Ông Võ Văn Ái, một nhà thơ và nhà tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, vừa qua đời ở Pháp hôm 26/1, hưởng thọ 88 tuổi, theo tin từ gia đình ông.
Ông Võ Văn Ái và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam do ông sáng lập (VCHR) tường thuật đều đặn về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam cho Liên Hợp Quốc từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa vào những năm ở thập niên 1980. Tiếng nói của ông vươn đến Quốc hội Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu và tại các hội nghị nhân quyền, dân chủ trên thế giới.
Từ Paris, bà Ỷ Lan, vợ của ông Võ Văn Ái, cho VOA biết về sự nghiệp tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam của chồng bà:
“Anh thấy rằng Việt Nam dưới chế độ Cộng sản thiếu tiếng nói để nói cho thế giới biết về chuyện đàn áp nhân quyền, thiếu dân chủ trong nước…anh cảm thấy rằng phải lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế thành ra chúng tôi lập Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam.
“Là Phó chủ tịch của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, mỗi năm anh có quy chế lên tiếng tại diễn đàn LHQ về tình trạng nhân quyền Việt Nam, chúng tôi cho họ biết sự thật…về những đàn áp, bắt bớ.. Anh cũng thường xuyên điều trần trong Quốc hội Hoa Kỳ về tù nhân tại Việt Nam, về vấn đề tự do tôn giáo…”
Bà Ỷ Lan, người vừa kết hôn với ông Ái vào năm ngoái, cho VOA biết thêm rằng bà sẽ tiếp tục công cuộc tranh đấu của chồng:
“Chúng tôi vẫn có Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và vẫ sẽ lên tiếng trên mạng quốc tế. Dù anh ra đi rất sớm và bất ngờ, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm công việc đó để tưởng niệm anh, để anh thấy tiếng nói của anh vẫn tiếp tục dù anh không còn trên trái đất này nữa, anh vẫn lo lắng cho đất nước Việt Nam và mình phải tiếp tục nhiệm vụ của anh”.
Ông Võ Văn Ái còn được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà thơ qua bút hiệu Thi Vũ và là một nhà sử học. Ngoài nhiều bài viết và báo cáo nhân quyền, các tác phẩm của ông bao gồm 17 tập thơ, tiểu luận và triết học, cũng như các bài viết nghiên cứu về Phật giáo và lịch sử Việt Nam.
Từ Sacramento, bang California, Hoa Kỳ, ông Trần Kiêm Đòan, một thành viên của Gia đình Phật giáo Việt Nam, nêu nhận về sự nghiệp của ông Ái:
“Nói đến cuộc đời của ông Võ Văn Ái, ông là một người hết lòng muốn tranh đấu cho quê hương, cho dân tộc, cho sự tự do, dân chủ…Ông Võ Văn Ái xứng đáng là một nhà thơ, một Thi Vũ!”.
“Ông Võ Văn Ái đã làm suốt cuộc đời mình để tranh đấu cho những vấn đề của Việt Nam, nhưng tiếc thay trong vấn đề ông đi có những cái như phương thức hành động hay cái nhìn, hay cái hướng đi của ông có vẻ vừa cô độc, vừa có cái gì tách rời khỏi thực tế”.
Sinh năm 1938 tại miền Trung Việt Nam, ông Võ Văn Ái sang Pháp du học vào năm 1953. Đến năm 1964, ông trở thành đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại hải ngoại, và hoạt động tích cực trong đường lối bất bạo động, tuy nhiên vai trò này của ông về sau bị một số người chỉ trích vì đã can thiệp quá sâu vào tổ chức này.
Sau năm 1975, ông Võ Văn Ái đóng vai trò tiên phong trên trường quốc tế để nói lên thảm trạng nhân quyền, đàn áp tôn giáo, tù nhân Cải tạo và người Vượt Biển, được báo chí Âu Mỹ đăng tải như những thông tin duy nhất thời bấy giờ, theo trang Quê Mẹ.
Năm 2011, ông Võ Văn Ái được tổ chức Società Libera trao tặng “Giải đặc biệt Quốc tế về Tự Do” cho quá trình lâu đời ông phục vụ cho tự do và nhân quyền.
Báo Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam từng tố cáo chiến dịch “Chuyển lửa về quê nhà” của ông Ái mà theo đó cáo buộc ông phát tài liệu “Đề nghị dân chủ cho Việt Nam”, cũng như lên án việc ông vận động các “nhóm phản động người Việt ở nước ngoài” nhằm “lên án, bịa đặt” về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.