Các công ty vũ khí toàn cầu đổ xô tới Nhật Bản giữa lúc nước này đang chuẩn bị kế hoạch để sắm hàng tỷ đô la thiết bị quân sự Mỹ, gồm ít nhất 40 chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Lockheed Martin, ước lượng trị giá 4 tỷ đô la.
Theo dự kiến, những chiếc F-35 mới mua của hãng Lockheed Martin cộng với 42 chiếc trong một đơn đặt hàng trước đó, sẽ thay thế 100 máy bay chiến đấu F-15 cũ.
Thương vụ mua vũ khí mới sẽ giúp Nhật Bản sở hữu khoảng 100 máy bay chiến đấu tàng hình, bao gồm một số loại máy bay B có khả năng cất cánh/hạ cánh thẳng đứng, và do đó có thể hoạt động từ tàu sân bay trực thăng, nhằm tăng thêm lợi thế cho Nhật Bản trên vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc ở phía Đông Nhật Bản.
Một nguồn tin hiểu biết về kế hoạch 5 năm của Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ sắm thêm “khoảng 40 máy bay mới”.
Theo nguồn tin này thì một báo cáo đăng trên nhật báo kinh tế Nikkei hôm thứ Ba nói rằng Nhật Bản sẽ sắm 100 chiếc F-35 là không thực tế mà chỉ phản ánh một "ước vọng".
Kế hoạch mua vũ khí sẽ được công bố vào tháng 12 cùng với một bạch thư nêu lên những mục tiêu quốc phòng của Nhật Bản, dự kiến Nhật sẽ tăng tốc chi tiêu quốc phòng mà hiện đã đẩy Nhật vượt giới hạn tự áp đặt là 1% tổng sản phẩm quốc nội.
Bất chấp hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, và ngay cả ở mức 1%, Nhật Bản đã được xếp hạng là một trong những nước có chi tiêu quân sự cao nhất thế giới.
Nhật Bản đang tăng cường phòng thủ chống tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên với hai khẩu đội phòng thủ tên lửa đặt trên mặt đất (Aegis Ashore) của hãng Lockheed Martin.
Tokyo còn muốn xây dựng một quân đội được trang bị với máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa tầm xa và máy bay không người lái, cũng như tàu và máy bay để vận chuyển binh lính tới hiện trường dọc theo một quần đảo trải dài tới gần Đài Loan.
Trong năm bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ vận động để tăng chi tiêu quốc phòng 2,1% lên tới 5,3 nghìn tỷ yên, tương đương với 46,54 tỷ USD. Đây sẽ là năm thứ bảy liên tiếp Nhật tăng chi tiêu quốc phòng.
Kế hoạch chi tiêu này đã thu hút các nhà thầu quốc phòng nước ngoài tới dự Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế trong tuần này ở Tokyo.
Các nhà thầu Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch chi tiêu của Nhật Bản và việc mua thiết bị quân sự Mỹ giúp Nhật Bản xoa dịu những chỉ trích của Tổng thống Donald Trump về mức thặng dư thương mại của Nhật. Ông Trump đã từng đe dọa sẽ tăng thuế quan đánh trên xe hơi Nhật.
Doanh số bán vũ khí cho các chính phủ nước ngoài của Hoa Kỳ tăng 13% lên 192,3 tỷ đô la trong năm kết thúc vào ngày 30/ 9/2018, Bộ Ngoại giao cho biết trong tháng này.
Nhật Bản và Hoa Kỳ gắn kết với nhau dựa trên một hiệp ước an ninh song phương, theo đó Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải bảo vệ nước Nhật, và hiện Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất và có lợi nhất đối với Hoa Kỳ.