Hóa ra lội ngược dòng không chỉ là vì ý thức hệ! Tuy trục Trung Quốc – Arab Saudi ngày càng lộ diện, nhưng sự xích lại gần Bắc Kinh hơn của các thiết chế Đảng và Nhà nước Việt Nam thật ra lại không phải hoàn toàn do nhân tố tư tưởng chi phối. Hầu hết các cấp, các ngành, từ cao đến thấp, từ trung ương đến địa phương, đều đang lo “nồi cơm” sắp bị vỡ…
Một trục mới đang hình thành?
Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), chuyến thăm Riyadh ngày 9/12 của Chủ tịch Tập Cận Bình phản ánh mong muốn của các nhà lãnh đạo Arab Saudi và Trung Quốc nhằm củng cố mối bang giao tay đôi, nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược và phát huy tiềm năng hợp tác chính trị, kinh tế để phục vụ lợi ích song trùng. Trung Quốc và Arab Saudi đều gửi đi những thông điệp hợp tác mạnh mẽ vào thời điểm quan hệ của Riyadh với Washington đang gặp căng thẳng về nhân quyền và chính sách năng lượng. Ba hội nghị quan trọng diễn ra trong chuyến thăm của ông Tập: Hội nghị cấp cao Arab Saudi – Trung Quốc và hai Hội nghị về về hợp tác và phát triển vùng Vịnh tại Riyadh. Hơn 20 cam kết giữa hai nước, trị giá gần 30 tỷ USD đã được ký kết trong chuyến thăm, cùng với thỏa thuận Đối tác chiến lược và kế hoạch nhằm hiện thực hóa chương trình “Tầm nhìn 2030” của Arab Saudi và đa dạng hóa dự án này với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Trục Trung Quốc – Arab Saudi và một số nước độc tài Trung Đông khác đang hình thành sau chuyến công du này. Theo Reuters, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã "trải thảm đỏ" đón ông Tập, điều các nhà ngoại giao trong khu vực cho rằng hoàn toàn trái ngược với sự tiếp đón lạnh nhạt dành cho Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng 7/2022.
Trong khi đó, vũ điệu “tăng-gô” Việt – Mỹ cũng lại xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại, không chỉ chậm lại mà đang có biểu hiện tách dần ra. “Sự bất quá tam!” Việt Nam đã 6 lần mời mà Tổng thống Biden vẫn chưa có hồi âm cụ thể. Cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông Biden xem chừng cũng “gone with the wind” nốt. Câu chuyện điện đàm tuy không kiểm chứng được trăm phần trăm, nhưng theo rò rỉ nội bộ, phía Mỹ đã chủ động đề xuất vào thời điểm trước chuyến công du Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đáng tiếc là TBT Nguyễn Phú Trọng đã từ chối lời đề nghị ấy. Tổng chủ sợ làm mếch lòng Trung Quốc. Khác với Thủ tướng Phạm Minh Chính năm ngoái, đang chuẩn bị ra phi trường Nội Bài đón Phó Tổng thống Kamela Harris nhưng khi bị “sứ thần” Bắc Kinh là Hùng Ba chặn lại, vị “tể tướng Đại Việt” đành thúc thủ. Phải nán ngồi tiếp “sứ thần” Hùng Ba trước khi ra sân bay đón quốc khách, với lời dặn dò của “thái thú”, Việt Nam không được đi với Mỹ chống Trung Quốc. Bắc Kinh biết dặn như thế cũng bằng thừa nhưng họ thích chơi ngông để “hạ uy thế” của ĐCSVN trước con mắt quốc tế.
Nay mai, nếu bị thúc ép tiếp, Việt Nam có thể buộc phải cùng với Lào và Campuchia chấp nhận tham gia mô thức “Cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc (Vientiane và Phnom Penh đã đồng ý). Lúc đó, Đông Dương sẽ hoàn toàn rơi vào quỹ đạo của trục mới mà Bắc Kinh đang dày công kiến tạo. Vẫn biết ngoại giao Việt Nam là ngoại giao của ĐCSVN, do ĐCSVN và vì ĐCSVN, người dân không có quyền lựa chọn. Những cú lội ngược dòng hiện nay có nguy cơ sẽ đẩy Hà Nội vào trục độc tài – toàn trị. Nói là “không chọn bên” nhưng sự “buông chèo” này của Hà Nội sẽ làm suy yếu các tham vọng khu vực và toàn cầu của đất nước, làm ảnh hưởng đến Đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN, gây tổn hại đến chính sách “Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ và thế giới tự do. Những lá phiếu “trái khoáy” ở LHQ cũng như thái độ “ba phải” của Hà Nội đối với chính quyền quân sự Myanmar cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của Việt Nam đối với Trung Quốc. Đương nhiên, một số động thái ngoại giao và kinh tế gần đây của Mỹ cũng có thể đã góp phần thúc đẩy xu hướng ngả theo Bắc Kinh: xếp Hà Nội vào SWL, đe dọa điều tra trong vấn nạn buôn người, bán phá giá, gian lận thương mại với Mỹ và tuyên bố trừng phạt một cựu công an Việt Nam…
“Chiều” Trung Quốc để cứu kinh tế?
