp lực tấn công

Các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo IS diễu hành ở Raqqa, phía bắc Syria, 30/6/2014. (Ảnh tư liệu do Trung tâm Truyền thông Raqqa của IS đăng tải)

Gần 10 tháng kể từ khi các cuộc không kích đầu tiên của Mỹ dội bom xuống những mục tiêu Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, nhóm khủng bố này đã hứng chịu những cuộc tấn công dai dẳng, nếu không phải là liên tiếp, trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, chiến dịch làm suy yếu và cuối cùng tiêu diệt nhà nước Caliphate tự tuyên xưng này dường như chẳng có mấy tác dụng ngăn chặn nhóm này và những chiến binh của họ làm lan tỏa nỗi sợ hãi khắp vùng Trung Đông và xa hơn nữa.

"ISIL vẫn là một lực lượng hùng mạnh," một quan chức tình báo Mỹ nói với VOA, sử dụng một từ viết tắt để chỉ nhóm này. "Những người này biết làm thế nào để lợi dụng những cục diện an ninh và gieo nỗi sợ hãi vào tim kẻ địch của họ."

Có lẽ không nơi nào mà năng lực này thể hiện rõ hơn là ở Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq. Những chiến binh IS chiếm thành phố này vào tuần trước, dù ở trong thế bị áp đảo về quân số, bằng cách sử dụng một loạt những thiết bị nổ chất lên xe để hăm dọa lực lượng an ninh Iraq phải rút lui.

Các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận việc Ramadi thất thủ là đáng lo ngại, nhưng họ cũng nói không nên xem sự kiện này là bất kỳ phán quyết nào về những nỗ lực lớn hơn nhằm làm suy yếu năng lực của Nhà nước Hồi giáo.

"Những trở ngại trên chiến trường và áp lực của Liên minh và những đối thủ khác đã buộc nhóm này phải điều chỉnh chiến thuật của mình," quan chức tình báo Mỹ này cho biết, nói thêm rằng việc này "buộc ISIL phải tập trung vào những mục tiêu cơ hội, thay vì chiếm đất như họ làm hồi năm ngoái."

Các quan chức quân sự cao cấp cũng chỉ ra rằng Nhà nước Hồi giáo dường như tập trung phần lớn vào những chiến thắng quân sự mà có thể nhanh chóng biến thành tuyên truyền, và nói rằng nhóm này có thể không có khả năng thực hiện những cuộc chinh phục như Ramadi, nếu đó thậm chí là một phần của kế hoạch.

"Rõ ràng đây là một nhóm đang trên đà đi xuống," ông Daveed Gartenstein-Ross, một nhà nghiên cứu cao cấp của Quỹ Bảo vệ những nền Dân chủ, nói. "Họ vẫn vô cùng nguy hiểm, nhưng họ đang ngày càng gặp khó khăn trong việc chiếm và giữ lãnh thổ."

Các quan chức Ngũ Giác Đài nói rằng kể từ khi các cuộc không kích bắt đầu hồi tháng 8, Nhà nước Hồi giáo đã mất quyền kiểm soát ít nhất là 13.000 km vuông, không thể di chuyển tự do trong một diện tích lên đến một phần ba khu vực mà họ từng nắm giữ. Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng nhóm khủng bố này không chỉ đơn thuần là một lực lượng "hùng mạnh."

"Mỹ đang liên tục đánh giá thấp Nhà nước Hồi giáo," ông Michael Rubin, một cựu quan chức Ngũ Giác Đài hiện đang làm việc với Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết. "Họ chắc chắn không bị suy yếu và chắc chắn không bị tiêu diệt."

Kể từ ngày 8 tháng 8 năm ngoái, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện hơn 4.100 cuộc không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, gây hư hại hoặc phá hủy hơn 6.200 mục tiêu. Và trong một cuộc phỏng vấn với đài Al Arabiya, Đại sứ Mỹ tại Iraq Stuart Jones hồi tháng 1 cho biết hơn 6.000 chiến binh, trong đó có những chỉ huy hàng đầu, đã bị tiêu diệt.

Hình ảnh từ một video do cơ quan Chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ cung cấp cho thấy một tòa nhà tại một cứ điểm của IS gần thị trấn Ar Raqqah, Syria, bị phá hủy, sau một trận không kích nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo, 23/9/2014.

Dựa trên những ước tính tình báo của Mỹ vào lúc đó, cho biết quân số của Nhà nước Hồi giáo ở vào khoảng 20.000 và 31.500 chiến binh, thì con số tử vong nói trên lẽ ra phải làm tiêu hao sinh lực của nhóm này. Nhưng không phải vậy.

"Về mặt hoạt động, tôi thấy không có bằng chứng cho thấy những con số này là chính xác," theo ông Thomas Joscelyn, chủ biên của trang tin The Long War Journal. "Nhà nước Hồi giáo đã không mất 20-30 phần trăm khả năng hoạt động của mình tính tới tháng 1 2015. Đến giờ vẫn chưa."

"Trong khi hàng ngàn chiến binh và thủ lĩnh đã bị hạ sát kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích vào năm ngoái, quân số của Nhà nước Hồi giáo đã không giảm đi đáng kể," ông nói.

Một lý do là ước tính tình báo của Mỹ về sức mạnh của lực lượng Nhà nước Hồi giáo có thể quá thấp. Các quan chức tình báo thừa nhận ước tính của họ chưa sát thực tế. Nhưng một số nhà phân tích đã chỉ trích những con số này là quá thấp.

Ông Joscelyn cho biết ngay cả hiện tại, số lượng chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria "dễ ở tầm khoảng chục ngàn," bao gồm một tập hợp những chiến binh thánh chiến địa phương, những người từng theo đảng Baath, những người bị trưng binh và chiến binh nước ngoài.

Những người khác đưa ra con số 50.000 chiến binh. Một số cựu quan chức thậm chí còn cho rằng Nhà nước Hồi giáo có thể có tới 100.000 chiến binh trong tay.

Quân số của Nhà nước Hồi giáo được củng cố nhờ dòng chiến binh nước ngoài đổ vào ổn định. Mặc dù các báo cáo của một số tổ chức nhân quyền cho biết số lượng chiến binh nước ngoài mới đã giảm đi, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói với VOA rằng nhóm này tiếp tục bổ sung vào hàng ngũ của mình trung bình khoảng 100 chiến binh nước ngoài mới mỗi tháng.

Ngay cả con số này có thể vẫn còn thấp.

"ISIL dường như đang tuyển mộ 1.000 lính mới mỗi tháng từ khoảng 100 nước để vào chiến đấu ở Iraq và Syria," theo ông Michael O'Hanlon, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Brookings. "Chúng ta không thực sự biết có bao nhiêu chiến binh bên trong ISIL."

Dù quân số là bao nhiêu đi nữa, các giới chức quân sự cho biết Nhà nước Hồi giáo vẫn còn đủ lớn để hoạt động hữu hiệu.

Ông Thomas Joscelyn của trang tin The Long War Journal cảnh báo rốt cuộc thì quân số có thể sẽ không còn quan trọng đối với ngay cả những chỉ huy của Nhà nước Hồi giáo.

"Nhà nước Hồi giáo thành công không phải bằng cách áp đảo kẻ thù của mình bằng số lượng lớn, mà bằng cách sử dụng những chiến thuật quân sự tinh vi và vũ khí được cải tiến," ông nói.