Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giỏi Toán, ham học hỏi và nếu có sự đầu tư và chuyển giao công nghệ của Nvidia, Việt Nam có thể trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn trong khu vực và trên thế giới, một chuyên gia trong ngành nói với VOA.
Nvidia là tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có trụ sở ở Mỹ với giá trị vốn hóa gần 1.200 tỷ đô la. Hãng này sản xuất ra những con chip đóng vai trò then chốt trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo.
Lãnh đạo tập đoàn này, ông Jensen Huang, mới đây đã có chuyến công tác Việt Nam và đã tiếp xúc Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 10/12. Tại đây, ông Huang nói rằng ông muốn đưa Việt Nam trở thành một ‘cứ điểm’ toàn cầu của hãng, trang mạng VnExpress tường thuật.
Còn trong buổi tọa đàm về cơ hội cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở Hà Nội hôm 11/12, ông Huang được trang mạng này dẫn lời cho biết Nvidia sẽ hợp tác với các đối tác trong nước để phát triển hạ tầng trí tuệ nhân tạo, tức AI.
“Người Việt Nam rất giỏi toán, có năng lực phần mềm tốt và đang có vị trí tốt để phát triển bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Nvidia xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nên đã đầu tư 250 triệu đô la,” ông Huang được dẫn lời nói.
Ông cho biết ‘cứ điểm’ của Nvidia ở Việt Nam sẽ ‘thu hút nhân tài khắp thế giới’ và góp phần xây dựng hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Về phần mình, Thủ tướng Chính đã đề nghị Nvidia hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia và sẽ lập tổ công tác thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên do ông đứng đầu.
Nvidia đang là đối tác của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, Vingroup… với doanh thu mỗi năm khoảng 500 triệu đô la, theo trang mạng VnEconomy.
‘Ít cơ hội cho bán dẫn’
Khi được VOA hỏi về những thỏa thuận hợp tác với Nvidia, ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, cựu phó Tổng giám đốc và giờ là thành viên Hội đồng quản trị FPT, nói đó là bí mật kinh doanh của FPT nên không thể tiết lộ.
Ông Bảo bày tỏ hy vọng vào tiềm năng hợp tác với Nvidia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đồng thời cho rằng trong lĩnh vực bán dẫn, cơ hội hợp tác ‘không nhiều’.
Theo lời giải thích của ông thì mặc dù vốn hóa của Nvidia vượt trội các hãng bán dẫn khác nhưng doanh thu ‘chưa bằng một nửa TSMC của Đài Loan hay Samsung của Hàn Quốc’.
“Nvidia không trực tiếp sản xuất ra chip mà 100% là đi thuê các công ty Đài Loan, Hàn Quốc làm cho họ,” ông Bảo nói với VOA. “Chưa kể công nghệ chip của Nvidia là cao hơn.”
“Khả năng công việc Nvidia giao ra nước ngoài có trình độ sản xuất thấp như Việt Nam là ít hơn hẳn,” ông nói thêm và cho biết nếu có tham gia sản xuất chip thì cơ hội hợp tác với các hãng bán dẫn khác lớn hơn Nvidia.
Ông cho rằng Việt Nam không thể chen chân vào thay thế chuỗi cung ứng đã được Nvidia thuê sản xuất chip cho họ mà ‘chỉ là tham gia vào công đoạn thiết kế, kiểm thử hay đóng gói’.
“Họ đã có quy trình với những nhà máy rất lớn khắp toàn cầu, có quy trình, có dây chuyền rất lớn rồi mà bây giờ mình mới chen chân vào thì cơ hội không có,” ông nói.
Chưa kể đối với các chip công nghệ cao, Nvidia ‘có thể không muốn chuyển sản xuất ra bên ngoài mà chỉ làm ở bên trong nước Mỹ’, cũng theo lời cựu phó Tổng giám đốc FPT.
“Nếu bây giờ Việt Nam đi vào sản xuất gia công (chất bán dẫn) thì giá trị gia tăng không cao,” ông nói thêm.
Hiện tập đoàn Intel của Mỹ đang vận hành một cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn hãng Amkor có trụ sở tại Arizona, đang xây dựng nhà máy trị giá 1,6 tỷ đô la ở Bắc Ninh, trong khi Synopsis và Marvell Technology đang thành lập các trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại Việt Nam.
