Vào lúc các quan chức y tế và các nhà khoa học chạy đua để tìm cách giảm tốc độ lây lan virus Zika, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm về loài muỗi mang nó. Họ hy vọng hiểu biết tốt hơn sẽ dẫn đến những cách ngăn ngừa lây nhiễm. Thông tín viên Joe De Capua của đài VOA tường thuật.
Các nhà nghiên cứu trường Đại học Cornell thuộc số những người cố gắng giúp các nước đang phát triển chuẩn bị đối phó với các đợt dịch. Tuy hầu hết những người bị nhiễm bệnh đều có các triệu chứng nhẹ, song Zika có liên quan đến các rối loạn gây tê liệt và dị tật bẩm sinh.
Loài chủ yếu mang virus này là muỗi Aedes aegypti. Giáo sư Laura Harrington nói con người mang lại cho nó tất cả những gì cần thiết để sinh sản và tồn tại. Đầu tiên là nước làm nơi sinh sản.
Giáo sư nói: “Nó thích nước sạch, thường là uống sạch mà người ta tích trữ qua mùa mưa và sử dụng trong mùa khô”.
Và trưởng khoa côn trùng học của trường Cornell cho biết muỗi Aedes aegypti cái thích máu người hơn. Trên thực tế, máu người giúp nó sống lâu hơn và sinh sản thường xuyên hơn. Đốt các động vật khác không có tác dụng tương tự.
Vẫn giáo sư Harrington cho hay: “Một điều nữa thực sự đáng chú ý mà chúng tôi thấy có liên quan đến việc truyền bệnh là loài muỗi này, không giống những loài khác, kiếm ăn hầu như mỗi ngày. Vì vậy, bạn có thể hình dung về một con muỗi mà nạp vào người nó bất kỳ loại virus nào, như Zika, thì bị nhiễm virus đó cả đời nó. Và một khi nó bị lây nhiễm, nó có tiếp tục làm lây nhiễm sang con người hầu như hàng ngày”.
Ngoài ra, muỗi Aedes aegypti không bay quá xa. Nó sống trong vòng bán kính 100 mét từ nơi nó sinh ra. Dù nó có phạm vi giới hạn, song những nỗ lực hiện nay nhằm kiểm soát nó chưa thành công. Bà Harrington cho rằng loại bỏ các vật chứa nước và rác rưởi gần nhà về lý thuyết phải có tác dụng, nhưng hiện nay rõ ràng lại không.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu trường Cornell đang thủ một cách tiếp cận khác – cách này sẽ can thiệp vào chu kỳ sinh sản của muỗi. Ví dụ, làm gián đoạn hành vi giao phối của muỗi bằng sóng âm thanh, hoặc chế ra các hóa chất nhằm vào các phân tử trong cơ thể muỗi cần thiết cho việc thụ tinh hoặc đẻ trứng. Một cách tiếp cận khác là làm thay đổi gien của muỗi đực để nó mang trong mình các chất gây trở ngại cho việc giao phối.
Giáo sư về xã hội học phát triển Alaka Basu, đồng nghiệp của bà Harrington tại trường Cornell, nói có rất nhiều điều chưa biết về tác động xã hội và kinh tế của virus Zika.
Bà cho rằng những người nghèo, những thổ dân hoặc những người sinh sống ở khu vực nông thôn có dễ bị tiếp xúc với Zika hơn và ít có khả năng tránh thai hơn.
Bà Basu nói: “Chúng ta biết rằng có nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. Chúng ta chưa biết liệu có nguy cơ truyền bệnh qua đường máu hoặc qua việc tiêm chích ma túy giống như lây nhiễm HIV/AIDS hay không”.
Bà Basu nói sử dụng biện pháp tránh thai hay phá thai có thể là những vấn đề lớn khi xét đến mối liên hệ giữa Zika và dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như chứng đầu bất thường nhỏ. Nhưng phá thai lại trái với đức tin tôn giáo hoặc pháp luật ở nhiều nước.
Mặc dù vậy, bà cho rằng phụ nữ cần phải sinh hoạt tình dục an toàn để ngăn ngừa việc nhiễm Zika giống như cách họ làm để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Bà Basu nói công luận là bước đầu tiên hướng tới thay đổi hành vi và văn hóa của con người.
Bên cạnh đó, bà nói những nỗ lực nhằm kiểm soát các vùng muỗi sinh sản có thể có tác dụng khác ngoài việc hạn chế lây lan Zika. Bà cho rằng việc đó cũng có thể làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết và chikungunya (virus gây sốt và bệnh “khom lưng”).