Cơ quan Liên hiệp quốc chuyên trách về người tị nạn Palestine (UNRWA) đã sa thải một số nhân viên ở Gaza bị tình nghi tham gia cuộc đột kích của Hamas và các phần tử hiếu chiến khác tấn công miền nam Israel hôm 7/10/2023, giám đốc cơ quan này cho biết hôm 26/1, khiến Hoa Kỳ - nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA - tạm thời ngừng tài trợ.
UNRWA là cơ quan chính cung cấp viện trợ cho cư dân Gaza trong bối cảnh thảm họa nhân đạo vì cuộc tấn công của Israel trả đũa Hamas ở Gaza. Các quan chức UNRWA không bình luận về tác động của việc Mỹ ngừng tài trợ đối với hoạt động của tổ chức này.
Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini cho biết đã chấm dứt hợp đồng với “một số” nhân viên và ra lệnh điều tra sau khi Israel cung cấp thông tin cáo buộc những người này đóng vai trò trong vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói đã có cáo buộc chống lại 12 nhân viên. UNRWA có 13.000 nhân viên ở Gaza, hầu hết đều là người Palestine, từ giáo viên trong các trường học mà cơ quan này điều hành đến bác sĩ, nhân viên y tế và nhân viên cứu trợ.
Trong một tuyên bố, ông Lazzarini gọi những cáo buộc này là “gây sốc” và cho biết bất kỳ nhân viên nào “liên quan đến các hành động khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc bị truy tố hình sự”.
Ông không nói rõ vai trò bị cáo buộc của các nhân viên trong các vụ tấn công là gì. Trong cuộc tấn công bất ngờ chưa từng có, các chiến binh Hamas đã vượt qua hàng rào an ninh xung quanh Gaza và xông vào các cộng đồng Israel gần đó, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt cóc khoảng 250 người. Các phần tử hiếu chiến khác cũng tham gia vào cuộc tàn sát.
Ông Lazzarini nói: “UNRWA nhắc lại sự lên án của mình bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đối với các cuộc tấn công ghê tởm ngày 7/10/2023” và kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin Israel.
Bộ Y tế Gaza cho biết kể từ khi chiến tranh bắt đầu, 26.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 64.400 người khác bị thương. Bộ không phân biệt giữa các chiến binh và dân thường trong số thương vong. Hơn 150 nhân viên UNRWA nằm trong số những người thiệt mạng - con số cao nhất mà tổ chức thế giới phải gánh chịu trong một cuộc xung đột - và một số nơi trú ẩn của Liên hiệp quốc đã bị tấn công trong các cuộc ném bom.
Hơn 1,7 triệu trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh – với hàng trăm nghìn người trong số họ chen chúc vào các trường học và những nơi trú ẩn khác do UNRWA điều hành.
Việc Israel gần như phong tỏa hoàn toàn Gaza đã khiến gần như toàn bộ cư dân Gaza phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế nhỏ giọt có thể vào lãnh thổ này mỗi ngày. Các quan chức Liên hiệp quốc cho biết khoảng một phần tư dân số hiện đang phải đối mặt với nạn đói.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói họ “vô cùng lo lắng” trước những cáo buộc nhắm vào các nhân viên UNRWA và đã tạm thời tạm dừng tài trợ bổ sung cho cơ quan này. Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA, cung cấp cho cơ quan này 340 triệu đô la vào năm 2022 và vài trăm triệu đô la vào năm 2023.
Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres, cho biết một cuộc đánh giá độc lập “khẩn cấp và toàn diện” về cơ quan này sẽ được tiến hành.
UNRWA được thành lập để chăm sóc cho hàng triệu người Palestine trên khắp Trung Đông mà gia đình họ phải chạy trốn hoặc bị buộc phải rời khỏi các tài sản bên trong lãnh thổ Israel trong cuộc chiến xung quanh việc thành lập nước Israel vào năm 1948. Israel từ chối đưa những người tị nạn trở về vùng đất cũ của họ.