Hợp tác giúp Việt Nam phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu là một trong những nội dung chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt mà Tổng thống Joe Biden đã cùng các lãnh đạo Việt Nam nâng cấp hôm 10/9.
Trung tâm AI
Tuy nhiên, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng Việt Nam có tiềm năng hợp tác lớn với Nvidia về trí tuệ nhân tạo.
“Người Việt có thế mạnh là học hỏi công nghệ mới rất là nhanh. Người Việt có thể nhanh chóng học được và tiếp cận trình độ thế giới và không thua kém các đối thủ ở các nước khác,” ông chỉ ra và nói rõ Việt Nam sẽ không theo kịp trình độ các nước phát triển mà chỉ cạnh tranh với các đối thủ như Malaysia, Philippines hay Ấn Độ, các nước cũng có mục tiêu giống Việt Nam.
Ngoài ra, có truyền thống học Toán và giỏi Toán là một thế mạnh của người Việt trong ngành Trí tuệ nhân tạo vốn có nền tảng là Toán. Ông Bảo cho biết người Việt luôn nằm trong tốp đầu các cuộc thi Toán quốc tế.
Cái mà Việt Nam cần ở Nvidia, theo ông Bảo, là họ đặt máy chủ lớn, có tốc độ xử lý cao, xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam và chuyển giao hệ thống học sâu (deep learning) thì Việt Nam có thể trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới.
“Nếu Việt Nam có cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo tốt thì có thể thu hút nguồn lực thế giới đến làm việc.”
Khi đó, Việt Nam có thể sản xuất ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho khu vực và thế giới, ông nói thêm.
Ông Bảo cho biết máy chủ lớn có năng lực mạnh như vậy ‘chỉ có Nvidia có’ và ‘tốn hàng tỷ đô la. “Tiền ở đâu để đầu tư, Nvidia hay Chính phủ Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam bỏ ra hay cả ba bên cùng góp vốn là vấn đề cần phải bàn,” ông nói thêm.
Hơn nữa, đối với công nghệ tối tân như vậy thì ‘có thể Việt Nam phải xin phép Chính phủ Mỹ’ thì mới được đưa máy chủ vào, cũng theo lời ông Bảo.
Một chỗ nữa mà Nvidia có thể giúp đỡ Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực. Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng Nvidia có thể giúp Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo để tiếp cận các công nghệ hiện đại nhất, cung cấp môi trường để sinh viên có thể thực hành, và gửi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu sang Việt Nam để giảng dạy cho sinh viên.
Ông dẫn ra mục tiêu của ông Huang nói là ‘hai bên phải phấn đấu để có được 1 triệu kỹ sư’ về trí tuệ nhân tạo, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhân lực đến từ các nước khác, để nhấn mạnh rằng ‘nhu cầu nhân lực của Việt Nam là rất cấp thiết’.
Khi được hỏi tại sao ông Jensen Huang lại quan tâm đến Việt Nam trong khi các nước khác trong khu vực cũng muốn phát triển trí tuệ nhân tạo, ông Bảo nói mặc dù năng lực sản xuất của Việt Nam kém hơn Nhật Bản hay Đài Loan rất nhiều nhưng nguồn lực Việt Nam nhiều hơn.
Ông chỉ ra Việt Nam có dân số đông gần 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ, ham học hỏi, nhiều gấp nhiều lần Malaysia hay Đài Loan trong khi dân số Nhật Bản đang suy giảm và lão hóa.
“Việt Nam có dân số đông, còn trẻ lại đang rất khát khao làm giàu cho bản thân, cho công ty. Họ sẵn sàng làm việc rất chăm chỉ,” ông nói và cho biết nhiều thanh niên Việt Nam ‘sẵn sàng làm việc 7 ngày một tuần, mỗi ngày làm việc 12 tiếng’.
Khi được hỏi những phát ngôn của ông Jensen Huang khi ở Việt Nam về ‘quê hương thứ hai’ hay ‘cứ điểm toàn cầu’ của Nvidia có phải là ‘lời lẽ xã giao’ hay không, ông Bảo nói: “Với một doanh nhân thành công lớn thì người ta không bao giờ nói cái gì mà sau này phát hiện ra là nói xạo.”
“Có lẽ đó là mong muốn thật sự của ông Jensen nhưng có thành hiện thực hay không thì phải cần nỗ lực từ cả hai phía.”