Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẽ đến thăm Islamabad vào cuối tuần này. Các giới chức Pakistan nói họ hy vọng các thành quả mới đây của Afghanistan trong các cuộc hành quân của quân đội nhắm vào các phần tử chủ chiến có liên hệ với phe nổi dậy Afghanistan, và sự tuân thủ một chính sách không can thiệp ở Afghanistan đã dọn đường cho việc xác định lại mối quan hệ thường hay có biến động giữa hai nước. Từ thủ đô Pakistan, thông tín viên VOA Ayaz Gul gửi về bài tường thuật sau đây.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Sartaj Aziz tuyên bố nước ông đã thực hiện những bước đáng kể trong năm ngoái để chứng tỏ sự trung lập và thúc đẩy các nỗ lực hoà bình và hoà giải với Afghanistan.
Ông tin rằng cuộc hội kiến mới đây với Tổng thống Ashraf Ghani ở Kabul, và một chuyến thăm của Tư lệnh quân đội Pakistan đến thủ đô Afghanistan đã mở đường cho các cuộc thảo luận hữu ích khi ông Ghani đi thăm Islamabad trong tuần này.
“Chính Tổng thống Ghani đã dùng từ “một khởi đầu mới và một mối quan hệ dựa trên lòng tin và không bao gồm việc đổ lỗi cho nhau, và có tính đa chiều. Cơ bản sẽ là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời hợp tác an ninh và tiếp xúc tốt hơn nhiều giữa nhân dân với nhau. Do đó, đây là một nghị trình đa chiều dựa trên cơ sở mà chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ mới này.”
Ông Aziz nhắc lại rằng phe Taliban ở Afghanistan là một bên “góp phần” vào tiến trình chính trị, nhưng ông nói các mưu toan của phe này định lấy lại quyền lực ở Kabul qua các phương tiện bạo động còn gây thiệt hại cho các quyền lợi an ninh quốc gia của Pakistan.
Sự hiện diện của Mạng lưới Haqqani của các phần tử nổi dậy Afghanistan ở vùng đất biên giới Bắc Waziristan lâu nay đã gây căng thẳng cho mối quan hệ của Islamabad với Kabul và Hoa Kỳ.
Nhưng ông Sartaj Aziz tin rằng các cuộc tấn công của quân đội đang diễn ra ở vùng Waziristan đã gây trở ngại cho các nơi trú ẩn an toàn đó.
“Nhưng sự kiện bọn họ không còn có những nơi trú ẩn an toàn và cơ sở hạ tầng đề hoạt động nữa, tạo ra một bầu không khí thuận lợi hơn nhiều để thực thi chính sách không dùng lãnh thổ của nhau để chống lại nhau.”
Các vị chỉ huy tối cao của quân đội Mỹ ở Afghanistan cũng đã thừa nhận rằng cuộc hành quân ở Waziristan đã “phá vỡ” và “gây trở ngại” cho khả năng của Mạng lưới Haqqani mở các cuộc tấn công vào Afghanistan.
Ông Aziz tin rằng giới lãnh đạo mới của Afghanistan với nhiệm quyền dân cử mạnh ở vị thế tốt hơn để đẩy xa tiến trình hoà bình và Pakistan sẵn sàng đóng vai trò của mình là hỗ trợ cho các nỗ lực đó. Nhưng ông bác bỏ các ý kiến cho rằng Islamabad có thể gây ảnh hưởng để thuyết phục Taliban ngồi vào bàn thương nghị.
“Rõ ràng chúng tôi không chi phối họ, chúng tôi có một số liên hệ nhưng cơ bản Afghanistan phải quyết định cách thức xúc tiến việc này và những gì họ trông đợi ở chúng tôi. Chúng tôi có thể cố vấn, chúng tôi có thể tạo điều kiện nhưng rõ ràng chúng tôi không thể đưa ra quyết định về cách thức xúc tiến cuộc đối thoại và cách thức thúc đẩy tiến trình hoà giải, do người Afghanistan lãnh đạo và làm chủ.”
Ông Aziz nói một hội nghị quốc tế mới đây mà Trung Quốc chủ trì để bàn về Afghanistan cũng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho phe Taliban là phải ngưng các hành động thù nghịch và tham gia các nỗ lực hoà giải chính trị.
“Mọi người đều muốn hoà bình ở Afghanistan, không ai muốn cuộc nội chiến tiếp tục bởi vì dân chúng Afghanistan đã đau khổ quá lâu vì đấu đá nội bộ và nội chiến và nay là lúc họ phải có hoà bình và ổn định. Vì thế, thông điệp rất lớn và rõ ràng, và tôi nghĩ nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho sự hỗ trợ lớn hơn dành cho Afghanistan để phát triển và tiến bộ.”
Ông Thomas Ruttig của Mạng lưới Chuyên gia Phân tích về Afghanistan hy vọng các hoạt động chống chủ chiến của Pakistan và chuyến thăm của Tổng thống Ghani sẽ dẫn đến những căng thẳng giảm thiểu trong quan hệ song phương.
“Tôi nghĩ sự thay đổi người đứng đầu quốc gia là một cơ hội mới để cải thiện bang giao và cả hai nước sẽ không thể sống mà không có nhau. Nếu về phía Afghanistan, kể cả chính phủ, nhìn thấy là Pakistan thực sự thay đổi thái độ cũng để bảo vệ một số mạng lưới bên trong Taliban, nếu họ nhìn thấy một sự thay đổi ở đây, thì họ cũng sẽ vui lòng có phản ứng tích cực.”
Mới đây, Tổng thống Ghani đã tuyên bố ông sẽ đến Pakistan để thảo luận các bước “ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn” để thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan và chuyến thăm sẽ giúp ông quyết định mức độ hợp tác mà nước láng giềng sẵn sàng dành cho Kabul.