Nhật Ngân, ‘chỉ bên Mẹ là mùa Xuân thôi’

Nhạc Xuân tha thiết, nghe trong những dịp Xuân về hay lúc nào cũng bồi hồi, xúc động phải kể đến nhạc sĩ Nhật Ngân. Hình minh họa.

Đinh Yên Thảo

"Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang..."

Không ít nhạc sĩ sáng tác nhạc Xuân và những bản nhạc ngày Xuân rất hay. Nhưng nhạc Xuân tha thiết, nghe trong những dịp Xuân về hay lúc nào cũng bồi hồi, xúc động phải kể đến nhạc sĩ Nhật Ngân. Bởi nhạc Xuân của ông là lời tâm sự với Mẹ, là nỗi nhớ Mẹ. Mà có mấy ai không xúc động khi nghe nhắc về Mẹ?

Bản nhạc "Mùa Xuân của Mẹ" bên trên được nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác chung với nhạc sĩ Trần Trịnh, là chồng của ca sĩ Mai Lệ Huyền, vào năm 1969 dưới tên chung Trịnh Lâm Ngân là một tâm tình của người lính chiến nơi tiền đồn "núi rừng gió nhẹ sang Xuân" nhớ về người Mẹ già đã "tóc bạc nhiều, sớm chiều vườn rau vườn cà". Vài chục năm sau, ca từ, giai điệu tha thiết trong nỗi nhớ Mẹ này vẫn còn nguyên vẹn với bất cứ người con xa nhà nào mà ngày Tết chẳng về được với Mẹ, chẳng cứ riêng người lính. Có lẽ vì vậy mà trung tâm Thúy Nga cứ vài năm lại sử dụng, đã đưa bản nhạc này lên các chương trình nhạc Xuân của mình ít nhất là bốn lần, lần đầu trong cuốn Paris By Night 66 khi trung tâm Thúy Nga vinh danh các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.

Nhưng ca khúc Xuân về Mẹ nổi tiếng nhất của Nhật Ngân và quen thuộc với vài thế hệ người thưởng ngoạn cho đến nay phải kể đến "Xuân này con không về", cũng được sáng tác vào khoảng năm 1969 trong loạt ca khúc Xuân về lính và dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, thêm chữ lót là Lâm Đệ - một người bạn chơi đàn hơn là đồng tác giả. Trong cuốn Paris By Night 76, trả lời phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhật Ngân kể rằng ca khúc nổi tiếng này được ông sáng tác cho ca sĩ Duy Khánh và đã gắn liền cùng tên tuổi Duy Khánh, cho dù hầu hết các ca sĩ trình diễn thể loại nhạc trữ tình, quê hương cũng có trình bày ca khúc này.

Sinh năm 1942, dù chỉ thua kém vài tuổi nhưng nhạc sĩ Nhật Ngân xem ông như hàng đàn em của các nhạc sĩ Trần Trịnh, Duy Khánh, những người đã thành danh trước ông mà ông kể có cơ may hoạt động chung. Bản nhạc đầu tay của ông viết chung với nhạc sĩ Y Vũ, tức em trai nhạc sĩ Y Vân là "Tôi đưa em sang sông" vào những năm 20 tuổi ở đầu thập niên 60s, nhưng đến những bản nhạc lính này mới đưa tên tuổi ông xa hơn. Không chỉ nhạc Xuân về lính, mà sự riêng biệt trong các sáng tác này luôn có Mẹ.

"Xuân này con không về" tương tự như "Mùa Xuân của Mẹ", viết về tâm trạng người lính chiến xa nhà, cũng những ý từ, cảm xúc khi không về được với Mẹ ba ngày Tết.

"Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa..."