Các quan chức Israel và các đồng minh - kể cả các đồng minh trong Quốc hội Hoa Kỳ - thường xuyên cáo buộc rằng UNRWA cho phép giảng dạy các hoạt động kích động chống Israel trong hàng trăm trường học của mình và một số nhân viên của tổ chức này hợp tác với Hamas. Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump đã đình chỉ tài trợ cho cơ quan này vào năm 2018, nhưng Tổng thống Joe Biden đã khôi phục lại khoản tài trợ này.
Những người ủng hộ UNRWA nói rằng những cáo buộc vừa kể nhằm làm hạ giảm vấn đề về người tị nạn kéo dài lâu nay. Tuần trước, ông Lazzarini cho biết ông sẽ chỉ định một thực thể độc lập để xem xét các tuyên bố - cả “điều gì là đúng hay không đúng sự thật” và “điều gì có động cơ chính trị”. Ông cũng cho biết những cáo buộc đang làm tổn hại đến hoạt động vốn đã căng thẳng của cơ quan.
Hàng nghìn người Palestine đã chạy trốn khỏi thành phố Khan Younis phía nam Gaza hôm 26/1 khi giao tranh giữa các phần tử hiếu chiến Hamas và lực lượng Israel ngày càng gia tăng. Các gia đình được nhìn thấy đổ bộ xuống các con đường, mang theo tài sản trong lúc khói bốc lên nghi ngút phía trên.
Cũng hôm 26/1, quân đội Israel đã ra lệnh cho cư dân của ba khu phố Khan Younis và trại tị nạn trong thành phố sơ tán đến khu vực ven biển. Quân đội cho biết họ đang tham gia cận chiến trong đô thị với các chiến binh Hamas xung quanh thành phố.
Trại Khan Younis, giống như những trại khác ở Gaza, ban đầu là nơi định cư của những người Palestine chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà trong cuộc chiến năm 1948 xung quanh việc thành lập Israel và từ đó được xây dựng thành một quận đô thị hóa. Lãnh đạo Hamas ở Gaza, Yehya Sinwar, và chỉ huy cánh quân sự của nhóm, Mohammed Deif, cả hai đều sống trong trại tị nạn Khan Younis.
Tại trung tâm Gaza, một trọng tâm khác trong cuộc tấn công của Israel hiện nay, các cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn đô thị Nuseirat đêm qua đã giết chết ít nhất 15 người, trong đó có một em bé 5 tháng tuổi, một nhà báo AP tại bệnh viện tiếp nhận thương vong cho biết.
Giao tranh dữ dội tiếp diễn trong lúc tòa án tối cao của Liên hiệp quốc ngày 26/1 ra lệnh cho Israel làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn cái chết, sự tàn phá và bất kỳ hành động diệt chủng nào ở Gaza. Nhưng Tòa án Công lý Quốc tế không ra lệnh cho Israel chấm dứt cuộc tấn công quân sự. Nam Phi đã cáo buộc Israel tội diệt chủng và tòa án đã bác yêu cầu của Israel đòi hủy vụ kiện.
Các nhóm viện trợ đã gặp khó khăn trong việc đưa thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác đến phía bắc Gaza, nơi mà cuộc tấn công trên bộ của Israel nhắm vào mục tiêu đầu tiên và là nơi Israel cho biết hiện họ đã kiểm soát phần lớn.
Anh Uday Samir, 23 tuổi, một người dân thành phố Gaza, cho biết nhiều loại thực phẩm cơ bản như bột mì, đậu lăng và gạo hiện không thể tìm thấy trên toàn thành phố.
Anh Samir nói: “Bây giờ những gì có sẵn là thức ăn chăn nuôi.” “Chúng tôi xay ra và nướng ăn.”
Tất cả nguồn cung cấp đều vào Gaza ở phía nam, thông qua cửa khẩu biên giới Rafah do Ai Cập kiểm soát hoặc cửa khẩu Kerem Shalom của Israel. Các nhóm viện trợ cho biết giao tranh và các lệnh hạn chế của Israel đã khiến việc vận chuyển hàng đến miền bắc gặp khó khăn. Khi các đoàn xe di chuyển về phía bắc, nguồn cung cấp viện trợ thường bị người Palestine đói khát cướp mất trước khi xe đến đích.