Những điều cần biết về đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại trực diện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình nhất trí vào ngày 1 tháng 12 rằng đôi bên sẽ hoãn tăng thêm thuế quan trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các cuộc họp là khởi đầu của điều mà các nhà kinh tế nói có thể là những cuộc đàm phán kéo dài, gay gắt về những than phiền của Mỹ rằng tham vọng công nghệ của Bắc Kinh vi phạm các nghĩa vụ thương mại của nước này.

Bắc Kinh và Washington đã tăng thuế quan lên hàng tỉ đôla hàng hóa của nhau, khơi ra những lo ngại rằng cuộc xung đột sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại.

Sau đây là năm điều cần biết về cuộc xung đột thương mại lớn nhất tới giờ giữa Mỹ và Trung Quốc:

TRANH CHẤP CÁI GÌ?

Ông Trump đã tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7 liên quan tới những than phiền lâu nay rằng Bắc Kinh đánh cắp công nghệ hoặc gây áp lực buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Chính quyền Trump cũng phản đối những kế hoạch phát triển công nghiệp của Trung Quốc mà Washington, Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác nói là vi phạm các nghĩa vụ mở cửa thị trường của Bắc Kinh.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành đối thủ tiềm năng trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng mặt trời, xe hơi điện và các lĩnh vực khác mà có thể làm xói mòn vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp của Mỹ. Họ muốn Bắc Kinh rút lại các nỗ lực của chính phủ tạo ra các công ty cạnh tranh toàn cầu trong kĩ nghệ robot và các lĩnh vực khác.

Những lời than phiền này là một sự bác bỏ đồ án phát triển của Đảng Cộng sản cầm quyền muốn biến Trung Quốc thành một quốc gia hùng mạnh và giàu có.

QUY MÔ TRANH CHẤP THẾ NÀO?

Ông Trump đã áp 25 phần trăm thuế quan lên 50 tỉ đôla hàng hóa Trung Quốc và 10 phần trăm thuế lên 200 tỉ đôla hàng nhập khẩu của nước này. Bắc Kinh đã áp 25 phần trăm thuế quan trả đũa lên 50 tỉ đôla hàng hóa của Mỹ, nhắm vào các vùng chăn nuôi và trồng trọt vốn ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, và 10 phần trăm lên 60 tỉ đôla hàng hóa. Các nhà quản lí Trung Quốc đã làm chậm thủ tục thông quan cho các công ty Mỹ và đình chỉ cấp giấy phép trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực khác.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn giữ vững đến cuối năm 2018 khi các nhà xuất khẩu của nước này vội vàng hoàn tất các đơn đặt hàng trước khi các mức thuế cao hơn được áp đặt. Các nhà kinh tế dự đoán các đơn đặt hàng của Mỹ từ Trung Quốc sẽ giảm trong năm nay, vào lúc nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang suy yếu. Hàng triệu việc làm ở Trung Quốc đang gặp nguy.

THỜI BIỂU RA SAO?

Ông Trump và ông Tập đã đồng ý vào ngày 1 tháng 12 rằng đôi bên sẽ hoãn tăng thuế mới trong 90 ngày trong khi họ đàm phán. Các nhà kinh tế nói rằng khoảng thời gian đó là quá ít để giải quyết một loạt những vấn đề gây xích mích trong quan hệ thương mại. Họ nói rằng Bắc Kinh cần cho thấy đủ tiến bộ để thuyết phục ông Trump triển hạn — chẳng hạn như cam kết mua đậu nành, khí đốt hoặc các mặt hàng xuất khẩu khác của Mỹ.

Cả hai chính phủ đều nói rằng họ muốn một thỏa thuận, nhưng các nhà kinh tế nhận định giải quyết xung đột và tìm ra cách thực thi các điều khoản có thể kéo dài và đầy những nguy cơ về mặt chính trị. Một số người cho rằng có thể mất nhiều năm trước khi thuế quan trừng phạt cuối cùng được dỡ bỏ.

KẾT CỤC KHẢ DĨ?

Hai chính phủ đã gợi ý những phác thảo của một thỏa thuận khả dĩ.

Trong cuộc hội đàm hồi tháng 5 tại Bắc Kinh, các đặc phái viên Mỹ đưa những đòi hỏi cho các quan chức Trung Quốc bao gồm cắt giảm trợ cấp cho các ngành công nghệ cao và thu hẹp thặng dư thương mại của Trung Quốc. Theo báo The Wall Street Journal, các quan chức Trung Quốc đáp lại bằng cách chia danh sách thành 142 mặt hàng. Họ nói rằng 30 đến 40 phần trăm có thể được thực hiện ngay lập tức, một số lượng tương tự có thể được đàm phán theo thời gian và 20 phần trăm vượt quá giới hạn cho an ninh quốc gia hoặc những lí do khác.

Bắc Kinh có thể đòi Mỹ thay đổi những hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ “công năng kép” với các ứng dụng quân sự khả dĩ. Họ phàn nàn rằng các công ty Trung Quốc bị đối xử bất công trong các thẩm định an ninh quốc gia về các thương vụ mua lại công ty được đề xuất, dù hầu hết tất cả các thỏa thuận đều được chấp thuận.

HẬU QUẢ CHO KINH TẾ THẾ GIỚI?

Các nhà dự báo tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã hạ triển vọng của họ cho nền kinh tế toàn cầu, đưa ra lí do là những tổn hại và sự bất định phát sinh từ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Khảo sát tình hình kinh tế khắp Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang kết luận vào tháng trước rằng nhiều công ty phàn nàn rằng thuế quan đã làm tăng chi phí, buộc họ phải quyết định tăng giá hay gánh chi phí.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn mạnh, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã giảm mạnh trong tháng 12 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2016. Các nhà sản xuất than phiền rằng cuộc chiến thuế quan tạo nên sự bất định về việc nên đầu tư vào đâu. “Có rất nhiều điều không chắc chắn,” Timothy Fiore, chủ tịch ủy ban khảo sát sản xuất của ISM, nói. “Tranh chấp không được giải quyết. Điều mà các doanh nghiệp không muốn là sự bất định, và chúng ta có rất nhiều bất định.”