Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng mục tiêu của chương trình viện trợ quốc phòng Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA), trong đó Việt Nam và Djibouti là hai quốc gia đang được xem xét để nhận hỗ trợ, theo Đài truyền hình NHK đưa tin hôm 13/11.
Thông tin của NHK, cũng được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, cho biết các quan chức chính phủ ở Tokyo nói rằng Việt Nam và Djibouti là hai ứng cử viên nhận OSA trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 năm sau.
Khuôn khổ OSA được thiết kế để cung cấp thiết bị quốc phòng miễn phí cho các quốc gia có cùng chí hướng với Nhật Bản như một cách để tăng cường hợp tác an ninh.
Đầu tháng này, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp cho Philippines radar giám sát ven biển trong dự án hợp tác đầu tiên theo chương trình OSA nhằm giúp tăng cường năng lực răn đe của các nước đối tác của Tokyo.
Theo NHK, các quan chức Nhật Bản cũng đang thực hiện những thỏa thuận cuối cùng để cung cấp tàu tuần tra cho Bangladesh trong năm tài chính này còn Malaysia và Fiji đang chuẩn bị nhận thiết bị theo chương trình này.
Tờ Yomuiri Shimbun của Nhật vào giữa tháng trước trích dẫn các nguồn tin chính phủ cũng cho hay nước này đang xem xét đưa quân đội Việt Nam vào khuôn khổ hỗ trợ an ninh OSA.
Các quan chức Nhật được NHK trích lời cho biết họ có kế hoạch sắp xếp cụ thể với Việt Nam về các loại thiết bị sẽ được cung cấp.
Trong một bài xã luận ra hôm 9/11, China Military Online, tờ báo do Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) tài trợ, đề cập đến khuôn khổ OSA, trong đó nói rằng chương trình này được tích hợp chặt chẽ vào Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) sửa đổi hồi cuối năm ngoái của Nhật Bản và được thiết kế để nâng cao khả năng quân sự và mức độ an ninh của các quốc gia tiếp nhận, trong đó có Việt Nam. Với tiêu đề “Từ ODA đến OSA, Nhật Bản đang có kế hoạch gì?”, tờ báo Trung Quốc trích thông tin nói rằng ngân sách cho các quốc gia tiếp nhận OSA năm 2024 của Nhật sẽ được mở rộng sang Việt Nam, Indonesia, Mông Cổ, Djibouti và các nước khác.
Cả Nhật Bản và Việt Nam đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.
Nhằm tăng cường hợp tác giữa lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc về quân sự trong khu vực, Nhật Bản vào tháng 9/2021 đã ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam. Thỏa thuận này cho phép chính phủ ở Tokyo xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật sản xuất tới quốc gia Đông Nam Á.
Tờ Yommuiri Shimbun vào tháng trước cũng cho biết rằng Nhật Bản sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Hà Nội, tức đối tác chiến lược toàn diện, khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm Tokyo dự kiến trong tháng này. Việc nâng cấp dự kiến diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và sau một loạt các chuyến thăm cấp cao của quan chức Nhật Bản tới Việt Nam, gồm Ngoại trưởng Kamikawa Yoko và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, khi tiếp ông Hidehisa, nói rằng Hà Nội ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên tầm cao mới trong khi ông Hidehisa nói ông mong muốn được đón ông Thưởng tại Nhật Bản.