Thính giả Trương Văn Tánh hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi 19 tuổi, đang làm hồ sơ xin việc làm. Hồ sơ có giấy khám sức khoẻ. Tôi đang điều trị HIV được gần 5 tháng rồi. Vậy xin hỏi khi tôi đi xét nghiệm máu, có bị phát hiện ra là tôi đang nhiễm HIV không ạ?
Cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Tại Mỹ, chiều hướng mới là screen tất cả bệnh nhân để phát hiện trường hợp nhiễm HIV trong tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Năm 2006, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC công bố một sáng kiến về xét nghiệm tự nguyện,"routine" cho tất cả người Mỹ ở độ tuổi 13-64 trong các cuộc gặp gỡ về chăm sóc sức khỏe ("khám bịnh, khám răng"). Theo ước tính, 25% số người nhiễm HIV không biết về tình trạng HIV của họ; nếu thành công, nỗ lực này dự kiến sẽ giảm 30% nhiễm trùng mới mỗi năm. Hiện nay, tiểu bang New York là tiểu bang đầu tiên bắt buộc bịnh viện và bác sĩ phải thử HIV cho mọi bịnh nhân từ 13-65 tuổi.(Wikipedia)
Một bịnh nhân bị nhiễm siêu vi HIV, ví dụ do dùng một kim chích bị dơ, có chứa các siêu vi này. Siêu vi sẽ vào máu người đó và có một khoảng thời gian gọi là "giai đoạn cửa sổ" (window period) trong lúc đó, cơ thể người đó chưa sản xuất kịp được những kháng thể (antibodies) chống lại các siêu vi đó. Những phương tiện screening test của chúng ta hiện nay phần lớn căn cứ trên sự phát hiện các kháng thể này: ví dụ nếu thử máu thấy có kháng thể chống HIV, thì chúng ta biết là người đó nhiễm HIV. Nếu screen test không phát hiện được kháng thể chống HIV trong máu người bịnh thì có 2 khả năng khác nhau:
1) Hoặc người bịnh không , và chưa bao giờ nhiễm HIV
2) Hoặc virus đang nhiễm cơ thể người bịnh, nhưng quá sớm để chúng ta phát hiện virus; người bịnh đang ở trong "window period", trước khi các kháng thể chống HIV có thể được tìm thấy. Đối với bịnh HIV, thời gian "cửa sổ" dài chừng 22 ngày.
Có những biện pháp cố gắng thu hẹp cửa sổ này lại. Ví dụ như đối với HIV, người ta dùng thử nghiệm gọi là "phóng đại acid nhân" (Nucleic Acid Amplification, NAA) từ năm 1999 ở Mỹ cho mọi người hiến máu hoặc huyết thanh (blood and plasma donation). NAA là một phương pháp truy tầm các acid nhân (nucleic acid, vd RNA) của virus hay vi khuẩn, và từ đó chứng minh sự hiện diện của virus hay vi khuẩn trong máu người bịnh (ví dụ PCR=Polymerase Chain Reaction). Thời gian cửa sổ, do đó, có thể giảm xuống còn 13-15 ngày cho HIV
Xét nghiệm HIV và AIDS
Các xét nghiệm chính để chẩn đoán HIV và AID bao gồm:
1) Xét nghiệm ELISA - ELISA, viết tắt của enzyme-linked immunosorbent assay(xét nghiệm hấp thụ miễn dịch kết nối với enzyme), được sử dụng để phát hiện nhiễm HIV. Vì xét nghiệm này rất nhạy bén, sẽ có những trường hợp dương tính sai (false positive), nên nếu phản ứng dương, cần thực hiện thêm một xét nghiệm nữa để xác nhận, lúc đó thì độ chính xác cao hơn nhiều.
Nếu xét nghiệm ELISA dương tính, xét nghiệm Western blot được thực hiện để xác nhận chẩn đoán.
2) Western Blot : xét nghiệm máu được sử dụng để xác nhận kết quả xét nghiệm ELISA dương tính.