Xem “World Cup Qatar 2022” không còn thấy các băng rôn “Tự hào lắm, Việt Nam ơi!” như trước đây nữa. Không rõ VTV1 tự hào cái gì khi các siêu sao bóng đá thi tài trên các sân cỏ quốc tế? Có lẽ người ta muốn những cổ động viên đại diện cho “giai cấp mới” ở Việt Nam (có tiền sang Qatar du hí) gào lên như thế cho quên đi những bức bách hiện hữu đối với nền kinh tế nước nhà khi chuẩn bị bước sang năm 2023. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, có 4 thách thức hiện hữu. Thứ nhất, dịch bệnh vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau. Thứ hai, rủi ro địa-chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn, bảo hộ thương mại – đầu tư có xu hướng tăng. Thứ ba, kinh tế thế giới suy thoái nhẹ (trong đó Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở mức thấp), làm giảm nhu cầu thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế của Việt Nam. Thứ tư, rủi ro tài chính – tiền tệ, thanh khoản, bất động sản toàn cầu còn ở mức cao, tác động đến thị trường tài chính – tiền tệ, bất động sản ở Việt Nam, trong bối cảnh đã hội nhập sâu rộng. Theo mô hình định lượng của IMF, ba thách thức sau khiến Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực (giảm khoảng 2 điểm % tăng trưởng), vì ta là nước có độ mở thương mại – đầu tư lớn nhất châu Á.
Đấy là chưa nói tới các vụ trấn áp “đại gia" vừa qua tác động tiêu cực về kinh tế, “đáng lo ngại” về chính sách. Theo TS. Phạm Quý Thọ, việc trấn áp “các đại gia” trên diện rộng năm qua đã gây ra một làn sóng chấn động trong xã hội. Việc một loạt lãnh đạo của ba tập đoàn tư nhân “đình đám” bị bắt giữ, khiến thị trường phản ứng bi quan, cho thấy tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, về chính trị, việc “hình sự hoá” quan hệ kinh tế là “đáng lo ngại”, phản ánh chính sách kiểm soát của ĐCSVN mang tính ý thức hệ đối với bộ phận kinh tế tư bản trong nước. Điều đáng lo ngại hơn là khi các vụ việc bắt giữ được coi như một trong những giải pháp chính sách mang tính ý thức hệ của ĐCS. Cơ sở cho nhận xét này là Văn kiện Đại hội 13 của Đảng nhấn mạnh về củng cố “Đảng – Nhà nước mạnh” với nền tảng là hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin. Nội dung “mới” này đang đẩy chính trị theo hướng chủ nghĩa Lênin, kinh tế theo tư tưởng của Mác và đặc biệt là từ liên hệ quá khứ “môi hở răng lạnh” gắn với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh nói trên, Hà Nội dường như chỉ có một lựa chọn: Hướng vào các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc. Nhưng nếu “thả chèo” theo dòng nước này thì hãy đừng quên câu chuyện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Dự án từng bị báo chí cảnh báo hiệu quả cực thấp, nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, nay đã được TBT Nguyễn Phú Trọng chính thức “thúc giục” với họ Tập “tạo điều kiện thuận lợi”, nhân chuyến thăm vừa qua. Giờ đây, báo chí chắc không còn dám mạnh miệng “phản biện” như trước đây nữa, mà chỉ đề cập thoáng qua, ai không để ý khó thấy. Thật là hữu lý khi tuyến đường sắt “Cát Linh – Hà Đông” đầy ê chề vừa tròn một tuổi, thì lại sắp có một phiên bản khủng hơn nhiều đang chờ đợi ở phía trước. “Việt Nam thúc giục đưa dự án đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn đi đúng hướng, tránh ‘bỏ lỡ cơ hội’, bất chấp những lo ngại”. Đó là tựa đề của một phân tích trên tờ “South China Morning Post”. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, trải dài từ biên giới phía bắc Việt Nam đến một trong những cảng biển lớn nhất của đất nước, một lần nữa được nhắc đến trong chuyến thăm Bắc Kinh của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng.