Một số người Việt lớn tuổi ở Mỹ cho biết họ dự định sẽ đăng kí tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường sau khi cơ quan y tế hàng đầu của nước này hôm 24/9 khuyến nghị hàng triệu người nên tiêm bổ trợ, mở ra một giai đoạn mới cho nỗ lực chủng ngừa virus corona ở Mỹ.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bác sĩ Rochelle Walensky, đã tán thành một loạt các khuyến nghị từ một nhóm cố vấn vào cuối ngày 23/9.
Các cố vấn nói các liều vaccine tăng cường nên được cung cấp cho những người từ 65 tuổi trở lên, người sống trong nhà dưỡng lão và những người từ 50 đến 64 tuổi có các bệnh nền dễ gặp nguy. Liều bổ sung sẽ được tiêm sau khi những người này đã nhận mũi vaccine thứ nhì của Pfizer ít nhất nửa năm.
Tổng thống Joe Biden ca ngợi quyết định này và nhắm mục tiêu xoa dịu những lo ngại bằng cách tuyên bố ông sẽ sớm tiêm liều tăng cường cho chính mình.
“Thật khó mà thừa nhận rằng tôi đã trên 65, nhưng tôi sẽ tiêm liều tăng cường,” ông nói.
Giám đốc CDC quyết định đưa vào một khuyến nghị mà ban cố vấn trước đó đã bác bỏ.
Ban cố vấn ngày 23/9 biểu quyết chống lại khuyến nghị tiêm tăng cường cho những người từ 18 đến 64 tuổi là nhân viên chăm sóc y tế hoặc làm trong lĩnh vực có nguy cơ cao tiếp xúc với COVID.
Giám đốc CDC, bà Walensky, không đồng ý và đưa khuyến nghị đó trở lại, lưu ý rằng quyết định này phù hợp với quyết định cấp phép tiêm tăng cường của Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vào đầu tuần này. Nhóm những đối tượng bà khuyến nghị tiêm tăng cường bao gồm nhân viên chăm sóc y tế và những người sống trong những nơi có không gian kín làm tăng nguy cơ phơi nhiễm, chẳng hạn như nhà tù hoặc nơi tạm trú cho người vô gia cư.
“Trong tư cách là Giám đốc CDC, nhiệm vụ của tôi là xác định rõ nơi mà hành động của chúng tôi có thể có tác động lớn nhất,” bà Walensky nói trong một phát biểu vào tối 23/9. “Tại CDC, chúng tôi được giao nhiệm vụ phân tích dữ liệu phức tạp, thường là không hoàn hảo để đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm tối ưu hóa sức khỏe. Trong một đại dịch, ngay cả với sự bất định, chúng tôi phải thực hiện những hành động mà chúng tôi dự liệu là sẽ mang lại lợi ích lớn nhất.”
Khuyến nghị chính thức của CDC đưa ra giữa lúc một số người Mỹ đã bắt đầu tiêm liều tăng cường thứ ba, trong đó có nhiều người gốc Việt. Trong những cuộc phỏng vấn gần đây với VOA, một số người Việt lớn tuổi cho biết họ đã tiêm hoặc dự tính sẽ tiêm trong những tuần sắp tới vì lo ngại về đợt tăng vọt lây nhiễm do biến thể Delta gây ra.
Ông Nguyễn Kim Sơn, 79 tuổi, cư dân thành phố West Palm Beach ở bang Florida, nói ông thấy việc tiêm tăng cường là rất cần thiết để tăng sức đề kháng cho những người trong nhóm tuổi của ông. Đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer từ đầu năm nay, ông dự tính sẽ tiêm mũi thứ ba sớm nhất có thể.
“Tôi có một ông bạn trẻ hơn tôi nhiều, cũng đã chích hai mũi rồi. Ông ấy cho tôi biết ông ấy có đi thử lại [kháng thể] trong máu và thấy mức đề kháng giảm xuống cỡ hai chục, ba chục phần trăm thôi. Thành ra tôi thấy là phải chích, nên chích [tăng cường],” ông nói.
Ông cho hay ông cũng “hơi ngại” về phản ứng sau khi tiêm nhưng hai người bạn mới tiêm tăng cường gần đây của ông kể rằng họ cũng trải qua cảm giác mệt mỏi giống như khi tiêm mũi thứ hai và không có gì nghiêm trọng.
Bà Lý Thị Thái, 74 tuổi, cư dân vùng ngoại ô thành phố Atlanta ở bang Georgia, cũng cho biết bà dự tính sẽ tiêm tăng cường sau khi CDC đưa ra khuyến nghị chính thức. Bà nói thời gian qua bà cảm thấy hoang mang không biết nên tiêm hay không vì nghe những luồng thông tin khác nhau về sự cần thiết của mũi tiêm tăng cường.
“Thuốc thì đồng ý là không thể hiệu nghiệm hoàn toàn 100%, chích một mũi, hai mũi, rồi bây giờ mũi thứ ba nữa, tôi thấy nó làm sao đó,” bà nêu ý kiến. “Có người không chích thuốc thì cũng bệnh, mình thấy cũng không được. Mình cũng muốn bảo vệ sức khỏe của mình rồi cả gia đình nữa nên chích thì đương nhiên phải đi chích thôi.”
Bác sĩ Nguyễn Đông Châu, một chuyên gia về nội thương và tim mạch làm việc cho hệ thống bệnh viện Houston Methodist ở thành phố Houston, bang Texas, cho biết đa số trên hai phần ba bệnh nhân ngoài 65 tuổi của ông đã tự nguyện tiêm liều thứ ba và “không có phản ứng phụ mạnh.”
“Một số thì còn lưỡng lự, đa số những người này thì nói là bị phản ứng phụ ‘hành’ sau khi chích liều thứ hai trước đây,” ông nói. “Còn những người đã từng từ chối tiêm chủng vẫn tiếp tục từ chối.”
Các chuyên gia cho rằng thuyết phục những người chưa tiêm mũi nào vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Tất cả ba loại vaccine COVID-19 được sử dụng ở Mỹ vẫn có khả năng bảo vệ cao chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong vì COVID, ngay cả với sự lan truyền của biến thể Delta rất dễ lây. Tới nay, chỉ khoảng 182 triệu người Mỹ tiêm ngừa đầy đủ, tức 55% dân số.
Kế hoạch tiêm ngừa tăng cường đánh dấu một sự dịch chuyển quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia của Mỹ.
Cả Anh và Israel đang cho tiêm mũi thứ ba cho dân chúng trước sự phản đối mạnh mẽ của Tổ chức Y tế Thế giới với lý do các nước nghèo còn chưa có đủ liều vaccine đầu tiên.
Bài viết sử dụng một số thông tin của AP.