Hai ngày trước cuộc bầu cử liên bang Úc vừa qua, cố Thủ tướng Úc Robert James Lee Hawke, được biết đến là Bob Hawke, đã từ trần vào ngày 16 tháng Năm, 2019, thọ 89 tuổi. Ông Hawke là Thủ tướng lâu dài nhất của đảng Lao động, thắng cử bốn nhiệm kỳ, và là thủ tướng lâu đời thứ ba trong chính trường Úc (gần 9 năm), sau John Howard (11 năm) và Robert Menzies (tổng cộng 18 năm).
Những thành quả mà ông Hawke đã đạt được trong thời gian phục vụ vừa chất lượng vừa số lượng. Điển hình nhất là hệ thống chăm lo sức khỏe phổ quát, gọi là Medicare, cho toàn thể người dân Úc. Ngoài ra là các chính sách kinh tế, trong đó điển hình nhất là giá trị đồng tiền Úc thả nổi, tự do hóa nền tài chánh, Kế sách Yểm trợ Gia đình (Family Assistance Scheme), thành lập tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đề cao tự do thương mại, hiện đại hóa công đoàn, vân vân... Tài lãnh đạo của ông, nhất là khả năng thương thuyết, và những chính sách cải tổ trên, cho đến nay vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống của người dân Úc.
Nhưng trong tất cả các tài lãnh đạo và những thành tựu lớn lao của ông Hawke, mà phần lớn nhiều người có thể không biết hay không còn nhớ đến, điều mà làm cho người Úc thương mến ông nhất, cảm thấy gần gũi với ông hơn những lãnh đạo chính trị khác, là vì ông là một người tình cảm, và là người có trí thông minh cảm xúc (EI/EQ) rất cao.
Khi biến cố Thiên An Môn xảy ra cách đây gần 30 năm, ngày 4 tháng Sáu, 1989, nó đã làm cho ông Hawke xúc động mạnh. Sáu ngày sau, trước ống kính truyền hình toàn quốc, đương kiêm Thủ tướng Hawke lúc đó không cầm được nước mắt, tường trình bản báo cáo ông nhận được về các vụ đàn áp kinh hoàng xảy ra đối với phong trào sinh viên. Ông không ngờ sự độc ác của chính quyền Bắc Kinh đối với chính người dân của mình. Trước nỗi xúc động này, mặc dầu chưa tham khảo nội các mình, và tuy biết sẽ gặp sự phản đối từ nhiều phía, ông Hawke chính thức tuyên bố cho sinh viên Trung Quốc ở lại Úc. Sau lời tuyên bố này, khi bước ra khỏi bục giảng, có người lớn tiếng thách thức ông: “Ông không thể làm như thế, thưa thủ tướng”, thì ông trả lời: “Tôi vừa mới làm. Xong rồi” (I just did. It is done.). Ngoài ra, ông Hawke tuyên bố rằng thị thực tạm thời (temporary visas) của bất cứ người gốc Hoa nào có thể gia hạn thành 12 tháng, với quyền đi làm và được hỗ trợ tài chánh. Sau cùng, đã có đến 42 ngàn thị thực dài hạn được cấp cho người Hoa, kể cả sinh viên, qua chính sách này.
Khi nghe tin Bob Hawke từ trần, Naaman Zhou, con trai của bà Ai Ling Zhou, kể lại câu chuyện của mẹ mình 30 năm trước. Vào thời điểm đó, biến cố Thiên An Môn đã gây chấn động cho các sinh viên đi du học nước ngoài, không rõ tương lai của họ rồi sẽ ra sao, bởi vì đường về của họ và việc ở lại đều bấp bênh, bất định. Hành động của Bob Hawke làm cho họ xúc động tột cùng: họ thấy tinh thần nhân bản toát ra. Cộng đồng Hoa - Úc đã bày tỏ lòng thương kính đối với ông Hawke sau khi nghe tin ông từ trần.
Nếu Bob Hawke đã đánh động lương tâm của hàng chục ngàn người Hoa lúc đó, thì người dân Úc cũng rất cảm kích trước sự thể hiện lòng trắc ẩn sâu xa của ông đối với các vấn đề công bằng xã hội. Và không có gì ảnh hưởng sâu xa và lâu dài bằng các lá thư riêng tư mà chính ông Hawke đã phần lớn chấp bút khi nhận được thư của người dân.
Người dân quan tâm về bao vấn đề khác nhau, từ vũ khí nguyên tử đến trẻ con bị đói hay các vấn đề liên quan đến tiền bạc, và ông đã chia sẻ trực tiếp các suy nghĩ của mình về các vấn đề này. Một ngày sau khi ông từ trần, bao nhiêu lá thư ông Hawke gửi hơn ba thập niên về trước đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng, qua đó người dân có dịp hiểu thêm về khía cạnh tình cảm trong con người Bob Hawke.