Cũng là ngày Xuân, hoa mai hoa đào, nhớ về kỷ niệm ngồi quanh bếp hồng canh nồi bánh chưng những ngày với Mẹ nghe đến nao lòng. Có ai đi xa mà không nhớ Mẹ. Không còn Mẹ thì ngày Xuân, ngày Tết, có tuổi nào thắp vài nén nhang nghĩ về nỗi nhọc nhằn, lam lũ của Mẹ từng tảo tần nuôi con lại muốn rưng rưng. Ca khúc được một giọng ca trong "Tứ Trụ Nhạc Vàng" là Duy Khánh hát, nó không thể nào thành công hơn. Và bài hát đã mang cái hồn, cái sức sống đến sau này là vậy.

Những ca khúc lính này được nhạc sĩ Nhật Ngân viết khi đã trở thành nhân viên Cục Tâm Lý Chiến nên nó không thể chỉ mang nỗi nhớ Mẹ u buồn, làm chùng lòng người lính trong những ngày Tết nên ông đưa thêm chí khí, cái tình đồng ngũ để động viên người lính, qua lời trần tình với Mẹ, điều không có trong ca khúc "Mùa Xuân của Mẹ" rằng:

"Con biết bây giờ Mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con Xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai..."


Hai ca khúc Xuân tha thiết khác của ông viết trước năm 1975 cũng là những lời tự sự, tâm tình cùng với Mẹ là Cám ơn và Rước Xuân Vào Nhà.

"Này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò
Này là bánh chưng, Mẹ già tự tay gói gửi cho con
Này là áo len, bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan
Nay em gởi ra tới chiến trường,
Mang chút tình hậu phương thương mến

Ngồi đọc lá thư đơn sơ tha thiết văn chương học trò
Nhìn cặp bánh chưng, mà lòng chợt thương Mẹ già xa xôi.
Mặc vào áo len, sao như tôi nghe trong hồn chơi vơi.
Xuân đang về trên khắp đất trời.
Nhưng tất cả Xuân là ở đây

Tôi xin cám ơn đời..."

Nếu lời nhạc cùng âm điệu của ca khúc "Cám ơn" này, ký dưới cái tên Ngân Khánh con gái ông và cũng được ca sĩ Duy Khánh trình bày rất thành công, cũng như Thái Châu có ca trong đĩa nhạc Shotguns 36, đi theo cùng thể loại bolero của những những ca khúc lính đã kể bên trên thì "Rước Xuân vào nhà" của Nhật Ngân có ca từ và giai điệu khác hẳn. Nó lạc quan, hy vọng và tươi sáng hơn, dù lời tự sự với Mẹ vẫn những lời tha thiết. Ca khúc này được ca sĩ Hoàng Oanh ca trong dĩa nhạc Shotguns Xuân 75 và sau này được một số ca sĩ trẻ trình bày lại khá thành công, diễn đạt được trọn vẹn cái hồn bản nhạc như ca sĩ Ngọc Liên trong PBN 80 hay đôi song ca Quốc Khanh-Hoàng Thục Linh của trung tâm Asia với cách luyến và thả chữ đầy riêng biệt, một phần cũng nhờ cách phối âm hay hơn.

"Này Mẹ có nghe xôn xao lá đâm chồi
Này Mẹ có nghe chim đua hót trên đồi
Này Mẹ thấy chăng ngoài sân kia
Đàn bướm đang nhởn nhơ đùa vui

Này Mẹ thấy chăng cây mai trước sân nhà
Nụ vàng ấp yêu bay trong gió la đà
Này Mẹ thấy chăng trời bao la
Đàn én đang nhởn nhơ dập dìu

Mẹ hay chăng mùa Xuân vui đã sang
Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm
Mẹ thấy chăng phố vui chân người về
Mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo..."


