Tổng giám mục Paris Laurent Ulrich gõ cửa Nhà thờ Đức Bà ba lần bằng gậy mục tử, và một bài thánh ca được xướng lên bên trong để đáp lại, tại một buổi lễ vào ngày thứ Bảy đánh dấu sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris mới được trùng tu mở cửa trở lại.
Vài phút trước đó, chuông của nhà thờ đã vang lên và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón các vị quan khách, bao gồm Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, năm năm rưỡi sau một trận hỏa hoạn lớn khiến tòa nhà 860 năm tuổi này gần như sụp đổ.
"Chúng ta ở đây. Cả thế giới đang dõi theo chúng ta. Hãy mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà," ông Macron nói trên mạng xã hội X.
Nhà thờ Đức Bà đã được trùng tu tỉ mỉ, với một chóp tháp và gân cung vòm mới, các trụ tường chống đỡ và các tượng đầu thú bằng đá chạm khắc đã được trả lại vẻ tráng lệ thuở trước và các trang trí bằng đá trắng và vàng một lần nữa tỏa sáng rực rỡ.
Mời ông Trump tham dự và tổ chức một cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Điện Élysée trước lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà là một thắng lợi ngoại giao đối với ông Macron khi ông đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trong nước sau khi quốc hội phế truất thủ tướng của ông.
Ông Trump bắt tay Hoàng tử William của Anh và các nguyên thủ quốc gia và chính phủ khi ông tiến đến phía trước nhà thờ. Ông ngồi cạnh ông Macron ở hàng ghế đầu.
Trước đó, các vị khách đứng dậy và vỗ tay khi ông Zelenskyy bước vào nhà thờ.
Tỷ phú hãng Tesla Elon Musk, một cố vấn thân cận trong đội ngũ chuyển giao chính quyền của ông Trump, cũng tham dự, cũng như Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và các cựu tổng thống Pháp François Hollande và Nicolas Sarkozy.
Vào chiều tối ngày 15 tháng 4 năm 2019, người dân Paris bàng hoàng đổ xô đến hiện trường và khán giả truyền hình trên toàn thế giới kinh hoàng theo dõi ngọn lửa bùng cháy dữ dội bên trong nhà thờ.
"Hành tinh đã rung chuyển vào ngày hôm đó," ông Macron phát biểu trước sự kiện diễn ra vào ngày thứ Bảy. "Cú sốc khi mở cửa trở lại - tôi tin và tôi muốn tin - sẽ mạnh mẽ như cú sốc của đám cháy, nhưng đó sẽ là cú sốc của hi vọng."
Du khách muốn đến tham quan có thể đặt vé miễn phí trực tuyến trên website của Nhà thờ. Nhưng vào thứ Bảy, ngày đầu tiên có thể đặt vé cho những ngày tới, tất cả vé đã hết, một thông báo trên website nói.
Các chuyến thăm theo nhóm sẽ được cho phép vào năm sau - từ ngày 1 tháng 2 đối với các nhóm tôn giáo hoặc từ ngày 9 tháng 6 đối với du khách có hướng dẫn viên. Giáo hội Công giáo hi vọng nhà thờ sẽ đón 15 triệu du khách mỗi năm.
Hàng ngàn chuyên viên - từ thợ mộc và thợ xây đến nghệ nhân cửa sổ kính màu - đã làm việc suốt ngày đêm trong năm năm qua, sử dụng các phương pháp lâu đời để phục hồi, sửa chữa hoặc thay thế mọi thứ đã bị phá hủy hoặc hư hỏng.
"Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là một công trình của Paris hay Pháp. Đây còn là một công trình mang tính toàn cầu," nhà sử học Damien Berne nói.
"Đây là một địa danh, một biểu tượng, một điểm tham chiếu giúp trấn an trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mọi thứ không ngừng tiến triển," ông Berne, một thành viên của hội đồng khoa học về công tác trùng tu, nói.
Viên đá đầu tiên của nhà thờ được đặt vào năm 1163 và quá trình xây dựng tiếp tục trong phần lớn những thế kỉ tiếp theo, với các đợt trùng tu và bổ sung lớn được thực hiện vào thế kỷ 17 và 18.
Victor Hugo đã giúp biến nhà thờ trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp khi ông sử dụng nơi đây làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết "Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris" năm 1831 của mình. Quasimodo, nhân vật chính, đã được khắc họa trong các bộ phim Hollywood, một bộ phim hoạt hình chuyển thể của Disney và trong các vở nhạc kịch.
Rất nhiều tiền đổ vào để trùng tu từ khắp nơi trên thế giới - hơn 840 triệu euro (880 triệu đôla), theo văn phòng của ông Macron – và vẫn còn tiền để đầu tư thêm vào tòa thánh đường.