Hàng chục nhà hoạt động chính trị được biết tiếng ở Việt Nam nói lực lượng an ninh đã tăng cường theo dõi và ngăn cản họ ra khỏi nhà trong thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội.
Việc trở thành nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai được cho là giúp thúc đẩy mạnh các mối quan hệ quốc tế cho Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng an ninh phải là ưu tiên hàng đầu.
Các nhà hoạt động hay những người lên tiếng về các vấn đề xã hội hay có tham gia biểu tình bị lực lượng an ninh cho người đến từng nhà của mỗi người để canh. Họ không muốn chúng tôi xuất hiện trên các đường phố hoặc đến những chỗ mà những ông (Trump và Kim) đi qua.Nguyễn Chí Tuyến, nhà hoạt động
Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách về kinh tế và xã hội nhưng đảng Cộng sản vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông và không dung thứ cho những lời chỉ trích nhắm vào họ.
Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động dân chủ có tiếng ở Hà Nội, cho VOA biết anh là một trong những người bị lực lượng an ninh theo dõi và ngăn cản đi lại tự do.
“Các nhà hoạt động hay những người lên tiếng về các vấn đề xã hội hay có tham gia biểu tình bị lực lượng an ninh cho người đến từng nhà của mỗi người để canh, tùy theo mỗi người. Họ không muốn chúng tôi xuất hiện trên các đường phố hoặc đến những chỗ mà những ông (Trump và Kim) đi qua.”
Tổng thống Trump tới Hà Nội đêm 26/2 trong khi lãnh đạo Bắc Hàn tới thủ đô Việt Nam trước đó trong ngày.
Anh Tuyến, người từng bị công an bắt giam và đánh đập vì tham gia biểu tình, nói rằng có hàng trăm người đang bị công an hạn chế việc đi lại và mặc dù thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội nhưng những người ở các tỉnh và thành phố khác không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của lực lượng an ninh.
“Một loạt các anh em khác ở trong Sài Gòn cũng nói về hiện tượng đó. Và ngoài ra không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn mà các tỉnh ở nông thôn, ví dụ như ở vùng nông thôn miền núi Thanh Hóa, hay Vũng Tàu và Khánh Hòa, họ đều có các nhân viên an ninh đến canh gác họ như vậy.”
Ngô Thu, một nhà giáo ở Thủ Đức, TP HCM, cho biết qua một video đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 27/2 rằng bà bị một số công an mặc thường phục chặn không cho ra khỏi nhà.
Ngô Duy Quyền, một người sống ở Hà Nội, cho VOA biết một số nhà hoạt động khác cũng bị an ninh canh gác ngoài tư gia và bị ngăn khi đi ra khỏi nhà. Bản thân anh cũng bị lực lượng an ninh đi theo và cản trở khi đi đến phòng tập gym.
“Công an đi theo đến tận phòng tập,” anh Quyền cho biết. “Họ đến rất đông và ép Quyền phải bỏ ngang buổi tập với thái độ hung hăng, lời lẽ côn đồ đầy hăm dọa." Anh Quyền bị những người công an này bắt phải về nhà "nếu không thì bị đưa về phường."
Trong một bài viết đăng trên Facebook cá nhân về “Không khí Thượng đỉnh Trump-Un” nhân sự việc bị công an bắt về nhà, anh Quyền viết “Những sự kiện tưởng nhỏ nhặt, nhưng là bản chất khốn nạn đê hèn của Vietcong đối xử với người dân của mình như nô lệ, thưa ngài Tổng thống Mỹ Donald Trump.”
Anh Quyền, có vợ là nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, cho biết tư gia của anh trên tầng 3 cũng bị công an tới ngồi bên ngoài để canh gác.
Ca sỹ bất đồng chính kiến Mai Khôi đăng tải một video của bản thân trên Twitter với hình ảnh cô giơ ngón tay giữa lên khi đoàn xe của ông Trump đi qua đêm 26/2 với tiêu đề “Peace on you, Trump”.
Khi Tổng thống Trump lần đầu tới Việt Nam năm 2017, cô ca sỹ kiêm nhà hoạt động này đã giăng biểu ngữ viết “Piss on you Trump.” Cô đã bị công an giam giữ tại nhà trong vài giờ sau cuộc biểu tình cá nhân này.
Trong khi đó, Lê Vân, một phụ nữ ở Hải Phòng, cho biết trên Facebook cá nhân hôm 26/2 rằng bà và một số người khác chuẩn bị xuống đường để chào đón ông Trump nhưng “bị an ninh Hải Phòng ngăn cản.”
Trong video đăng tải trên Facebook, bà nói “Chúng tôi nghênh đón ngày tổng thống Donald Trump đến Việt Nam. Chúng tôi cần nhân quyền tự do dân chủ cho Việt Nam và chúng tôi không thích độc tài độc đảng.”