Không tìm thấy chính xác thời gian nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác ca khúc này nhưng có lẽ nó đã được viết vào khoảng trước sau năm 1973, chung với các ca khúc như Qua Cơn Mê, Giã Từ Vũ Khí của ông, mang niềm hy vọng và lạc quan về sự thanh bình tái lập trên quê hương sau Hiệp Định Paris, tưởng rằng "mùa Xuân vui đã sang, khổ đau xưa đã chìm". Nhưng rồi điều này không kết thúc như ông và nhiều người mong đợi, bởi vô số người lính đã phải chịu cảnh tù tội, đâu phải ngưng tiếng súng là được trở về với Mẹ.
Năm 1982 vượt biên sang nước ngoài, ông là một trong những nhạc sĩ tiếp tục sáng tác mạnh mẽ. Bên cạnh hàng trăm ca khúc trữ tình các thể loại, hay phổ thơ lẫn đặt lời Việt cho khá nhiều ca khúc ngoại quốc, nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn tiếp tục viết những ca khúc Xuân về Mẹ rất cảm động. Những ca khúc tiêu biểu được xem như tiếp nối với "Xuân này con không về" có thể kể đến là "Xuân này con về Mẹ ở đâu" và "Xuân Nào Con sẽ Về" được sáng tác tại hải ngoại sau này.

"Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Quê nghèo Xuân về mưa hắt hiu
Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng
Xuân về không Mẹ nụ hoa kém tươi

Xuân này con về Mẹ ở đâu?
Bao mùa Xuân hẹn con vẫn đi
Đời trai như cánh chim phiêu bạt
Bao lần Xuân về để mẹ hoài ngóng trông..."


Sự lỗi hẹn với Mẹ không chỉ trong thời chiến chinh, trong những giai đoạn tù đày sau chiến tranh mà rồi khi phải ly biệt quê hương, mang theo nỗi nhớ Mẹ khôn nguôi. Nhưng xót xa hơn là Mẹ già "như chuối chín cây", Mẹ có sống mãi để chờ đến ngày gặp mặt con đâu. Nỗi đau mất Mẹ của Nhật Ngân nghe sao mà thảng thốt, xúc động:

"Mẹ ơi! Trong thời chinh chiến
Bao mùa Xuân con chẳng về nhà
Thanh bình chưa kịp vui cùng Mẹ
Lại đành xa cách quê hương

Mẹ ơi! Bao mùa Xuân đến
Bao lần con mong mỏi ngày về
Xuân này con về quê tìm Mẹ
Thì Mẹ giờ đã ra đi

Xuân này con về Mẹ ở đâu
Quê nghèo Xuân buồn thêm hắt hiu
Còn đâu năm tháng xưa thơ dại
Giao thừa bên Mẹ, ngồi kể chuyện tích xưa".


Nhạc sĩ Nhật Ngân kể rằng ông viết ca khúc này theo lời đề nghị của Duy Khánh và dành cho Duy Khánh. Nhưng rồi Duy Khánh cũng chẳng có cơ hội trình bày ca khúc này bởi người ca sĩ ra đi năm 2003, trước khi ca khúc "Xuân này con về Mẹ ở đâu" được hoàn tất. Để rồi trong những ngày giáp Tết năm 2012, nhạc sĩ Nhật Ngân cũng đã đi theo ông, để lại hàng trăm ca khúc trữ tình, trong đó là những ca khúc Xuân bất hủ về Mẹ, ắt sẽ còn lại với thời gian.

Tết này đã là giỗ thứ mười, ngày ông về canh nồi bánh chưng ngày Tết cùng Mẹ ở cõi xa xăm nào đó, như những ngày xa xưa còn thơ dại. Chuyến đăng trình lắm thăng trầm của mỗi người, dù có là người lính, nhạc sĩ hay bất cứ ai cũng mong được ngồi dưới chân Mẹ như trẻ thơ để đón nhận tình mẫu tử thiêng liêng, mênh mông đất trời. Riêng người nhạc sĩ tài hoa, ông đã hứa trước là sẽ về với Mẹ rồi mà.

"Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
Dù cho, dù cho Xuân đã đi qua
Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên Mẹ là mùa Xuân thôi".


Thật vậy! Chỉ bên Mẹ, chỉ có lòng yêu thương bao la của Mẹ mới thật sự là mùa Xuân của những đứa con. Những ca khúc Xuân về Mẹ của nhạc sĩ Nhật Ngân như để thay lời giùm cho những người con mà thôi.

Dallas, Xuân 2022

ĐYT