Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã qua đời sáng sớm thứ hai, thọ 91 tuổi. Ông là nhà lãnh đạo đảo quốc Singapore từ năm 1959 đến 1990, nhưng vẫn là một nhân vật nhiều ảnh hưởng và một chiến lược gia về kinh tế của đảo quốc này.
Ông Lý phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Singapore vào đầu tháng Hai vì bị viêm phổi nặng, và sau đó được sử dụng thiết bị hỗ trợ sự sống.
Ông “Harry” Lý Quang Diệu, thuộc thế hệ thứ 4 ở Singapore, tổ tiên di cư từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào thập niên 1960, đóng một vai trò chính trong việc hướng đảo quốc này trong thời hậu thuộc địa đến thành công kinh tế.
Là người sống sót trong thời Quân đội Nhật Bản chiếm đóng Singapore, ông Lý theo học kinh tế học ở London sau chiến tranh và tốt nghiệp về luật tại Đại học Cambridge.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 1954 với việc thành lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP), một liên minh giữa thành phần trung lưu và các thành viên công đoàn thân cộng. Năm 1955 ông Lý là lãnh đạo đối lập trong viện lập pháp. Tuy nhiên sự rạn nứt nội bộ đảng PAP với cánh thiên tả của đảng dẫn đến việc các thành viên thân cộng bị bắt năm 1957.
Đảng PAP giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm 1959, và ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore, chức vụ mà ông nắm giữ đến năm 1990 trước khi trở thành bộ trưởng cao cấp.
Ông Carl Thayer, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia nói rằng ông Lý là cột trụ cho tương lai dài lâu của Singapore. Ông nói:
“Không thể nói câu chuyện về nước Singapore thời hiện đại mà không nhắc đến ông Lý Quang Diệu. Ông ấy đưa nước này từ chế độ cai trị thuộc địa đến nền độc lập. Ông ấy đánh bật những thách thức từ thành phần tả khuynh xã hội chủ nghĩa và rồi ông ấy thống lĩnh chính trường.”
Ông Lý đã phải đương đầu với những thách thức chính trị trong vai trò thủ tướng. Một mục tiêu khởi đầu là thành lập một Liên bang Malaysia kết hợp Singapore, Malaysia, Sabah và Sarawak lại với nhau.
Tuy nhiên không bao lâu sau đó những bất đồng phát sinh giữa Thủ tướng Tunku Abdul Rahman của Malaysia và ông Lý, nhất là sau các vụ bạo loạn sắc tộc giữa người Trung Quốc và người Hồi giáo vào năm 1964 và một lần nữa vào năm 1965. Và vào ngày 9 tháng 8 năm 1965 ông Abdul Rahman yêu cầu tách ra. Ông Rahman nói:
“Đã có những dị biệt giữa chính phủ trung ương và nhà lãnh đạo chính phủ Singapore. Và những điểm khác biệt này có quá nhiều hình thức và quá nhiều loại đến nổi không thể giải quyết chúng và chúng tôi quyết định tách ra.”
Các sử gia nói rằng ông Lý phản đối ông Abdul Rahman về sự ưu đãi đối với người Malaysia địa phương hơn sắc tộc Trung Quốc. Ông Lý rất lo âu với tin về sự tách rời này. Ông nói:
“Ông thấy đó trong suốt thời gian trưởng thành tôi tin vào sự hợp nhất và thống nhất của 2 lãnh thổ này. Ông biết đó có sự kết nối về địa lý và quan hệ thân tộc …Ông có phiền không nếu chúng ta ngưng lại trong một thời gian.”
Ở tuổi 42 ông Lý đã thành nhà lãnh đạo duy nhất của Singapore, nỗ lực tăng trưởng kinh tế để xây dựng nền Cộng hoà và thúc đẩy thống nhất. Ông nói, “Tôi không có mặt ở đây để chơi trò chơi của người khác. Tôi phải lo cho cuộc sống của mấy triệu người và Singapore sẽ tồn tại.”
Các nhà phân tích nói rằng thế mạnh của ông Lý nằm ở chỗ ông đề ra các tiêu chuẩn và mục tiêu, đó là một “nhà tư tưởng chiến lược”, phát huy được nguồn lực quý giá nhất của Singapore: người dân của lãnh thổ này.
Nối tiếp theo là đầu tư nước ngoài. Với mức tăng trưởng kinh tế thường gần 10% trong hàng thập niên, ông Lý đã giúp xác định một mô hình phát triển chủ nghĩa tư bản cũng như được chấp nhận là một trong các “Con hổ châu Á” trong đó Hong Kông Đài Loan, và Nam Triều Tiên.
Khi đất nước công nghiệp hóa, Singapore vươn lên như một nước hiện đại, ông Michael Barr, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Flinders ở Nam Úc nói:
“Tôi nghĩ, một trong những thành tựu lớn nhất của ông Lý Quang Diệu, cái di sản tích cực của ông – là cách mà ông nhận ra và xây dựng những lợi thế tự nhiên của Singapore – và khai thác chúng một cách xuất sắc .”
Singapore trở thành một hải cảng nhộn nhịp nhất thế giới và chỉ gần đây mới bị Thượng Hải lấn át. Đầu tư đổ vào ngành lọc dầu, phát triển như một trung tâm vận chuyển vùng, hàng không quốc gia nổi tiếng trên thế giới và khu vực ngân hàng như một phần rquan trọng của các thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Barr nói ông Lý cũng đưa giới quản trị quan trọng lại với nhau có thể vạch ra tương lai phát triển của Singapore.
“Ông ấy đưa giới lãnh đạo chính trị nghiêm túc và khối chính trị tạo thành một nhóm người đầy ý chí và óc sáng tạo và các nhà quản trị có khả năng. Và không có tài lãnh đạo chính trị của ông sẽ không thể thành lập một quyền lãnh đạo chính trị mà họ đã có thể làm.”
Cách tiếp cận đối với hoạt động chính trị và các đối thủ cứng rắn của ông Lý cũng đã dẫn đến tiếng tăm về “sự độc đoán.” Việc áp dụng Đạo luật An ninh Nội địa (ISA) của chính phủ nhắm vào các đối thủ và những người chỉ trích, được dùng để bắt giữ các chính trị gia, các nhà hoạt động và các thành viên công đoàn .
Năm 1963, 100 người bị bắt trong đó có cựu biên tập nhật báo ông Said Zahari. Ông bị giam 17 năm mà không đưa ra xét xử. Năm 1987, 22 người gồm giới chức giáo hội Thiên Chúa giáo, các nhà hoạt động xã hội và các chuyên gia bị câu lưu, với cáo buộc âm mưu tả khuynh. Trước sự chỉ trích của truyền thống địa phương và nước ngoài, ông Lý đã kiện các hãng truyền thông. Nhưng ông không biện giải cho lập trường cứng rắn của ông. Ông nói:
“Bất cứ ai lãnh đạo Singapore phải có tính cứng rắn bằng không sẽ bỏ cuộc. Đây không phải là một canh bạc. Đây là đời sống của anh và của tôi. Tôi đã trải qua cả cuộc đời để xây dựng nó và chừng nào mà tôi còn đảm đương trách vụ này không ai hạ nó được.”
Singapore vẫn còn là một đất nước kiểm soát chặt chẽ tự do ngôn luận. Năm 2014 Phúc trình Tự do Báo chí của nhóm Phóng viên Không Biên giới xếp Singapore vào số những nước thấp nhất ở Đông Nam Á về tự do báo chí sau Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Indonesia.