Trong một lá thư, ông Hawke hứa với một bé gái 10 tuổi rằng ông sẽ cố gắng làm những gì có thể để giúp trẻ em đang bị đói ở ngoài Úc. Trong một thư khác, ông cảm ơn một bé trai đã yêu cầu ông hãy cứu lấy cây (save the trees). Một bé gái 7 tuổi không thể thấu hiểu được sự chết khi bà ngoại/nội vừa qua đời, và ông Hawke chia sẻ rằng: “Có lẽ khi chúng ta già đi, cơ thể của chúng ta bị hao mòn, hoặc vài bộ phận bị suy nhược, giống như các bộ phận của một chiếc xe cũ. Không ai trong chúng ta biết chắc chúng ta sẽ sống đến bao lâu. Bởi vì thế nên tôi nghĩ rằng cháu không nên suy nghĩ quá nhiều về sự chết mà nên nghĩ về tất cả những điều dễ thương chung quanh mình mà làm cho cuộc sống vô cùng quý báu đối với tất cả chúng ta ”, ông Hawke trả lời vào ngày 23 tháng Bảy, 1985.
Những khi ông không trả lời trực tiếp được thì ông yêu cầu những người khác, các cố vấn cao cấp của ông, trả lời thế ông. 31 năm về trước, một người trẻ tên Penelope Modra viết thư cho ông Hawke đề nghị là không nên dùng tiền tại Úc và trên thế giới nữa, thì nhận được trả lời rằng đây là một đề nghị khá lý thú, “Nó sẽ là rất khó khăn để các quốc gia và cá nhân vận hành mà không có tiền mặt”. Có những thư khác đối diện với vấn đề phức tạp hơn thì được nhận thư trả lời có khi dài cả hai trang.
Viết thư đã trở thành một phần sống trong cuộc đời của Bob Hawke. Một ngày trước khi từ trần, ông Hawke có viết một thư mở (open letter) đến mọi người Úc kêu gọi họ ủng hộ cho ông Bill Shorten.
Những lá thư ông Hawke gửi đến các bạn trẻ của thế hệ 1980 hay đầu 1990 đã để lại những ấn tượng lớn trong cuộc đời của họ trở về sau. Dù trẻ mấy đi nữa, tiếng nói của họ được lắng nghe, được trân quý, được trả đáp, và được khuyến khích. Ý kiến của Modra về vấn đề không dùng tiền mặt nữa phần nào đang được thực hiện và có thể hoàn tất không bao lâu nữa. Thế hệ trẻ hôm nay là tương lai là lãnh đạo của mai sau thì làm sao không trân quý mọi tiếng nói của các em, vì các ý tưởng này nhiều khi khá độc đáo. Chúng ta cũng cần trân quý và khuyến khích cho dù ý tưởng của các em còn ngây thơ hay mộng mơ đến mấy đi nữa.
Những nhà lãnh đạo tài hoa để lại tiếng thơn muôn đời cho nhân loại thường có lòng trắc ẩn và đồng cảm sâu xa với mọi vấn đề liên quan đến người dân, điển hình nhất là Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt và Eleanor Roosevelt của Hoa Kỳ. Tựu chung văn hóa chính trị của người Anh phải công nhận là rất văn minh và cấp tiến. Những nhà lãnh đạo của họ có mối quan tâm và nối kết mật thiết với người dân thuộc mọi xu hướng khác nhau. Ông Bob Hawke chắc cũng chịu ảnh hưởng bởi những người đi trước và văn hóa chính trị Anh.
Tại Hoa Kỳ, khi tổng thống Franklin Roosevelt vừa mới dọn vào Nhà Trắng, ông nhận được 300 ngàn lá thư gửi đến chúc mừng. Mỗi ngày FDR và ER phải dành một thời gian nhất định, dù rất khuya hay rất sớm, để trả lời thư. Vào cuối thập niên 1950, bà ER vẫn còn tiếp tục nhận thư của người dân và trả lời trung bình 100 lá thư mỗi ngày. Lúc đó bà vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng, kể cả ứng viên tổng thống Hoa Kỳ là John Fitzgerald Kennedy vẫn tìm mọi cách để được sự yểm trợ và ban phước lành của bà. Nhưng không phải lá thư nào cũng ủng hộ ông FDR hay bà ER. Thật ra có nhiều lá thư thẳng thắn chê bai với lời lẽ nặng nề về các chính sách hay lời nói và hành động của FDR và ER. Nhưng ngay cả những lá thư như thế có khi cũng được trả lời đàng hoàng, với lời lẽ nghiêm chỉnh, tôn trọng.
Những lá thư đó trở thành khối tài liệu sống thực để phần nào đánh giá mối quan tâm cụ thể của những người lãnh đạo quốc dành cho người dân của mình. Rất tiếc đó là một thời đã qua. Ngày nay truyền thống viết thư, và trả lời thư, chắc không còn nữa. Thật ra những lá thư gửi đến các lãnh đạo chính trị vẫn tiếp tục nhận được trả lời, bằng email hay bằng thư từ hẳn hoi. Nhưng những lá thư được chấp bút bằng chính bàn tay của lãnh đạo thì thật là hiếm. Họ có lẽ quá sức bận và chịu nhiều áp lực, và đó là điều dễ hiểu.
Việt Nam, trong thế kỷ qua, có bao nhiêu lãnh đạo quốc gia viết thư tận tay cho những người dân bình thường trong xã hội? Tôi cũng thắc mắc không biết lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v… cho đến Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc hôm nay, những người suốt ngày cứ ra rả cái gì cũng vì dân, của dân, do dân, vân vân… nhưng có bao giờ viết thư trả lời cho bất cứ thường dân nào không nhỉ? Nhất là đối với những dân oan!!!
(Úc Châu, 20/05/2019)