Các xét nghiệm ELISA và Western Blot căn cứ trên sự hiện diện của các kháng thể mà cơ thể người bịnh sản xuất ra và hiện diện trong máu sau khi cơ thể bị siêu vi HIV xâm nhập, nhưng vì kháng thể không được tạo ra ngay sau khi nhiễm bệnh, xét nghiệm có thể âm tính trong một vài tuần đến vài tháng sau khi bị nhiễm bệnh. Mặc dù kết quả xét nghiệm có thể âm tính trong thời gian "cửa sổ" này, mức độ virus có thể cao và có nguy cơ truyền nhiễm.
Gần đây (2014), CDC đưa ra một khuyến cáo về một phát đồ mới, hay “xét nghiệm thế hệ thứ tư” (fourth generation test) thay thế cho phát đồ HIV 1-Western blot, để định bịnh nhiễm HIV chính xác hơn, sớm hơn (3 tuần), nhận diện virus HIV-2 (không gặp ở Mỹ, thường ở Châu Phi), và kết quả nhanh hơn. Phác đồ mới này phát hiện kháng nguyên HIV-1 p24 và kháng thể của HIV-1 và HIV-2 (combination immunoassay that detects HIV-1 and HIV-2 antibodies and HIV-1 p24 antigen).
3) Thử nghiệm tại nhà - Thử nghiệm tại nhà duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt được gọi là Home Access Express Test (Xét nghiệm Truy cập Nhanh tại nhà), được bán tại các hiệu thuốc.
4) Xét nghiệm nước bọt - Một miếng bông gòn được sử dụng để lấy nước bọt từ bên trong má của bạn, được đặt trong lọ và gửi đến phòng thí nghiệm để thử nghiệm. Kết quả có được sau ba ngày. Kết quả dương tính cần được xác nhận bằng xét nghiệm máu.
5) Xét nghiệm tải lượng virus (viral load) - Xét nghiệm này đo lượng HIV trong máu. Nói chung, nó được sử dụng để theo dõi tiến trình điều trị hoặc phát hiện sớm nhiễm HIV.
Ba công nghệ đo tải lượng virus HIV trong máu: phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR), DNA phân nhánh (bDNA) và xét nghiệm khuếch đại dựa trên chuỗi axit nucleic (NASBA/Nucleic acid sequence based amplification). Các nguyên tắc cơ bản của các xét nghiệm này là tương tự nhau. HIV được phát hiện bằng cách sử dụng trình tự DNA (DNA sequences) liên kết đặc biệt với những trình tự trong virus. Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả có thể khác nhau giữa các xét nghiệm.
Các xét nghiệm tải lượng virus khác nhau thường đếm ngược đến 50 bản và đôi khi 20, nhưng không thấp hơn. Vd: Nếu kết quả viral load là : HIV1 RNA, PCR (or bDNA) “not detected” hay “undetectable” ( không phát hiện ra được), có nghĩa là HIV-1 ở mức cực kỳ thấp, kết quả rất tốt. Mặt khác, nếu có một số lượng tải lượng virus, thì đó là số lượng bản sao HIV mà xét nghiệm được tính trong giọt máu đó.
Nói tóm lại:
1) Virus HIV (HIV RNA) “không thể phát hiện” được không có nghĩa là đã được chữa khỏi. Ngay cả với tải lượng virus “không thể phát hiện” , người nhiễm HIV vẫn dương tính với HIV. Đó là lý do tại sao đối với người nhiễm HIV điều quan trọng là tiếp tục dùng thuốc điều trị HIV ngay cả khi không thể phát hiện ra virus..
2) Bịnh nhân vẫn sẽ xét nghiệm dương tính với HIV dù được chữa trị đến mức không còn phát hiện được RNA của virus trong máu của họ. Các xét nghiệm truy tầm bịnh nhiễm HIV căn cứ trên sự hiện diện các kháng thể, là một thành phần của phản ứng của hệ thống miễn dịch của bịnh nhân đối với virus HIV, có nghĩa là bịnh nhân sẽ xét nghiệm dương tính với HIV ngay cả khi tải lượng virus ở mức không phát hiện được.
Chúc bịnh nhân may mắn.
References:
1)https://en.wikipedia.org/wiki/Diagnosis_of_HIV/AIDS
2)New HIV Testing Algorithm: A Promising Tool in the Fight Against HIV
https://www.medscape.com/viewarticle/840724
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 31 tháng 5, 2019
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.